Văn hóa - Giáo dục
Gieo chữ ở biên cương
(Congannghean.vn)-Nằm giáp biên giới, bản Phồng biệt lập trong núi rừng. Với người dân nơi đây, việc đủ ăn, đủ mặc đã là điều khó, nên việc học của con cái không được phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, nhờ nhiệt huyết của các thầy cô bám bản, bám làng mà chất lượng giáo dục ở đây ngày càng được cải thiện.
Bản Phồng hiện có 115 hộ với 689 nhân khẩu, phần lớn là người Tày Pọong, chỉ có một số ít là người dân tộc Thái, Kinh từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống. Trình độ văn hóa của người dân còn thấp nên việc học tập của trẻ nơi đây không được bà con quan tâm. Một số gia đình vẫn giữ thói quen phát nương làm rẫy, vì thế có những khi họ đi lên nương cả tuần và đưa cả con cái theo, dẫn đến tình trạng các em nghỉ học. Ở điểm trường bản Phồng, khó khăn nhất là việc duy trì sĩ số, vì cứ vào những ngày thứ 5, thứ 6, các em lại theo bố mẹ lên nương rẫy, đến khi trở về đi học, các em lại thiếu hụt kiến thức nên thầy cô phải dành thời gian dạy lại.
“Ở đây phụ huynh phần lớn không biết chữ nên học sinh đi học về có khi tự học hoặc không học, vì không có ai kèm cặp. Vì thế, chúng tôi đã thực hiện “Tiếng trống học bài”, tức là buổi tối các em vẫn mang sách vở lên lớp để thầy cô bổ sung những kiến thức các em chưa nắm vững. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục cũng được cải thiện nhiều”, cô Kha Thị Lệ Hoa chia sẻ.
Cô Kha Thị Bé tận tình hướng dẫn học sinh tại điểm trường bản Phồng |
Vài năm trước, ở đây chưa có điện thắp sáng, sóng điện thoại, cũng không có đường đi lại, cuộc sống vô cùng khó khăn. Ngoài giờ dạy, các cô phải chăn nuôi và trồng trọt để cải thiện đời sống. Nhưng những khó khăn ấy cũng không bằng nỗi nhớ chồng con của các cô giáo trẻ. “Tốt nghiệp đại học năm 2007, năm 2008, tôi về công tác tại Trường Tiểu học Tam Hợp, bản Phồng là điểm trường thứ 3 tôi công tác. Gần 10 năm là giáo viên cắm bản, tôi cũng đã thích nghi với cuộc sống xa gia đình. Tôi phải gửi con ở nhà ông bà ngoại ở gần trung tâm huyện. Vào những ngày cuối tuần nắng ráo, tôi tranh thủ về thăm con. Mùa mưa thì cả tháng bị cô lập, không thể đi ra khỏi bản, mấy chị em ngồi ôm nhau khóc vì nhớ con”, cô Kha Thị Bé chia sẻ.
Tuy nhiên, sau một thời gian công tác, với tình yêu nghề, yêu trò, các cô đã vượt qua mọi khó khăn về vật chất để tiếp tục hành trình gieo chữ cho học sinh nơi đây.
Được biết, Trường Tiểu học Tam Hợp có 8 điểm trường, điểm chính đóng ở bản Phà Lỏn, cách trung tâm xã 10 km. Mỗi lần đi họp, các thầy cô lại lặn lội đi từ bản Phồng ra trung tâm xã rồi tới Phà Lỏn. Quãng đường chỉ khoảng 20 km nhưng toàn đường đất, một bên núi, một bên vực nên phải mất mấy giờ mới tới điểm chính. Vào ngày trời mưa, đường lầy lội, đất trơn trượt, đó là cả một hành trình vô cùng gian nan. Thế nên, vào mùa mưa, có những tuần các thầy cô không thể tới điểm chính để giao ban, họp chuyên môn. Điểm trường có 6 thầy cô, trong đó cô Lương Thị Loan và thầy Mạc Văn Phong đã ngoài 40 tuổi, còn lại đều là giáo viên trẻ. Mặc dù khó khăn, vất vả song thầy cô giáo cắm bản ở Tam Hợp vẫn tràn đầy nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ. Đó chính là những động lực để sự nghiệp gieo chữ ở vùng biên cương này ngày càng khởi sắc.
Như Phương