(Congannghean.vn)-Để có được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, bất kỳ tờ báo nào cũng cần một quá trình và đằng sau đó là sự cống hiến, chung sức đồng lòng của cả tập thể. Báo Công an Nghệ An cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trong khuôn khổ bài viết kỷ niệm sinh nhật Báo tròn 35 tuổi, tôi xin được nói về Ban Thư ký - nơi được gọi là “bếp núc” của tòa soạn. Mặc dù chưa một lần được xướng tên trên mặt báo nhưng đối với chúng tôi - những phóng viên lăn lộn với nghề - họ là một bộ phận gắn kết, không thể tách rời…
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong Ban Thư ký góp phần cho ra đời những số báo sáng tạo, chất lượng |
1. Tôi vẫn còn nhớ thời điểm đầu năm 2012, khi mới nhận công tác tại Báo Công an Nghệ An và ngay cả bây giờ, thỉnh thoảng, trong những câu chuyện nghề, tôi vẫn được nghe các bậc “tiền bối” kể về quá trình làm báo ngày xưa. Lúc ấy, Tòa soạn chỉ là dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, tồi tàn nằm trên đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu chứ không khang trang, hiện đại như bây giờ. Bởi thế mà việc xuất bản một số báo cũng hoàn toàn thủ công và bằng sự tỉ mẩn, chỉn chu của những con người hết sức tâm huyết. Trong câu chuyện với tôi, Trung tá Phạm Thị Hoài Mơ, Phó Trưởng ban Thư ký không giấu nổi sự xúc động xen lẫn tự hào khi kể về khoảng thời gian làm báo vất vả, thiếu thốn đủ bề nhưng cũng không thiếu những kỷ niệm “cười ra nước mắt”. Và, với chị, đó là một phần của tuổi trẻ khi được khoác lên mình sắc phục Công an nhân dân với niềm tin, trách nhiệm của 1 người làm báo…
Ngày đó, căn phòng làm việc đơn sơ của đồng chí Thư ký tòa soạn Thành Trung, rồi Ngọc Tuần luôn rộn rã tiếng nói cười của đội ngũ phóng viên, cộng tác viên đến từ khắp nơi trên toàn tỉnh. Không phân biệt tuổi tác, công việc hay địa vị, họ gặp gỡ, trao đổi để tìm tiếng nói chung, sự đồng cảm với nghề. Nhiều tập bản thảo dày hàng trăm trang với những bài phóng sự điều tra hay đơn thuần là những bài phản ánh, gương người tốt việc tốt đều được tác giả tỉ mẩn viết bằng tay. Sau khi Thư ký tòa soạn duyệt bài, họa sỹ Hồ Sắc sẽ thiết kế trang báo bằng cách dùng bút màu với đầy đủ sắc xanh, đỏ, tím, vàng để vẽ tít, sapô, ảnh... Bộ phận mo-rát, kỹ thuật tiếp nhận công việc với nhiệm vụ đánh máy toàn bộ bài viết của phóng viên, cộng tác viên rồi tiến hành biên tập, chỉnh sửa, ghép bài, ảnh theo yêu cầu của họa sỹ. Tất cả công đoạn nói trên đều thực hiện hoàn toàn bằng thủ công tại Tòa soạn, sau đó mới chuyển lên Nhà in báo để in.
“Thời kỳ đầu, Báo Công an Nghệ An chỉ xuất bản 1 tuần 1 số báo, dày 8 trang nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng vất vả với đội ngũ làm báo, bởi áp lực công việc nặng nề trong khi nhân sự ít, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề. Điều này cũng giải thích vì sao với những số báo xuất bản thời kỳ đầu, vấn đề sai sót, nhầm lẫn thông tin gần như là thường trực. Cũng bởi thế mà một số độc giả thân quen thường tếu táo “Báo Công an Nghệ An là báo lịch sự nhất vì hay xin lỗi, đính chính”!. Còn với chúng tôi, tầm nửa đêm, khi đang say giấc mà nghe chuông điện thoại của Thư ký tòa soạn là biết chắc chắn số báo ngày hôm đó đã có vấn đề... Mặc dù quá trình làm báo còn nhiều hạn chế, sai sót là vậy, tuy nhiên, Báo Công an Nghệ An vẫn được độc giả đón nhận hết sức nhiệt tình bởi nội dung phong phú, chất lượng và có lẽ một phần cũng bởi những con người tận tình, tâm huyết…”, Trung tá Mơ chia sẻ.
Năm 2008, Ban Thư ký được tăng cường thêm 2 kỹ thuật nên công việc của bộ phận họa sỹ, mo-rát đã giảm bớt sự vất vả, nặng nề. Nhân sự ổn định, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Thanh, Tổng biên tập cùng Tòa soạn mới có cơ hội hiện thực hóa dự định mà mình trăn trở, ấp ủ lâu nay. Đó là thực hiện quy trình làm báo tại tòa soạn. Và trên thực tế, đây thực sự là một bước chuyển biến mạnh mẽ của Tòa soạn. Năm 2012, Báo tuyển thêm một đồng chí chuyên về mảng thiết kế, trình bày. Từ đó, Ban Thư ký bố trí thành 3 bộ phận: Mo-rát, kỹ thuật và họa sỹ. Mặc dù mỗi bộ phận có một nhiệm vụ khác nhau nhưng lại là một thể thống nhất, cùng hỗ trợ, bổ sung công việc để cho ra đời những số báo hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức.
2. Thời điểm giữa năm 2014, tôi được Ban biên tập điều động về Ban Thư ký để hỗ trợ công việc đọc mo-rát, biên tập tin, bài. Thật ra, với 1 phóng viên mới chỉ có 2 năm “kinh nghiệm”, tôi luôn thường trực nỗi lo lắng sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, được sự động viên, chỉ bảo tận tình của các anh chị trong Ban, tôi tự nhủ phải cố gắng và xem đây như là lần thử thách bản thân để sau này vững vàng hơn với nghề.
Cho đến bây giờ, đã gần 5 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng, sợ hãi mỗi lần cầm trên tay số báo mới xuất bản. Tôi đã từng cười rạng rỡ cả ngày chỉ vì hôm đó báo không bị sai sót gì, và tôi cũng đã từng khóc như một đứa trẻ khi mình để xảy ra những lỗi cơ bản mà không thể giải thích nổi vì sao... Làm việc tại Ban Thư ký, tôi được tiếp xúc, cảm nhận và hiểu rõ hơn công việc vất vả mà trước đây mới chỉ được nghe qua lời kể.
Đó là sự trăn trở của các đồng chí Thư ký tòa soạn như Việt Dũng, Ngọc Hùng trong việc sử dụng những bài viết có nội dung phòng, chống tội phạm, chống tiêu cực; là những lần miệt mài hướng dẫn phóng viên triển khai các đề tài mang tính thời sự và quyết liệt cùng Ban biên tập bảo vệ công lý, lẽ phải... Đó là bộ phận họa sỹ, ngày qua ngày luôn tìm tòi, học hỏi cách thiết kế từ các báo bạn để áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của báo mình. Đó là bộ phận kỹ thuật luôn chủ động, sáng tạo, biến tấu cách trình bày các trang báo một cách đẹp mắt. Đó là bộ phận mo-rát, như những chú ong cần mẫn, chăm chỉ sửa lỗi, biên tập từng câu chữ trong các bài viết. Bên cạnh đó, các bộ phận còn tham mưu cho Ban biên tập cách trình bày mới mẻ, phù hợp với xu thế làm báo hiện đại, từ đó cho ra đời những số báo phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức, thu hút được bạn đọc gần xa.
Mặc dù thời kỳ sau này, khi đơn vị đã xây dựng trụ sở mới khang trang, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, quy trình làm báo không còn gặp nhiều hạn chế, sai sót như ngày xưa, tuy nhiên, công việc của Ban Thư ký vẫn không kém phần vất vả, nặng nề. Điển hình là những đợt làm báo Tết dương lịch và âm lịch kéo dài hàng tháng trời. Khoảng thời gian đó, mọi người phải “gồng mình”, “căng não” với hơn 100 trang báo. Có những ngày, Ban Thư ký gần như “cắm chốt” ở tòa soạn, đến mức chị em vẫn thường đùa với nhau rằng, gặp đồng nghiệp còn nhiều hơn cả gặp chồng con. Những lúc làm báo Tết, họ phải gác chuyện gia đình sang một bên, nhờ bên nội ngoại hỗ trợ, giúp đỡ con cái để tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ vào công việc. Đến lúc số báo Xuân xuất bản, nhận được sự hài lòng, ngợi khen của Lãnh đạo Công an tỉnh và Ban biên tập, đặc biệt là sự đón nhận nhiệt tình của độc giả, lúc đó, họ mới thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình…
3. Khi đang ngồi viết bài báo này, tôi đã quay trở lại vị trí của một phóng viên. Tuy nhiên, cảm xúc về khoảng thời gian làm việc tại Ban Thư ký - với tôi - vẫn như ngày hôm qua. Và tôi muốn nói lời cảm ơn đến Ban biên tập vì đã cho tôi cơ hội được trải nghiệm ở một lĩnh vực mới, để tôi hiểu hơn công việc “bếp núc” vất vả của một bộ phận hết sức quan trọng trong tòa soạn; để tôi hiểu rằng, mỗi một bài báo hoàn thiện của chúng tôi khi ra đời, đằng sau đó là cả sự trăn trở, tìm tòi, là niềm hăng say lao động của các anh, các chị. Và, trên hết, những tháng ngày quý báu đó đã giúp tôi trưởng thành, tự tin hơn để bây giờ tiếp tục cầm bút cống hiến với nghề…