Văn hóa - Giáo dục
Đưa chiến tranh biên giới, hải đảo vào SGK: Giáo dục về lịch sử dân tộc
(Congannghean.vn)-Chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và hải chiến Hoàng Sa sẽ được đưa vào sách giáo khoa (SGK). Đó là thông điệp được Bộ GD&ĐT phát đi trong lần biên soạn SGK mới. Dư luận cho rằng, những nội dung này cần được đưa vào SGK vì tính khách quan của lịch sử, tính giáo dục truyền thống của sử học và vì yêu cầu của xã hội.
Đưa những sự kiện gì của chiến tranh biên giới, hải đảo vào SGK?
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới và hải đảo vào nội dung SGK mới. Hiện tại, Bộ đang lắng nghe ý kiến của các nhà sử học và người dân.
Những người lính, dân quân tự vệ trong cuộc chiến biên giới 1979 |
Thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể và chương trình bộ môn, Bộ sẽ xem xét đưa nội dung về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và hải chiến Hoàng Sa vào SGK với dung lượng phù hợp. Vấn đề này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
SGK hiện hành tuy không đề cập đầy đủ nhưng cũng đã nói đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. Phần kiến thức này được đề cập trong bài học chính và tham khảo.
Cụ thể, SGK Lịch sử lớp 9 có bài 32 nói về cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, trong đó có phần nói về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và mục số 2 là cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979; riêng cuộc hải chiến được nhắc đến trong bộ môn Địa lý. Trong chương trình SGK lớp 12 có đưa vào cả 2 bộ sách cơ bản và nâng cao.
Tuy nhiên, do SGK hạn chế về số trang, trong khi nội dung cần truyền đạt nhiều nên thông tin sự kiện được viết ngắn gọn, chưa thỏa mãn những nhà viết sách sử, giáo viên và học sinh. Dư luận cho rằng, các cuộc chiến tranh cần được đưa vào SGK vì tính khách quan của lịch sử, tính giáo dục truyền thống của sử học và vì yêu cầu của xã hội.
Đó là hải chiến Hoàng Sa (1974), chiến tranh biên giới Tây Nam (1977 - 1978) và biên giới phía Bắc (1979 - 1988), trận chiến Vị Xuyên bảo vệ biên giới phía Bắc (1984), trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa (1988).
Theo lộ trình, thực hiện Nghị quyết 29 của TW Đảng về Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có chương trình bộ môn SGK; dự kiến đến năm 2018 sẽ bắt đầu đưa chương trình mới vào giảng dạy.
Theo các nhà biên soạn, nội dung SKG mới dự kiến sẽ đưa những sự kiện hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng để người dân các thế hệ khắc cốt ghi tâm truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc.
Những nội dung đó sẽ được đưa vào chương trình SGK của tất cả các cấp học dưới hình thức đơn giản, gọn nhẹ ngay từ bậc Tiểu học như kể chuyện địa danh lịch sử, 6 tỉnh biên giới, những câu chuyện kể về các nhân vật lịch sử.
Đối với bậc THCS, phải làm rõ hơn, cụ thể hơn, thậm chí là nêu những sự kiện, âm mưu của thế lực thù địch, cuộc đấu tranh chống lại của chúng ta diễn ra như thế nào? Còn đối với cấp THPT, có thể dạy theo các chủ đề, chuyên đề về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc, từ các cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông, Thanh, Pháp, Mỹ, đến các cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc.
Không lãng quên lịch sử
Từ nay cho đến khi các nội dung về chiến tranh biên giới phía Bắc, Tây Nam và hải chiến Hoàng Sa được đưa vào SGK, các Sở GD&ĐT có thể đưa vào các hoạt động chính khóa hoặc ngoại khóa về nội dung các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới dưới nhiều hình thức đa dạng như kể chuyện, đi thăm các di tích lịch sử... Đơn cử như tại TP Đà Nẵng, các trường học đã tổ chức đưa học sinh đến bảo tàng, lồng ghép nội dung chủ quyền biển đảo vào bài học và được các em hưởng ứng nhiệt tình.
Quá khứ đã qua đi nhưng trang sử hào hùng của các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử. Chúng ta không thể thay đổi, cũng không thể tô hồng hoặc bôi đen lịch sử. Việc đưa các cuộc chiến tranh biên giới, vấn đề biển đảo vào SGK sẽ góp phần làm rõ sự thật lịch sử, giúp nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới và các thế hệ sau hiểu rõ hơn bản chất của các cuộc chiến tranh này chứ không nhằm kích động hận thù, gây hấn giữa các nước. Mỗi bên cần rút ra các bài học kinh nghiệm xương máu để tránh những nguy cơ xung đột về sau.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu cho rằng, SGK hiện hành đã lạc hậu, nhiều bất cập. Hiện nay, SGK viết về chiến tranh biên giới chỉ có 11 dòng và đây là một thiếu sót lớn. SGK mới được ban hành sau năm 2018 cần bổ sung hai kiến thức cơ bản là chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Việc đưa hai nội dung này vào SGK sẽ giúp cho thế hệ trẻ không những không lãng quên mà còn hiểu rõ hơn giá trị lịch sử, từ đó có trách nhiệm với Tổ quốc và định hướng tương lai.
Cuộc chiến tranh của dân tộc đã lùi xa nhưng những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới hay thân nhân của các chiến sỹ đã ngã xuống vẫn đang đau đáu một nỗi buồn bởi sự hy sinh, cống hiến của họ đang dần bị lãng quên. Việc đưa chiến tranh biên giới, hải đảo vào SGK, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chính là sự vinh danh và tri ân đối với những anh hùng đã quên thân mình để bảo vệ Tổ quốc.
Như Phương