(Congannghean.vn)-Sau 5 năm triển khai thực hiện giai đoạn I Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”(DTTS), chất lượng dạy học tiếng Việt nói riêng và chất lượng giáo dục vùng DTTS nói chung trên địa bàn tỉnh Nghệ An không ngừng được nâng lên. Nhờ thành thạo tiếng Việt, nhiều học sinh DTTS không chỉ nắm vững hơn các môn học khác mà còn dần mạnh dạn, tự tin, giao tiếp tốt hơn.
Nhằm hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2/6/2016 phê duyệt Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Đề án nhằm giúp các em có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học. Tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các bậc học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Việc trang bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS sẽ giúp các nhà trường thuận lợi trong việc tổ chức dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục |
5 năm qua, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án có hiệu quả, đạt cơ bản các mục tiêu, nội dung đề ra. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ DTTS được rèn kỹ năng nghe nói, giao tiếp tiếng Việt, được hòa mình trong môi trường tiếng nói và chữ viết tiếng Việt. Trẻ em người DTTS đã mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động giáo dục và hoạt động khác trong cuộc sống. Sau 5 năm triển khai Đề án, 94,5% học sinh là người DTTS được hưởng lợi từ đề án, tác động đến các kết quả ở các mặt, cụ thể như: có 88,8% học sinh DTTS vào lớp 1 được học qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, 82,3% học sinh DTTS hoàn thành tiểu học.
Tại Nghệ An, với bậc mầm non, việc thực hiện Đề án được triển khai bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ sớm làm quen với tiếng Việt. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng đã tổ chức lồng ghép, tích hợp nội dung tăng cường tiếng Việt một cách linh hoạt, sáng tạo vào các hoạt động trong ngày của trẻ, đảm bảo trẻ là người DTTS có thể đạt được các mục tiêu theo giáo dục độ tuổi.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, đến năm 2020, tỉ lệ huy động trẻ em người DTTS đến trường có nhiều kết quả tích cực, trong đó trẻ mẫu giáo đạt 92,6% (chỉ tiêu 90%) và 100% trẻ em người DTTS trong các cơ sở giáo dục được tăng cường tiếng Việt, được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giao tiếp, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đặc biệt 100% trẻ DTTS được học 2 buổi/ngày và tham gia bán trú 100%. 100% trẻ DTTS 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non được chuẩn bị tốt vốn từ và kỹ năng giao tiếp (nghe, nói, hiểu) bằng tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, tài liệu, đồ dùng để tham khảo và sử dụng dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS chưa phong phú. Tại một số trường có nhiều giáo viên miền xuôi lên công tác do không biết tiếng dân tộc nên có sự bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò, làm hạn chế việc tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Bên cạnh đó, học sinh người DTTS ở nhà quen nói tiếng mẹ đẻ nên việc phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt còn hạn chế…
Trong thời gian tới, nhằm thực hiện giai đoạn 2 của Đề án (2021 - 2025) đạt hiệu quả, phù hợp với địa phương, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình người DTTS tạo điều kiện cho trẻ đến trường và học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, các trường cần tăng cường trang thiết bị dạy học, xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp học; nâng cao chất lượng dạy tập nói tiếng Việt trong hè cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1.
.