Văn hóa - Giáo dục
Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số
08:11, 02/04/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cùng với tiếng nói, trang phục là một trong những thành tố tạo nên nét riêng của một tộc người. Trang phục truyền thống thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, không chỉ mang dấu ấn lịch sử, văn hóa mà còn thể hiện những giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng riêng. Thế nhưng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng đang dần biến dạng, mất gốc, thậm chí được thay đổi bằng các trang phục mới.
Thực tế hiện nay, cách ăn mặc của đồng bào các dân tộc đã có sự thay đổi. Theo báo cáo khảo sát của các tỉnh cho thấy, tỉ lệ sử dụng trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số hiện nay rất thấp. Cụ thể, tại tỉnh Thái Nguyên, người Tày, Mông, Sán Chay, Sán Dìu 10%, người Nùng 5%; tại tỉnh Nghệ An, người Thái 30%, người Thổ và Khơ Mú là 15%, người Mông 10% và người Ơ Đu đã mất trang phục truyền thống.
Anh Vừ Bá Mùa, một người con của đồng bào dân tộc H’Mông, hiện đang công tác tại Phòng nghiên cứu, sưu tầm, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An cho biết, cũng giống như người dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú, hiện nay do sự trao đổi, mở rộng giao lưu văn hóa với các dân tộc khác nên trang phục của người H’Mông có nhiều thay đổi, trong đó có trang phục truyền thống. Theo anh Mùa, trang phục truyền thống của người đàn ông H’Mông có chiếc quần (Lu trì) được may bằng vải lanh do đồng bào tự trồng lấy nguyên liệu và dệt, may nhuộm màu chàm hoặc màu đen, cùng với dây thắt lưng và chiếc áo (Lu sò) được may bằng vải lanh… Nếu như trang phục của đàn ông đơn giản thì ngược lại trang phục của phụ nữ H’Mông lại rất cầu kỳ, sặc sỡ. Bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ H’Mông thể hiện sự khéo léo về đường nếp thêu thùa, sự độc đáo trong trang trí hoa văn gồm có: Khăn, áo, váy, yếm…
Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái |
Một thực trạng hiện nay là trong đời sống sinh hoạt, đa số đồng bào các dân tộc thiểu số không còn mặc trang phục truyền thống mà chủ yếu chỉ mặc vào các ngày lễ hội, ngày Tết; nhất là với đàn ông ít sử dụng, có chăng chỉ còn thấy rõ nhất trong trang phục của phụ nữ. Hiện nay, thế hệ trẻ mặc các bộ trang phục được gọi là lai tạp, không phân biệt được đâu là truyền thống. Một điều đáng lo ngại là các nghệ nhân nhiều tuổi biết dệt và may các bộ trang phục truyền thống ít dần. Bên cạnh đó, nguyên liệu để thêu, dệt cũng ngày càng khan hiếm.
Không chỉ vậy, việc sử dụng nguyên liệu nhuộm màu truyền thống cũng có nhiều thay đổi. Đa số sử dụng các loại phẩm màu công nghiêp để tạo màu cho sản phẩm. Chính việc tạo ra trang phục truyền thống đã có nhiều biến đổi làm cho y phục không còn nguyên gốc, đặc biệt là các họa tiết, hoa văn trang trí không còn được độ tinh xảo. Cũng theo anh Vừ Bá Mùa, để xảy ra thực trạng trên, xuất phát từ nhận thức còn hạn chế của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn các bộ trang phục truyền thống, bởi sự tác động của giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế nên các bộ trang phục mới hiện nay dần thay thế các bộ trang phục truyền thống.
Để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, thời gian qua, các cấp, ban, ngành liên quan của tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, Sở VH&TT ban hành đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”, trong đó đề cập đến việc bảo tồn trang phục truyền thống; hỗ trợ kinh phí để phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống; tổ chức hội thi trình diễn trang phục truyền thống…
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông qua đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Ðây là bước đi nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, đề án sẽ được triển khai thực hiện trong 12 năm với kinh phí hơn 230 tỉ đồng. Số tiền này nhằm đầu tư cho việc nghiên cứu phục dựng, bảo tồn trang phục của 53 dân tộc, qua đó tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa qua trang phục truyền thống. Vấn đề đặt ra là việc bảo tồn, giữ gìn sao cho hiệu quả, vừa phải phù hợp điều kiện phát triển hiện nay, vừa phải giữ được những nét đặc trưng cơ bản và tính nguyên gốc.
Phan Tuyết