Văn hóa - Giáo dục

Ngừng tuyển viên chức trung cấp ngành y từ năm 2021

Lối thoát nào cho trung cấp ngành y?

09:16, 08/03/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế, góp phần cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có quyết định về việc ngành Y tế không tuyển viên chức trình độ trung cấp ngành Y chuyên nghiệp từ năm 2021. Thông tin này làm cho hàng trăm cơ sở đào tạo và hàng nghìn giáo viên, học sinh đang giảng dạy, học tập ở trình độ này hoang mang, lo lắng.

Theo quy định mới của Bộ Y tế, năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp. Từ thời điểm kể trên, các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng. Từ năm 2025, sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành Y tế. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học. Đây là một trong những bước đi nhằm tiến tới sự hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Bởi hiện nay, ở các nước trong khu vực, cán bộ công tác tại các vị trí kể trên đã đạt trình độ thấp nhất là hệ cao đẳng. Cá biệt như tại Thái Lan, tất cả nhân lực ngành Y đều đạt trình độ đại học trở lên. Ngoài ra, xuất phát từ tình hình thực tế trong nước thời gian qua, các trường ồ ạt tuyển sinh đào tạo trung cấp y dược đã dẫn tới tỉ lệ học viên tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỉ lệ cao.

Thực hành khám chữa bệnh tại Trường Trung cấp y dược miền Trung
Thực hành khám chữa bệnh tại Trường Trung cấp y dược miền Trung

Hiện cả nước có khoảng 135 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, với tổng học sinh trung cấp trên 126.000 người và trên 5.000 giáo viên trung cấp. Trong số 135 cơ sở đào tạo ngành Y tế, có 80 trường trung cấp, 45 trường cao đẳng và 10 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trung cấp. Số học sinh nhập học theo ngành đào tạo chủ yếu năm 2015 là: Y sĩ 21.116 người, dược 28.749 người và điều dưỡng 10.286 người. Tại Nghệ An, ngoài Trường Trung cấp Y khoa miền Trung vừa công bố thành lập vào cuối tháng 2/2016 với hơn 400 người đang được đào tạo trung và sơ cấp, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng đào tạo hệ trung cấp ngành Y, đó là chưa kể nhiều trường trung cấp, cao đẳng trong nước cũng mở “chi nhánh” tại Nghệ An như Trung cấp Y dược Bắc Ninh, Trung cấp Dược Phú Thọ, Cao đẳng Y Hà Tĩnh… với hàng nghìn học sinh đang theo học các loại hình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp liên quan đến y, dược.

Trước thông tin Bộ Y tế ngừng tiếp nhận nhân sự có trình độ trung cấp từ năm 2021, đã có những ý kiến trái chiều. Hiệu trưởng một trường trung cấp y trên địa bàn TP Vinh cho biết, 5 năm tới, khi quy định của Bộ Y tế đi vào thực tế, nhà trường cũng đã hoàn tất lộ trình lên cao đẳng nên trường cũng không quá bận tâm với quy định này. Trong khi đó, một ý kiến khác lại cho rằng, để từ trung cấp lên cao đẳng, thời gian 5 năm là quá ít. Về nhân lực có thể giải quyết được, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì lấy đâu ra kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên?

Đối với những học sinh đang theo học hệ trung cấp ngành Y, giải pháp được đưa ra sau khi có thông tin trên là sẽ học liên thông để lấy bằng cao đẳng trước khi ra trường. Câu hỏi đặt ra là, từ năm nay, các trường trung cấp Y có nên tiếp tục tuyển sinh và người học có nên học trung cấp Y nữa không? Về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, học sinh nên lựa chọn các trường đào tạo có uy tín, cơ sở vật chất đầy đủ, có mối quan hệ tốt với các cơ sở khám, chữa bệnh. Bởi thực tế cho thấy, đối với ngành dược, học sinh tốt nghiệp nếu không làm việc trong các cơ sở y tế Nhà nước thì có thể mở quầy bán thuốc ở địa phương hoặc làm trong các nhà máy sản xuất dược phẩm. Ngoài ra, còn có học sinh theo học các ngành khác như hộ sinh trung cấp, dân số... Các học sinh trung cấp chuyên nghiệp ra trường trong những năm qua có thể làm việc trong các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, đi lao động ở nước ngoài hoặc tự tạo việc làm.

Như vậy, có thể hiểu, trung cấp hay cao đẳng chỉ là vấn đề quy định đặt tên cho trình độ đào tạo. Nếu Bộ Y tế kiên quyết giữ quy định này thì các trường trung cấp Y dược cũng sẽ nâng cấp lên thành cao đẳng. Lúc này, vấn đề đặt ra là chất lượng đào tạo, văn bằng phải có giá trị đích thực chứ không vì bệnh thành tích mà ồ ạt “uốn nắn” cho vừa khung, lộ trình theo quy định của Bộ Y tế. Dù quy định của Bộ Y tế còn tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau song việc cao đẳng hóa nhân lực ngành Y tế bắt đầu từ năm 2021 là một tín hiệu tốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Phương Thủy

Các tin khác