(Congannghean.vn)-Thực tiễn hoạt động của Công an xã đã chứng minh, lực lượng này là nòng cốt trọng yếu trong công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở; đồng thời, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xã và Công an cấp trên về công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Tuy chỉ là lực lượng vũ trang bán chuyên trách nhưng trọng trách mà các anh gánh trên vai không kém phần nặng nề, to lớn. Mặc dù còn nhiều thiệt thòi và bao hiểm nguy cận kề nhưng với lòng nhiệt thành, dấu chân các anh vẫn đang từng ngày in đậm trên khắp các đường làng, ngõ xóm, góp phần giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Công an xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp cùng Công an huyện tuần tra đảm bảo ANTT trên địa bàn |
Đảm bảo ANTT bằng sự nhiệt thành
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Công an xã trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở, ngày 21/11/2008, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về lực lượng Công an xã, trong đó quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, chế độ chính sách và kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Công an xã. Tiếp đó, Luật Công an nhân dân đã quy định Công an xã là một cấp trong lực lượng CAND Việt Nam.
Vinh dự và tự hào là vậy, song đảm nhận nhiệm vụ giữ vững ANTT ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, trọng trách của lực lượng Công an xã có phần nặng nề, với vô vàn công việc “không tên”. Cái danh những người “vác tù và hàng tổng” được người dân gán cho các anh từ đó. Lẽ thường, hễ cứ xảy ra các vụ tranh chấp tài sản, mâu thuẫn dẫn đến xô xát, các vụ trộm cắp vặt…, Công an xã là địa chỉ đầu tiên mà người dân tìm đến. Những tưởng công việc của các anh chỉ đơn giản như vậy; song, xuất phát từ đặc thù của từng địa phương, lực lượng bán chuyên trách này trong nhiều trường hợp còn là đội quân xung kích trên trận tuyến phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người - những cuộc chiến cam go và không lường trước hiểm nguy.
Không chỉ là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh với tội phạm ở cơ sở, Công an xã còn ghi dấu ấn trên lĩnh vực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Công an cấp trên các giải pháp đảm bảo ANTT tại địa phương. Họ còn là những “hòa giải viên”, “tuyên truyền viên” tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, trở thành những công dân gương mẫu.
Một trong những mô hình tạo được “tiếng vang” lớn mà lực lượng Công an xã tham mưu xây dựng là mô hình "Tiếng kẻng bình yên" của Ban Công an xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, được triển khai tại 9/9 xóm, bản, sau đó được nhân rộng trên địa bàn huyện; hoạt động theo tính chất tự quản, tự phòng, tự hòa giải theo quy ước, hương ước của xóm, bản. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, các nẻo đường thôn, xóm trên địa bàn huyện trở nên bình yên hơn bởi tinh thần cảnh giác cao và sự đoàn kết của người dân trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm.
Với phương châm: “Trật tự thôn, xóm được đảm bảo thì mỗi gia đình sẽ được bình an", mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, người dân các thôn còn đóng góp hơn 182 triệu đồng để mua, lắp đặt 285 kẻng và búa gõ kẻng, 302 gậy tầm vông và quần áo trang bị cho lực lượng tự quản.
Ban Công an thị trấn Quỳ Hợp tuần tra xử lý những trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè |
Còn nhiều trăn trở
Theo thống kê của Công an Nghệ An, tính đến đầu tháng 10/2016, toàn tỉnh có 448 Ban Công an xã, thị trấn thuộc 20 huyện, thành, thị với biên chế 448 Trưởng Công an xã, 803 Phó Trưởng Công an xã, 1.225 Công an viên thường trực và 5.571 Công an viên phụ trách thôn, xóm, bản. Theo quy định của Pháp lệnh Công an xã: Công an xã có trụ sở hoặc nơi làm việc riêng phù hợp với điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANTT, an toàn xã hội ở cơ sở; được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách và trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, trên thực tế, cũng như Công an nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tại Nghệ An, không phải Công an xã nào cũng có trụ sở làm việc riêng. Ngoài một bộ phận có phòng làm việc riêng trong trụ sở UBND xã, vẫn còn nhiều đơn vị phải ngồi chung phòng với các tổ chức, đoàn thể hoặc văn phòng UBND xã. Cơ sở vật chất làm việc có sự “kiêm nhiệm” và đơn sơ là vậy, song cũng không “sánh” bằng những khó khăn, thiếu thốn về mặt công cụ hỗ trợ - phương tiện chiến đấu trực tiếp của lực lượng Công an xã.
Làm Công an, dù là bán chuyên trách như Công an xã thì công việc hàng ngày cũng thường xuyên phải đối mặt với đủ loại tội phạm. Thực tế hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, vùng trọng điểm phức tạp về ANTT, hoạt động của nhiều loại tội phạm ngày càng phức tạp, mang tính chất côn đồ, thậm chí còn trang bị vũ khí “nóng” và sẵn sàng chống trả khi bị xử lý, vây bắt thì chỉ với những chiếc gậy nhựa, dùi cui cao su, Công an xã sẽ rất khó trấn áp. Cũng trong những “cuộc chiến” giữa thời bình ấy, máu của nhiều đồng chí đã đổ xuống, để lại niềm xót thương vô hạn và những khoảng trống không thể lấp đầy cho gia đình, người thân.
Có lẽ cho đến tận bây giờ, gia đình ông Nguyễn Trọng Điền - nguyên Công an viên xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương vẫn chưa nguôi nỗi đau mất người thân vào cái ngày định mệnh 23/7/2013, khi trong quá trình nhắc nhở, can ngăn một nhóm thanh niên có hành vi gây ảnh hưởng tới ANTT trên địa bàn, đồng chí Điền bị 1 đối tượng tấn công và vĩnh viễn ra đi từ đó...
Trong khi công việc thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm thì thực tế hiện nay, việc công nhận thương binh, liệt sỹ đối với lực lượng Công an xã bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ còn rất khó khăn, do vướng nhiều quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Sự thiệt thòi này không chỉ về mặt vật chất mà còn là niềm day dứt về tinh thần, khi mà những đóng góp của họ gần như không được công nhận và có thể bị lãng quên theo thời gian.
Một bất cập khác trong chính sách với Công an xã là chế độ phụ cấp cho Phó Trưởng Công an xã và Công an viên còn thấp. Theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, được HĐND tỉnh cụ thể bằng Nghị quyết số 117/2013/NQ-HĐND, hệ số phụ cấp hàng tháng đối với Phó Trưởng Công an xã, phường, thị trấn là 1,1 và Công an viên thường trực là 0,9. Cũng theo quy định tại Nghị định 73/NĐ-CP, việc thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với Công an xã do ngân sách địa phương chi trả. Tuy nhiên, ngoài Trưởng Công an xã là công chức, được hưởng chế độ BHYT, BHXH và phụ cấp thâm niên khi có thời gian công tác liên tục 60 tháng trở lên, hiện Phó Công an xã và Công an viên không được hưởng chế độ trên, đồng thời không được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc vì lý do chính đáng khi có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên.
Nghiệp Công an xã là vậy! Vui có, buồn cũng nhiều. Dẫu còn những trăn trở, lắm tâm tư không biết “ngỏ” cùng ai nhưng tin rằng, với niềm vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ lực lượng CAND, tạm gác lại những khó khăn, thiệt thòi về cả vật chất lẫn tinh thần, các anh sẽ luôn vững bước chân ở nơi được mệnh danh là “đầu sóng ngọn gió” trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm; góp phần làm nên những mùa xuân bình yên, hạnh phúc.