Văn hóa - Giáo dục

Những tín hiệu vui từ xã hội hóa giáo dục

08:27, 17/03/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo số liệu tổng kết mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo về mức huy động xã hội hóa, các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh đã huy động được 186,71 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Để đạt được kết quả này, các trường học đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác xã hội hóa giáo dục. Điều này không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy học tập cũng như việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn mà còn góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện.

Tổng kết học kỳ 1 năm học 2015 - 2016, mức huy động xã hội hóa giáo dục ở nhiều địa phương đạt mức cao. Điển hình như TP Vinh đạt 32,42 tỉ đồng, Diễn Châu 21,91 tỉ đồng, Thanh Chương 15,61 tỉ đồng... và một số trường học ở các vùng miền núi như Nghĩa Đàn (9,51 tỉ đồng)...

Từ nguồn huy động xã hội hóa, nhiều trường học ở vùng miền núi được đầu tư nâng cấp, sửa chữa theo mô hình trường học thân thiện
Từ nguồn huy động xã hội hóa, nhiều trường học ở vùng miền núi được đầu tư nâng cấp, sửa chữa theo mô hình trường học thân thiện

Những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật là huy động được các nguồn lực trong xã hội chung tay vì sự nghiệp phát triển giáo dục, như: Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, vận động học sinh trong độ tuổi đến trường, góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ.

Hiệu quả dễ nhận thấy của việc huy động xã hội hóa giáo dục là số lượng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tăng. Theo số liệu tổng kết của ngành giáo dục giai đoạn 2010 - 2015, đến cuối năm 2015, có 905 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng gần gấp đôi so với năm 2010 (565 trường học).

Nghệ An là một trong những địa phương có tỉ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất cả nước và đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiều trường học được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có thêm nhiều phòng học kiên cố, dãy nhà bán trú dân nuôi.

Đơn cử như ở huyện Quế Phong, trước đây cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh, học sinh phải học trong các phòng học tạm bợ, dựng nhà ở gần trường học thì nay nhà trường đã có nhà bán trú dân nuôi. Hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn huyện Quế Phong đã có nhà bán trú và bếp ăn tập thể cho học sinh. Công trình này do huyện ưu tiên đầu tư nguồn vốn xây dựng, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ.

Ở những điểm trường cách xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn, vào đầu năm học mới, phụ huynh phải mang nguyên vật liệu như tre, nứa đến tu sửa lớp học, dựng phòng học kiên cố, đóng góp ngày công cùng các thầy cô chỉnh trang lớp học, sân chơi cho học sinh.

Đặc biệt, các thầy cô giáo còn đứng ra vận động, kêu gọi xã hội chung tay giúp đỡ mua sắm đồ dùng học tập, sách vở, trang thiết bị cho học sinh. Việc làm này mang lại hiệu quả rất tích cực. Từ nguồn vận động xã hội hóa, các cơ sở giáo dục đã đầu tư xây dựng các phòng học đa chức năng, sân chơi, bãi tập... cho học sinh. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Tại huyện Nam Đàn, các trường học từ bậc mầm non đến THPT đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các phòng học đa chức năng được xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn. Tại Trường THCS Kim Liên, ngoài các phòng học chức năng, nhà trường còn xây dựng 1 phòng máy chiếu, phòng học âm nhạc, ngoại ngữ và vi tính riêng; tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên và học sinh thi đua dạy tốt, học tốt.

Để đạt được kết quả trên, các địa phương đã mạnh dạn áp dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo các quy trình, quy định trong công tác vận động xã hội hóa. Điều này không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy học tập, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

Huyền Thương

Các tin khác