Văn hóa - Giáo dục

'Thần tượng' lệch lạc - Hồi chuông báo động trong giới trẻ

09:54, 15/04/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong cuộc đời ai cũng có một thần tượng để ước mơ và vươn tới. Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, thế nhưng, hiện nay, việc thần tượng một ai đó thái quá, lệch lạc ở một bộ phận giới trẻ đang trở thành thực trạng đáng báo động về tầm văn hóa ứng xử.

“Giang hồ mạng” Khá “Bảnh” được một bộ phận giới trẻ, thậm chí cả người lớn xem như thần tượng. Ảnh: Nguồn internet
“Giang hồ mạng” Khá “Bảnh” được một bộ phận giới trẻ, thậm chí cả người lớn xem như thần tượng. Ảnh: Nguồn internet

Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền… là những cái tên không còn xa lạ trên các trang mạng xã hội trong thời gian qua. Khá “Bảnh” tên đầy đủ là Ngô Bá Khá (SN 1993) trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Khá trở thành một hiện tượng xã hội khi tự quay các video clip đăng trên youtube, facebook thu hút hàng triệu lượt người theo dõi, đăng ký. Qua các video, mọi người biết đến Khá như một “đại ca” trẻ có nhiều tiền bạc và các mối quan hệ trong giang hồ. Việc nổi tiếng trên mạng xã hội đã giúp Khá “Bảnh” có thể kiếm mỗi tháng hàng trăm triệu đồng thông qua các hoạt động quảng cáo cho các nhãn hàng hoặc từ youtube.

Văng tục, chửi bới, hành xử theo kiểu giang hồ như dàn xe chụp ảnh giữa cao tốc, đập và đốt xe máy quay video để làm chiêu trò quảng cáo, thế nhưng, Khá “Bảnh” lại thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Không dừng lại ở việc xem và bình luận các video, nhiều bạn trẻ còn coi các “giang hồ” trên mạng như một thần tượng, tung hô ca ngợi. Điển hình, Khá “Bảnh” đến Yên Bái, nhiều học sinh, thậm chí cả người lớn chạy đến tung hô, xin chữ ký, chụp ảnh như ngôi sao. Nhiều em học sinh còn dành những lời ngưỡng mộ cho thần tượng của mình. Vụ việc trên đã khiến không ít các bậc phụ huynh lo ngại. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao người có nhiều tai tiếng như Khá lại được giới trẻ hâm mộ?

Chỉ đến khi Công an vào cuộc điều tra qua nhiều vụ việc từ Khá “Bảnh”, nhiều bạn trẻ mới giật mình, hóa ra lâu nay chúng ta đã “thần tượng” nhầm người. Khá “Bảnh” có một nhân thân không mấy tốt đẹp. Năm lớp 7, Khá đã bị đuổi học, bắt đầu cuộc sống lang thang. Chưa đủ 18 tuổi, Khá đã phạm tội cố ý gây thương tích. Vào trường giáo dưỡng cải tạo được 2 năm, ra trại, Khá lại “ngựa quen đường cũ” chuyên gây rối và đánh người.

Lần gần đây nhất, Khá “Bảnh” ra tù vào tháng 9/2017. Với hành vi điều khiển 2 xe ôtô đỗ tại làn khẩn cấp, dàn hàng ngang chụp ảnh giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt 5,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với Ngô Bá Khá vì lỗi vi phạm đỗ xe ôtô trên cao tốc. Tiếp đó, ngày 29/3, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an TX Từ Sơn vào cuộc xác minh clip Khá đập nát xe máy 70 triệu đồng châm lửa đốt để đổi lấy xe điện.

Ngày 1/4, cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ, khám nhà đối với Ngô Bá Khá để làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc và nhiều hành vi khác. Đồng thời, qua kiểm tra nhanh, cơ quan chức năng xác định Khá dương tính với ma túy. Cách đây không lâu, kênh youtube Khá “Bảnh” đã chính thức bị xóa.

Trong cuộc đời của mỗi con người ai cũng có một thần tượng cho riêng mình. Thần tượng một ai đó để chúng ta biết ước mơ, vươn tới những điều cao đẹp, đó cũng là một nét đẹp văn hóa. Thế nhưng, hiện nay, việc thần tượng ngưỡng mộ thái quá, thậm chí mê muội, mù quáng, lệch lạc trong nhận thức, thái quá trong tình cảm, lẫn lộn về giá trị đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội. Theo các nhà giáo, nhà tâm lý cho rằng, hiện nay việc giới trẻ thần tượng các “giang hồ mạng” như Khá “Bảnh” thật sự là một hiện tượng đáng báo động về tầm văn hóa và ứng xử của giới trẻ. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay. “Dường như trẻ không biết hoặc không muốn chấp nhận những chuẩn mực đạo đức, bị hấp dẫn với những hành động vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc”, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia Tâm lý giáo dục cho biết.

Tuy nhiên, một thực tế, chúng ta không thể ngăn cản giới trẻ việc các bạn thích hay không khi xem những video văng tục, chửi bới, diễn cách hành xử kiểu giang hồ. Bản thân các bạn phải có nhận thức rõ về việc mình thần tượng ai? Thần tượng vì điều gì? Thay vì chúng ta ủng hộ, thì hãy lên án, ngăn chặn kịp thời các hành động lệch chuẩn đạo đức. Đồng thời, gia đình, nhà trường, xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng về thần tượng cho giới trẻ, tạo các sân chơi lành mạnh, các hoạt động cộng đồng có ích thu hút giới trẻ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt chẽ các video clip có nội dung phản cảm, tiêu cực xuất hiện trên mạng để từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời tránh việc lan truyền rộng rãi.

Phan Tuyết

Các tin khác