Hồ Chí Minh luôn mong muốn các tôn giáo phải đoàn kết lại thành sức mạnh dân tộc. Đó là tư tưởng đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc gặp mặt đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cách mạng là để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng muốn làm cách mạng thắng lợi, không có con đường nào khác là phải tập hợp được sức mạnh của toàn dân. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận đáng kể trong cộng đồng nên không thể để các tín đồ tôn giáo đứng ngoài cuộc đấu tranh này, càng không thể để kẻ địch lôi kéo, lợi dụng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, trái lại còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người dù theo tôn giáo nào thì trước hết người đó phải là công dân, có nghĩa vụ với dân tộc, đất nước.
Khi GS Thịnh nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo, ông rất khâm phục một luận điểm của Hồ Chủ tịch, đó là chúng ta không chống lại tôn giáo mà chúng ta chống lại những người lợi dụng tôn giáo. Ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng. Chia rẽ tức là yếu hèn”. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho sự thành công của cách mạng nước ta.
Hồ Chí Minh cho rằng tôn giáo là điều khách quan của con người, nhân đạo và hướng thiện. Người đã viết: “Chúa Jesus dạy: Đạo đức là bác ái; Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đạo đức tôn giáo có giá trị nhân bản, phù hợp với đạo đức của xã hội. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sự tương đồng giữa học thuyết tôn giáo và cách mạng: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Jesus có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jesus, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
Hồ Chí Minh đã nhìn ra bản chất của tôn giáo và đã kêu gọi đoàn kết tôn giáo, vì lợi ích chung của cả dân tộc và cũng vì lợi ích của chính các tôn giáo. Khi đất nước được độc lập, các tôn giáo mới được tự do.
Hồ Chí Minh luôn tin vào đồng bào các tôn giáo. Người đã giao cho nhiều người giữ các chức vụ cao cấp trong Chính phủ, Quốc hội như: Giám mục Lê Hữu Từ, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn tối cao cho Chính phủ; Linh mục Phạm Bá Trực là Phó Ban Thường trực Quốc hội, các trí thức Công giáo như: Nguyễn Mạnh Hà, Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng trong Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ông Cao Triều Phát - Chủ tịch Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất là Cố vấn Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ.
Để đồng bào các tôn giáo thật sự tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước, ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước toàn dân: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Hồ Chí Minh cũng viết trong thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ vào năm 1947 như sau: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ: Tín ngưỡng tự do. Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích Công giáo thì sẽ bị phạt”.
GS Ngô Đức Thịnh. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhất là những người làm công tác tôn giáo vận, khi tiếp xúc với đồng bào các tôn giáo phải thật sự tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân. Điều này đã được ghi trong mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành ngày 9/9/1952: “Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, công tác tôn giáo là nhiệm vụ của mọi người, mọi đoàn thể chính trị, xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ mềm dẻo, biện pháp khôn khéo, hợp tình hợp lý trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo ở nước ta. Trong "Tám điều mệnh lệnh" của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ghi rõ: Chính phủ, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào.
Ngày 5/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 điều nên và không nên làm, trong đó ghi: "Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng, phong tục của dân". Chính cương của Mặt trận Liên Việt ở điểm 1, điều 7 có ghi: "Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng cho mọi người".
Sắc lệnh 234/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 14/6/1955 đã thể hiện rõ tính nhất quán lâu dài của chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Sắc lệnh này vừa giúp các tôn giáo có cơ sở pháp lý để hoạt động vừa đảm bảo cho đồng bào các tôn giáo có thể sinh hoạt tôn giáo bình thường mà không bị ai ngăn cản.
Hồ Chí Minh đã vượt qua được giới hạn của lịch sử, của thiên kiến tôn giáo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc là một yếu tố quan trọng góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế để đất nước vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.
.