Thứ Ba, 24/03/2020, 09:06 [GMT+7]

Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên truyền hình

(Congannghean.vn)-Quảng cáo trên truyền hình ngoài yếu tố trung thực, chính xác, rõ ràng thì còn phải có văn hóa. Một quảng cáo truyền hình chỉ được phát sóng khi nó phù hợp với giá trị truyền thống của một dân tộc. Điều đó, không những quyết định đến sự thành công của chiến lược quảng cáo mà cả một quá trình hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay có nhiều quảng cáo chưa được đầu tư, kiểm duyệt kỹ càng trước khi phát sóng, điều này đã gây hiệu ứng ngược lại.

Quảng cáo trên truyền hình phải phù hợp với văn hóa Việt - Ảnh minh họa
Quảng cáo trên truyền hình phải phù hợp với văn hóa Việt - Ảnh minh họa
Những ngày vừa qua, người dân rất bức xúc, phản ứng gay gắt trước quảng cáo về nước tăng lực được phát sóng trên VTV với nội dung có phần phản cảm. Đoạn clip quảng cáo này cũng được đăng tải trên Youtube, thu hút nhiều lượt xem, bình luận với một thái độ phẫn nộ. Với thời lượng 45 giây, cảnh quay là ngôi nhà của một cặp vợ chồng trẻ với trang phục đồng bào dân tộc thiểu số. Biểu cảm trên khuôn mặt cùng với những câu thoại của hai bạn diễn này khiến người xem cho rằng câu chuyện giường chiếu trong đoạn quảng cáo này được trưng ra một cách phản cảm. Nhiều người xem bày tỏ thái độ bức xúc, lo lắng, khán giả cho rằng đây là một quảng cáo nhảm nhí, thiếu văn hóa. “Xem hình ảnh, kết hợp với nghe lại lời thoại, tôi thật sự thấy rất phản cảm, đặc biệt là đoạn cuối cùng về một vấn đề tế nhị trong sinh hoạt con người mà cũng khai thác, chiếu lên truyền hình cho khán giả xem vào khung giờ vàng, có cả trẻ em theo dõi. Như thế là không tôn trọng khán giả.”, một khán giả góp ý. 
 
Đây không phải là lần đầu tiên quảng cáo Việt phát sóng trên VTV vướng phải ồn ào này. Trước đó, có nhiều quảng cáo gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận khi đưa các hình ảnh, nội dung có tính chất dung tục, phản cảm lên sóng. Có thể nói rằng, quảng cáo như là một “đặc sản” không thể thiếu trên sóng truyền hình. Quảng cáo lặp đi lặp lại liên tục vào khung giờ vàng thu hút lượng người xem, không chỉ người lớn mà còn có cả trẻ em. Cho nên, những người làm quảng cáo phải hiểu được rằng, bên cạnh những yếu tố cốt lõi như trung thực, chính xác, rõ ràng thì văn hóa trong quảng cáo là rất cần thiết. Đó là văn hóa trong việc sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, thông điệp, ý tưởng sáng tạo... Một quảng cáo nếu sử dụng những yếu tố trên không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội thì coi như thất bại. Chính vì “hạt sạn” như hình ảnh phản cảm, ngôn ngữ mập mờ, cách nói phóng đại... khiến người xem bực bội, phản ứng gay gắt, từ đó không mấy thiện cảm với sản phẩm, dịch vụ quảng cáo...
 
Không thể phủ nhận quảng cáo trên truyền hình là một phần tất yếu, khán giả dù muốn hay không ít nhiều cũng khó tránh, đôi khi “phải xem”. Song một khi những clip quảng cáo thiếu đi sự biên tập kỹ lưỡng, thiếu đi sự sáng tạo và chuẩn mực sẽ gây hiệu ứng ngược lại.
 
Mặc dù đã có Luật Quảng cáo và nhiều văn bản điều chỉnh, thế nhưng ý thức tuân thủ chưa nghiêm túc, dẫn đến tình trạng cẩu thả, qua loa, mục đích để câu khách mà làm trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, vi phạm đạo đức kinh doanh và thuần phong mỹ tục. Chính vì vậy, cần phải chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo trên truyền hình với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ban, ngành và trên hết là ý thức của những người làm công tác quảng cáo.
* Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 tại Khoản 3, Điều 8, Chương I cấm “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
.

Gia Khánh

.