Thứ Năm, 27/02/2020, 08:11 [GMT+7]

Chọn sách giáo khoa lớp 1: Cần cân nhắc kỹ lưỡng

(Congannghean.vn)-Xung quanh việc triển khai sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới, các nhà trường sẽ có thời gian để họp, nghiên cứu. Từ đó, lựa chọn công khai, minh bạch 1 trong 5 bộ SGK lớp 1 mới đã được phê duyệt.
Cán bộ Sở GD&ĐT trao đổi với giáo viên Tiểu học                               về SGK lớp 1 mới
Cán bộ Sở GD&ĐT trao đổi với giáo viên Tiểu học về SGK lớp 1 mới
Nếu như trước đây chỉ có 1 bộ SGK cho khối lớp 1 thì theo chủ trương đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông, đã có 5 bộ SGK khối lớp 1 được Bộ GD&ĐT phê duyệt.  Theo đó, Bộ đã phê duyệt 5 bộ SGK (gồm 32 tên sách) mới, trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ (24 tên sách) là “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Bộ sách còn lại là “Cánh diều” (8 tên sách) của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam.
 
Như vậy, các địa phương cần lựa chọn SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 đầu SGK trên cơ sở bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
 
Ngày 30/1/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2020 về hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông (Hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn SGK. Hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn SGK theo quy định tại Thông tư này và quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy trình lựa chọn SGK phải được bỏ phiếu kín và SGK được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
 
Tại Mục C, Điểm 1, Điều 32 của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Thế nhưng, tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” nêu rõ: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh (HS) theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn để các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK phù hợp nhất. Sau đó sẽ có hướng dẫn lựa chọn SGK theo tinh thần Luật Giáo dục 2019 với sự chuyển tiếp, kế thừa, hướng dẫn lựa chọn SGK theo tinh thần Nghị quyết 88 để ổn định, không gây xáo trộn cho các cơ sở giáo dục.
 
Theo kế hoạch, để triển khai kịp thời cho việc thay SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT đề nghị đến tháng 3/2020, các địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập hội đồng chọn lựa và công bố chọn SGK chính thức cho học sinh ở địa phương mình. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, các địa phương cùng với tác giả, nhóm tác giả phải tổ chức tập huấn xong chương trình SGK mới ở cấp tỉnh và cấp cơ sở trường học. Sau đó, các nhà xuất bản tiến hành in ấn, phát hành SGK mới đến tay học sinh để triển khai năm học mới vào đầu tháng 9/2020. 
 
Tại Nghệ An, bản cứng 3 bộ SGK lớp 1 mới gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực đã đưa về các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu, nhận xét, so sánh các bộ sách trên cơ sở đã được tập huấn về chương trình phổ thông tổng thể nói chung và lớp 1 nói riêng, với ưu tiên lựa chọn sách phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương cũng như đối tượng học sinh của mình.
 
Theo ý kiến của đa số giáo viên thì điểm nổi bật của SGK mới khi tiếp cận bước đầu là hình ảnh hấp dẫn, đẹp, từ ngữ tường minh. Nhiều môn dạy theo hướng mở, không có bài văn mẫu, không có hình vẽ mẫu, kích thích học sinh sáng tạo. Bên cạnh đó, mỗi bài có trình tự sắp xếp rõ ràng, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình tiếp cận bài học. Ngoài ra, trong chương trình mới cũng đã tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm, bồi dưỡng năng lực tự chủ, tự học. Tuy còn gặp một số khó khăn song đến thời điểm hiện nay, khá nhiều trường đã lựa chọn được bộ sách cho mình. Song, việc lựa chọn như thế nào thì đang phải “chờ” UBND tỉnh ban hành tiêu chí cụ thể để làm căn cứ. 
 
Sở GD&ĐT cho biết, hiện ngành đang tham mưu cho tỉnh để xây dựng các tiêu chí chung về SGK mới cho các nhà trường. Trong đó, dù chọn bộ SGK nào thì cũng phải  căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế của các nhà trường và với đối tượng giáo viên, học sinh.
.

THU THỦY

.