(Congannghean.vn)-Năm nào cũng vậy, nhất là mỗi khi mùa hè về, đuối nước là vấn đề thực sự đáng báo động, nỗi lo ngại và ám ảnh của các gia đình, nhất là những gia đình có con đang ở lứa tuổi học sinh. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, số trẻ tử vong do đuối nước tại Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung trong thời gian gần đây đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, “bài toán” về việc ngăn chặn và giảm thiểu về tỉ lệ tử vong do đuối nước vẫn còn nhiều nan giải…
Cần có những giải pháp thiết thực mang tính dài hơi để tai nạn đuối nước ở trẻ em không còn là nỗi lo ngại và ám ảnh |
Các vụ trẻ đuối nước liên tục tăng
Nghệ An là địa phương có tuyến đường thủy nội địa lớn với 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài trên 1.000 km; bờ biển dài 82 km với 6 cửa lạch nối ra biển. Hệ thống sông ngòi, ao, hồ nhiều đã tạo nên nhiều lợi thế trong việc giao thương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, song, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em.
Chỉ cần gõ cụm từ “những vụ đuối nước ở Nghệ An năm 2019”, công cụ tìm kiếm Google sẽ hiển thị hàng loạt kết quả về các vụ việc đuối nước thương tâm. Trung bình mỗi năm vào dịp hè, tỉnh Nghệ An có khoảng 30 - 40 em bị tử vong do đuối nước. Riêng từ đầu năm 2019 tới nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 34 em học sinh các lứa tuổi (năm 2017 có 24 em học sinh bị đuối nước; năm 2018 có 20 em). Điều đau lòng là các vụ đuối nước xảy ra đều làm chết 2 - 5 người/1 vụ và hầu hết đều có quan hệ ruột thịt hoặc họ hàng với nhau.
Đặc biệt, ngày 30/5 vừa qua, vụ tai nạn do đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh Trường THCS Trung Thành (xã Trung Thành, huyện Yên Thành) tử vong khiến dư luận bàng hoàng. Vụ việc đau lòng trên xảy ra vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 30/5/2019, khi người dân xung quanh khu vực đập Trại Xanh (xã Bắc Thành, huyện Yên Thành) nghe tiếng la thất thanh của các em học sinh nên chạy đến tìm kiếm, ứng cứu. Khi mọi người chạy đến nơi thì thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng sông. Tuy nhiều người dân bất chấp nguy hiểm lao xuống dòng sông để ứng cứu nhưng đã không còn kịp nữa.
Theo đó, vào sáng cùng ngày, một nhóm học sinh lớp 8A Trường THCS Trung Thành tự tổ chức liên hoan tại nhà một bạn trong lớp. Sau đó, cả nhóm rủ nhau ra đập Trại Xanh để chơi. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, khi một nhóm đi chơi bên mép đập thì một bạn sảy chân xuống. Lúc đó, có khoảng 4 học sinh nhảy xuống cứu. Tuy nhiên, vì khu vực em sảy chân xuống khá sâu nên cả 5 em đều bị đuối nước.
Trước đó, ngày 20/4, một nhóm học sinh cấp 3 rủ nhau xuống sông Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) tắm. Do xuống vùng nước sâu, chảy xiết nên em Phan Văn H. (SN 2000) và Trần Văn C. (SN 2001), học sinh 2 trường THPT trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu bị đuối nước. Tiếp đó, trưa 29/4, một nhóm học sinh gồm 5 em đã rủ nhau ra sông Hiếu, đoạn qua địa bàn phường Long Sơn, TX Thái Hòa để tắm. Tuy nhiên, không may 3 em đã bị hút vào vùng nước sâu và đuối nước. Đau xót hơn khi 3 học sinh lại đều là anh em họ hàng, trong đó có 2 chị em ruột. Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ đuối nước được phát hiện và thống kê ở các địa phương trong toàn tỉnh.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, bên cạnh sự chủ quan, thiếu sự quản lý, giám sát cũng như còn quá lơ là trong việc trông nom trẻ của những người lớn thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng bơi và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ vẫn đang còn nhiều hạn chế. Việc học bơi ở trẻ em là cần thiết, song nó chưa đủ mà cần phải trang bị kỹ năng phòng tránh các nguy cơ đuối nước và những kỹ năng an toàn khi ở dưới nước như: Chỉ được bơi lội khi có vật dụng cứu hộ (phao cứu sinh, áo phao...), chỉ đi bơi khi có người lớn giám sát ở trên bờ; trước khi bơi phải quan sát xung quanh, biết đánh giá, phân biệt luồng nước có sự khác thường; cách xử lý, cấp cứu, cứu nạn khi gặp tình huống tai nạn đuối nước…
Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả các trường, từ tiểu học đến THPT với sự tham gia của 1.058 người. Sở cũng chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh dành 3 - 5 phút các tiết chào cờ, ngoại khóa hàng tuần để quán xuyến, nhắc nhở khuyến cáo các em học sinh trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước và tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.
Ngay từ tháng 3/2019, Tỉnh đoàn cũng đã có kế hoạch cụ thể gửi tới các Huyện đoàn, Hội đồng Đội các địa phương và tổ chức Đoàn, Đội các trường học trong toàn tỉnh. Bên cạnh các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, xóm, trường học thì Tỉnh đoàn còn phát hơn 30.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống đuối nước đến tận các địa phương. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng chỉ đạo các tổ chức Đoàn cơ sở cắm biển cảnh báo khu vực sông, suối, ao hồ nguy hiểm…
Đặc biệt, trong thời gian học sinh nghỉ hè, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí, hướng dẫn thanh thiếu nhi tham gia các lớp học bơi, học kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh. Từ đó, góp phần nâng cao sức khỏe, thể chất cho các em và tránh xa tệ nạn xã hội và các nguy cơ gây thương tích.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa tai nạn đuối nước đối với trẻ em thì không chỉ sự vào cuộc quyết liệt từ phía ngành Giáo dục, Tỉnh đoàn mà đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là phía gia đình. Bởi, gia đình là nhân tố đóng vai trò quyết định, giám sát và quản lý sâu sát nhất, góp phần đảm bảo sự an toàn cho trẻ, phòng, tránh tại nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Phát biểu tại “Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019” ngày 19/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước. Cùng với đó, các cấp, ngành cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp như giữ rừng, cấm hút cát ven sông…
|