Văn hóa - Giáo dục
Hà Tĩnh: Phát hiện chuông đồng cổ có niên đại thời Tây Sơn
(Congannghean.vn)-Sáng nay Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong quá trình khảo cứu, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), các cán bộ chuyên môn đã phát hiện một chiếc Chuông đồng cổ có niên đại thời Tây Sơn tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh)...
Chuông đồng cổ thời Tây Sơn vừa được phát hiện. |
Chuông đồng cổ có niên đại thời Tây Sơn còn nguyên vẹn có kích thước cao 75cm, nặng 70kg, đường kính vành miệng rộng 30cm. Được chế tác bằng phương pháp đúc thủ công truyền thống với chất liệu đồng cổ màu vàng được lưu giữ tại ngôi Chùa Thanh Quang, có tên nôm Thanh Quang Tự, trước đây có tên là: Yên Nhân Tự, thuộc thôn Nam Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Chuông gồm 3 phần: Quai chuông, thân chuông và vành miệng chuông. Quai chuông được tạo dáng họa tiết hoa văn hình hai con rồng trong tư thế đấu lưng vào nhau, đuôi rồng cuộn tròn, lưng rồng to có vẩy. Thân chuông chia làm 4 múi theo chiều dọc, mỗi múi gồm 2 ô theo chiều ngang. Các ô đều khắc minh văn bằng chữ Hán cổ có nội dung nói về triết lý đạo Phật, khắc người hưng công và người công đức xây dựng chùa và niên đại đúc chuông. Phía trên thân chuông ở 4 múi có 4 chữ Hán cổ: Yên Nhân Tự Chung (Chuông chùa Yên Nhân).
Ở ranh giới giữa ô trên và ô dưới có 4 núm to hình tròn, có đường viền hoa, vừa làm núm gõ vừa tượng trưng cho 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Hoa văn trên góc chuông tạo dáng hình quả Trám nối liền nhau. Vành miệng chuông hơi loe, có hai gờ nổi hình tròn đồng tâm để trơn không trang trí hoa văn. Căn cứ vào minh văn được khắc ghi trên thân chuông, được biết, Chuông được đúc vào niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1802) thời Tây Sơn.
Chuông đồng cổ có niên đại thời Tây Sơn được phát hiện là di vật quý có giá trị về lịch sử và khảo cổ, văn học, kiến trúc, mỹ thuật...đặc biệt các bài minh chuông được đúc khắc trên chuông, là những tư liệu quý góp phần nghiên cứu về vương triều Tây Sơn trong lịch sử dân tộc cần được gìn giữ, nghiên cứu và bảo vệ.
Lê Giáp