Nếu như các trường đại học thuộc khối ngành kinh tế, kỹ thuật, y dược tiếp tục dẫn đầu về số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao thì các trường đại học vùng, khối nông-lâm-sư phạm lại có lượng đăng ký nguyện vọng sụt giảm nhiều so với năm 2018.
Mặc dù năm nay chỉ tiêu tuyển sinh tăng khoảng 10.000 so với năm 2018 nhưng số lượng thí sinh đăng ký vào khối trường sư phạm lại giảm gần 10.000. Điều này cho thấy, thí sinh đang ngày càng trở nên ít mặn mà hơn đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn từ 2016-2020, cả nước cần đào tạo thêm 190.000 giáo viên, tương đương mỗi năm khoảng 47.500 người. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay không năm nào tuyển được 47.500 sinh viên. Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên của các tỉnh, thành trong cả nước. Tổng hợp kết quả cho thấy, năm 2018, các tỉnh cần đào tạo 59.527 giáo viên.
Bộ GD&ĐT đã giao cho các trường sư phạm 35.590 chỉ tiêu, bằng 60% nhu cầu; 40% còn lại để các tỉnh thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm nhưng thực tế chỉ tuyển được hơn 26.000, chỉ đạt 44% nhu cầu đào tạo của năm do chính sách chất lượng, nâng cao điểm sàn sư phạm tối thiểu phải 17 điểm đối với trình độ đại học.
Thông tin thêm về tuyển sinh vào các trường sư phạm năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2019, chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm là 46.285, tăng 30,05% so với 2018. Chỉ tiêu tăng lên hơn 10.000 nhưng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành này lại giảm gần 10.000.
Theo đó, chỉ có 115.311 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành sư phạm. Riêng số nguyện vọng 1 đăng ký vào nhóm ngành này là 39.789, thấp hơn cả chỉ tiêu cần tuyển. Trước lo ngại của dư luận về việc chỉ tiêu tăng, số lượng đăng ký giảm liệu có ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào, có hay không hiện tượng “vơ bèo, vợt tép” để lấp đầy chỉ tiêu?
Ảnh minh họa: Năm 2019, dự báo nhiều trường sư phạm sẽ đứng trước nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu. |
Về vấn đề này, bà Phụng cho rằng: Nếu so với năm 2018 thì chỉ tiêu khối ngành sư phạm năm 2019 có tăng thêm hơn 10.000, nhưng không vì chỉ tiêu tăng lên mà quá lo lắng việc điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp cũng như chất lượng đào tạo giáo viên. “Thực tế cho thấy, năm 2018, ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) cho khối ngành đào tạo sư phạm được xác định lần lượt là 17 điểm đối với trình độ đại học, 15 điểm đối với trình độ cao đẳng và 13 điểm đối với trình độ trung cấp hoặc yêu cầu học bạ loại giỏi đối với đại học, loại khá đối với cao đẳng và trung cấp nếu áp dụng phương án xét tuyển học bạ.
Trong thực tế, năm học 2018, các ngành đào tạo giáo viên chỉ tuyển được 44% so với nhu cầu đào tạo nhưng Bộ quyết tâm không hạ điểm sàn để đánh đổi lấy số lượng. Năm nay, chính sách này tiếp tục sẽ được Bộ thực hiện để nâng cao chất lượng giáo viên”-bà Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, việc tăng chỉ tiêu sẽ đi kèm với nhiều giải pháp để kiểm soát số lượng và chất lượng trong việc tuyển sinh ngành sư phạm. Trong đó, sẽ tăng cường kiểm soát bằng chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng Bộ chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm bằng 73% nhu cầu đào tạo của các trường. Điều này nhằm khuyến khích các tỉnh cần tiếp tục thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm còn thừa, thiếu cục bộ.
Cùng với đó là việc kiểm soát chất lượng đầu vào bằng quy định điểm sàn xét học bạ và điểm sàn để xét tuyển từ điểm thi; yêu cầu các trường nhập toàn bộ dữ liệu trúng tuyển, nhập học lên hệ thống chung để kiểm soát việc thực hiện chỉ tiêu và điểm sàn, minh bạch thông tin để xã hội giám sát.
Riêng đối với các ngành đào tạo phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới gồm Sư phạm Lịch sử, Địa lý; Sư phạm Khoa học tự nhiên, năm 2019, các trường đào tạo sư phạm ở các trình độ đại học, cao đẳng đã đăng ký mở ngành, đăng ký chỉ tiêu để tổ chức đào tạo các ngành học trên cơ sở các trường đã đào tạo các ngành học đơn như Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hóa học.
Song song với việc tổ chức đào tạo các ngành mới, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường tổ chức bồi dưỡng đào tạo văn bằng 2 đối với sinh viên đã học một trong các ngành học trên để giải quyết bài toán giáo viên chưa có việc làm.
Thiếu giáo viên Tin học và tiếng Anh khi triển khai chương trình mới
TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học -Bộ GD&ĐT cho biết: Thông tư 32 về Ban hành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, môn Tin học và Tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh bậc tiểu học, vì vậy đây là căn cứ pháp lý để các địa phương tiến hành tuyển dụng bổ sung thêm giáo viên theo vị trí việc làm đảm bảo đủ định mức số tiết quy định để thực hiện chương trình mới.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đề nghị lộ trình từ năm học 2020 -2021, năm đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới đối với học sinh lớp 1, các địa phương có tỷ lệ giáo viên thấp cần tiến hành lên phương án tuyển dụng giáo viên để đảm bảo thực hiện dạy 2 buổi/ngày là Sơn La, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên… đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tin học và Tiếng Anh.
.