(Congannghean.vn)-Khoanh vùng và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa là một trong những quy định tại Luật Di sản văn hóa dành cho những di tích đã xếp hạng. Tuy nhiên, thực tế tại Nghệ An còn nhiều vướng mắc, khó khăn và nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.
Thành cổ Vinh chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa |
Thành cổ Vinh, công trình kiến trúc thành lũy, lị sở của Nghệ An thời Nguyễn được xây dựng kiên cố vào năm 1831. Thành cổ Vinh, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, là nơi Bác Hồ gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và nhân dân Nghệ An trong dịp về thăm quê năm 1957, 1961. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thành cổ bị phá hủy chỉ còn một vài đoạn thành bằng đất và 3 cổng thành. Năm 1998, Thành cổ được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, Thành cổ chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Khu di tích lịch sử cấp quốc gia này đã có một thời gian dài bị lấn chiếm bởi hàng loạt công trình xây dựng, hàng trăm mét hào trở thành kênh chứa nước thải, địa điểm xả rác của người dân 2 phường Quang Trung, Đội Cung.
Khu di tích lịch sử Kênh nhà Lê cũng từng bị xâm lấn nghiêm trọng. Trước đây, chỉ cách tượng đài tưởng niệm nhà Lê, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc khoảng 50 m, một phần kênh nhà Lê bị các đơn vị thi công cầu vượt gần đó đổ đất lấp khiến cho dòng chảy của kênh bị thu hẹp lại và bị nắn dòng. Ngay sau khi công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm việc xâm hại di tích, huyện Nghi Lộc đã báo cáo Sở Văn hóa - Thể thao đề nghị xử lý.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 1.400 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 358 di tích đã được xếp hạng. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì một di tích được xếp hạng có hai khu vực cần phải được bảo vệ. Trong đó, khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích và được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng lẫn không gian. Khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ 1 như các công trình vệ sinh, nhà gửi xe, nhà để một số hiện vật… Theo Điều 32, Luật Di sản văn hóa quy định: Khu vực bảo vệ di tích phải được bảo vệ nguyên trạng và nếu có tác động trong khu vực thì phải được sự cho phép bằng văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (đối với di tích cấp quốc gia). Việc xây dựng công trình trong các khu vực này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Quy định là vậy, nhưng thực tế, tại Nghệ An việc khoanh vùng và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa vẫn có nhiều bật cập. Với các hồ sơ mà di tích được xếp hạng trước đó, chỉ khoanh vùng trên sơ đồ mà không xác định được ranh giới, có nhiều sự sai lệch. Ngoài ra, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, di tích bị xâm lấn vẫn đang xảy ra. Có nhiều di tích như nhà thờ họ với nhà tộc trưởng cùng nằm trong một khu đất. Từ đó, việc khoanh vùng bảo vệ các di tích rất khó khăn, có nhiều di tích hiện trạng cũng đã bị thay đổi so với trước kia. Bên cạnh đó, nhiều di tích đã tổ chức khoanh vùng nhưng chủ yếu lại khoanh vùng trên giấy và không có quy hoạch thực tế sử dụng.
Ông Phạm Quang Vinh, Trưởng phòng Tu bổ tôn tạo di tích, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An cho biết: Để bảo vệ di tích cần phải có sự thống nhất giữa các ngành liên quan, làm thế nào vẫn bảo vệ được các khu di tích mà không cản trở đến việc xây dựng các công trình tại địa phương. Đối với các hộ dân nằm trong khu đất có nhà thờ xếp hạng, chúng tôi cũng yêu cầu tách ra. Nếu không tuân thủ, bắt buộc phải rút hồ sơ xếp hạng công nhận. Ngoài việc khoanh vùng bảo vệ di tích, cần phải triển khai cắm mốc khu vực 1, khu vực 2 và xây dựng hệ thống hàng rào, tường thành ngăn cách để bảo vệ di tích khỏi sự xâm lấn. Bên cạnh đó, tham mưu, yêu cầu các đơn vị quản lý công bố quy hoạch khoanh vùng tại di tích để người dân địa phương biết và tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ. Sau khi di tích được xếp hạng, phải kiện toàn ban quản lý, xây dựng quy chế hoạt động. Đối với những di tích đang trong quá trình xếp hạng lưu ý đến vấn đề cắm mốc, khoanh vùng; với các di tích vừa mới xếp hạng tiến hành cắm biển chỉ dẫn, tuyệt đối không xếp hạng đối với những di tích đang tranh chấp, di tích cùng chung địa điểm với các hộ dân để tránh tranh chấp kéo dài làm ảnh hưởng đến giá trị của các di tích.