Văn hóa - Giáo dục

Đào tạo nhân lực ICT: Gắn đại học với doanh nghiệp

10:33, 31/03/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT mong các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở đào tạo gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin -truyền thông (ICT).
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng tham quan Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT (ICT) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học-doanh nghiệp”. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng tham quan Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT (ICT) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học-doanh nghiệp”. Ảnh: VGP/Nhật Nam
 
Sáng 30/3, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức Toạ đàm “Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học-doanh nghiệp”.
 
Dự Tọa đàm có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng cùng hàng trăm đại biểu đến từ các bộ, ngành và các trường đại học có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT.
 
Thiếu 400.000 lao động CNTT
 
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện tỉ lệ các trường ĐH, CĐ đào tạo CNTT ở nước ta chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động CNTT. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực CNTT. Dự báo của trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.
 
Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực ICT lớn như vậy nhưng sinh viên CNTT của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, Blockchain…; tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ; Các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu; Kỹ năng cho khởi nghiệp (Start-up) còn mới với sinh viên. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng.
 
PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, các trường cần đổi mới các nội dung dạy và học. Dạy và học đều phải dựa trên năng lực, phát triển các kỹ năng cho thế kỷ 21. Bên cạnh đó, cần phát triển các nội dung chương trình mới như IT security, Media Technologist, Data analyst, Mechatronics,... Phương pháp dạy-học cũng phải chú trọng tới thực hành là chính và tiếp cận với những đòi hỏi mới của thị trường.
 
Từ thực tế đào tạo, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, để đào tạo được nguồn nhân lực ICT đáp ứng yêu cầu, cần rất nhiều yếu tố như sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, làm chủ công nghệ “lõi”: IoT, Big Data, AI, Blockchain… Sinh viên cũng cần được trang bị kỹ năng nghiên cứu độc lập, tự học tốt đảm bảo nền tảng cho cập nhật công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm và tiếng Anh tốt, kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…. Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 phía: Trường đại học-Doanh nghiệp và Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Hợp tác phải trở thành nhu cầu tự thân
 
Từ thực tế phối hợp với các trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực ICT, đại diện Lãnh đạo Samsung Việt Nam Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, các trường cần liên tục cập nhật công nghệ mới, đồng thời phải đầu tư cơ sở hạ tầng để sinh viên có thể tăng thời gian thực tập, trải nghiệm công nghệ mới.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, vấn đề kết nối giữa  doanh nghiệp và nhà trường không mới, nhưng muốn hiệu quả phải trở thành nhu cầu tự thân.
 
“Các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhìn trường như các  bạn hàng, hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích, không hợp tác với nhau thì không thể tồn tại được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về trách nhiệm của mỗi bên.
 
Chương trình đào tạo của các trường phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi của khoa học công nghệ, tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có.
 
“Hãy giảm bớt thời gian học lý thuyết mà dành cho sinh viên nhiều hơn thời gian để thực tập, được “nhúng mình” vào hoạt động của các doanh nghiệp. Công nghệ thông tin rất đặc thù nhưng đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành robot. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy quản trị đại học-quản trị theo mục tiêu”, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra nhiều rào cản mà việc đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao cần phải thay đổi. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra nhiều rào cản mà việc đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao cần phải thay đổi. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Đã đến lúc “hai là một”
 
Phát biểu tại Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra nhiều rào cản mà việc đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao cần phải thay đổi.
 
“Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã nắm theo doanh nghiệp quyết định sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia với nhà trường để thiết kế sản phẩm hay chưa hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau, vẫn đổ lỗi cho nhau?”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi và cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp và các trường đại học đào tạo CNTT cần phối hợp chặt chẽ với nhau vì “Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì d oanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn lực tài nguyên này”.
 
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, ICT là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0, của chuyển đổi số, của kinh tế số và xã hội số. Trong cuộc cạnh tranh về nhân lực, nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh nhu cầu của thay đổi công nghệ, làm chủ công nghệ dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình thì nước đó sẽ chiến thắng. Trong cuộc cạnh tranh này nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng nhu cầu của đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác