Những đứa trẻ đến trường học luôn có bài tập về nhà, một điều mà bất cứ vị phụ huynh nào bây giờ cũng lưu tâm.
Thế hệ chúng ta có diễm phúc được kiểm tra bài tập về nhà của con trẻ, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta có dịp củng cố thêm tri thức của mình, cũng như biết được những kế hoạch và chương trình lớn lao của nền giáo dục hiển hách trong tương lai.
Bài tập về nhà mà con em chúng ta vẫn thường làm mỗi ngày, đã hoàn toàn khẳng định cho cái luận điểm, rằng con người ta luôn phải học lúc còn sống; hay chí ít ra khi con cái bạn đã tốt nghiệp phổ thông trung học mà không vào được đại học.
Chính vì tất cả những điều ấy mà chúng ta, thế hệ phụ huynh thời nay, không ngần ngại lên tiếng khuyến cáo nhân danh cho các thế hệ sắp lớn. Sự lưu tâm của chúng ta thể hiện trong cách giải quyết các vấn đề (mà con em chúng ta cần phải tự giải lấy); luôn xâm chiếm phần lớn thời gian làm việc của chúng ta, lan cả vào giấc ngủ trưa… như báo giới và truyền hình từng đề cập.
Minh họa: Lê Tâm. |
Nhưng, điều hiển nhiên là khi cùng giải bài tập về nhà với con em mình, chúng ta lại có khả năng khôi phục lại những tình bạn thuở thiếu thời, tưởng đã "chìm vào quên lãng" bởi cơn lốc "cơm áo gạo tiền" của đời thường. Ví như chúng ta lại có dịp tới nhà một bạn học cũ, người từng tốt nghiệp ngành vật lý hạt nhân, cùng lời đề nghị nhờ giải giúp bài tập về nhà cho một học sinh lớp ba; hoặc là
mời đến nhà chơi lứa bạn đồng khóa cũ, những kẻ đang tại chức trong các ngành ngôn ngữ học và phương pháp luận học; hay đi làm khách anh bạn ngồi cùng bàn "từ thời để chỏm", nay là một sử gia lẫy lừng, nhằm giải thích cho con em mình nhiều sự kiện xảy ra trước Công nguyên…
Chúng ta lại có dịp cầu viện đến vô vàn vị chuyên viên trong các lĩnh vực khác nhau. Ví như đơn cử với hội họa chẳng hạn. Ta buộc phải cầu cạnh một họa sĩ - bạn học cũ - đã thành danh nào đó, nhờ tư vấn cho các bức tranh tô màu thuộc mảng bài tập về nhà của học sinh đầu cấp tiểu học. Đúng ra tôi từng tiến hành "thử nghiệm" theo hướng này dạo tháng trước. Một cây cọ - bạn cũ - đã nhiệt tình hoàn thiện nốt bức tranh đang vẽ dở của con gái tôi. Rồi thầy dạy mỹ thuật "vũ phu" đã cho bức kiệt tác ấy điểm 1, kèm lời phê: "Không phải em tự vẽ nên họa phẩm tuyệt đẹp này". Riêng tôi lại gọi điện cảm ơn anh bạn về những đường nét phác họa đạt mức "10 giỏi".
Chung quy lại thì đó cũng chỉ là một phần trong chuỗi "trường đời" của mỗi chúng ta. Còn con em chúng ta - những "chú thỏ thí nghiệm" cho các phương cách đào tạo mới, cùng những "thất bát" trong học vấn của thế hệ chúng ta, lại khiến đời sống xã hội của chúng ta thêm phong phú hơn, thêm thú vị hơn và đương nhiên - bớt vô vị hơn.
Hãy cùng nhau làm bài tập về nhà với con trẻ, để hiểu thêm cuộc sống vốn tươi đẹp và đầy sinh động này.
Truyện vui của Milenko Pajovic (Serbia)- Kim Dung (dịch)