Thứ Năm, 16/04/2020, 15:02 [GMT+7]

Gỡ khó cho học sinh miền núi trong mùa dịch

(Congannghean.vn)-Ngoài việc dạy học trực tuyến thì việc giao bài tập về nhà hay hàng tuần mang sách, báo, truyện đến cho học sinh... là những giải pháp giúp cho các em, nhất là học sinh miền núi có điều kiện ôn bài trong những ngày nghỉ vì dịch COVID-19.
 
Đây là tuần thứ ba, những “shipper” thuộc đội thanh niên tình nguyện Đoàn xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An có mặt trên những tuyến đường, mang “món hàng” là bài tập đến tận tay các em học sinh ở trên địa bàn. 
 
Là người trực tiếp tham gia hành trình giao bài tập cho học sinh, chị Nguyễn Thị Liễu, Bí thư Đoàn xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương cho biết: Xã Thanh Giang có 4 xóm, nhiều em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa có điều kiện để tiếp cận với công nghệ thông tin nên việc học trực tuyến không dễ chút nào. Vì vậy, thời gian qua, Đoàn xã Thanh Giang đã thành lập đội thanh niên tình nguyện, có nhiệm vụ làm “shipper” mang bài tập đến tận tay các em học sinh. Hoạt động này có sự phối hợp giữa giáo viên của trường Tiểu học, THCS trên địa bàn. “Hằng tuần, 13 tình nguyện viên sẽ đến các trường học nhận bài tập từ các giáo viên, sau đó đi đến các thôn, xóm để phát tận tay các em học sinh. Tuần kế tiếp, “shipper” đến thu bài làm của các em và tiếp tục phát bài tập mới... Sau 1 tuần đi thu bài thì hầu hết các em đều hoàn thành bài tập mà giáo viên giao cho. Ngoài việc giao bài, các tình nguyện viên còn trực tiếp hướng dẫn các em làm bài tập, đồng thời phối hợp với gia đình tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phối hợp quản lý chặt chẽ các em trong những ngày ở nhà...”, chị Nguyễn Thị Liễu cho biết thêm. 
Đoàn xã Thanh Mai
Các 'shipper' tình nguyện Đoàn xã Thanh Giang, Thanh Chương giao bài tập dến tận tay các em học sinh
Sau 3 tuần thực hiện, đến nay, đội thanh niên tình nguyện của xã tổ chức phát hơn 600 bài tập cho các em học sinh tiểu học và THCS. Thông qua hoạt động này, không những giúp các em học sinh củng cố kiến thức mà quan trọng hơn là duy trì được nề nếp và ý thức tự giác trong học tập.
 
Có thể thấy rằng, những ngày nghỉ học do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các trường học ở các huyện miền núi gặp không ít khó khăn. Để các em không quên con chữ thì cần phải có nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Thực tế, với điều kiện địa hình hiểm trở, nhiều nơi chưa tiếp cận được với công nghệ thông tin, nhiều gia đình hoàn cảnh còn khó khăn... thì việc dạy học trực tuyến là một điều còn quá xa lạ với những học sinh dân tộc thiểu số. Tại huyện Tương Dương, thực tế, chỉ 40% số trường học trên địa bàn đáp ứng cơ bản được việc học trực tuyến. Do đó, để các em duy trì được nề nếp học tập cũng như rèn luyện kỹ năng tự học, thời gian qua, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện việc dạy học bằng hình thức giao bài dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
 
Tại huyện Kỳ Sơn, Phòng GD&ĐT cũng đã giao cho các trường, tùy vào từng cấp học để soạn đề cương ôn tập và chương trình học trọng tâm (đã giảm tải) đối với những học sinh không có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin, in sao đề, phân công giáo viên đến từng gia đình học sinh 1 lần/tuần để hướng dẫn các em học tập và rèn luyện kỹ năng tự học. Đến  nay, cơ bản học sinh của huyện Kỳ Sơn được phát phiếu bài tập. Để học sinh đảm bảo kiến thức để kết thúc năm học không quá muộn so với quy định, Phòng đã xây dựng ba phương án, cụ thể là tinh giản những tiết học không bắt buộc; giáo viên có thể chọn lựa bài trong phân môn của mình; trong mỗi bài học giáo viên có điều tiết nội dung để học sinh nắm vững kiến thức nền tảng, cốt lõi.
 
Đối với học sinh tiểu học, bên cạnh duy trì kiến thức cơ bản cho các em, thì việc dạy Tiếng Việt phải được đặt lên hàng đầu. Không đặt nặng vấn đề giao bài tập về nhà, nhưng với thời gian nghỉ học dài ngày sẽ khiến cho học sinh dân tộc thiểu số quên mất Tiếng Việt. Để giải quyết tình hình trên, tại Trường Tiểu học Thông Thụ 1, huyện Quế Phong, nhà trường phải mở cửa thư viện, phân công giáo viên hàng tuần mang sách, báo, truyện, các ấn phẩm thiếu nhi đến bản cho học sinh. Các em đến nhà trưởng bản hoặc nhà văn hóa để lấy sách báo về, đọc xong mang trả lại. Đây cũng là dịp để giáo viên với gia đình, thôn bản có cơ hội tuyên truyền phòng dịch COVID-19.
 
Như vậy, ngoài việc phòng, chống dịch bệnh, ngành Giáo dục với sự chung tay, góp sức của các tổ chức, đoàn thể quyết tâm thực hiện tốt phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”...
.

Phan Tuyết

.