Văn hóa - Giáo dục

Trịnh Công Sơn - một tấm lòng để gió cuốn đi

16:12, 01/04/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Trong ký ức gia đình bạn bè, cố nhạc sĩ hiền lành, khiêm nhường từ đời thường đến âm nhạc, khiến ai từng tiếp xúc đều yêu quý.

18 năm trước, khi tiễn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cát bụi, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đọc điếu văn: "Dù có bay vào cõi vĩnh hằng, anh vẫn để lại bóng dáng như một ngọn núi lớn. Ở đó có mây trời, có gió, có suối reo, có chim hót và ngọn núi ấy không bao giờ mất". Đến nay, sau gần hai thập kỷ, các tác phẩm của ông vẫn còn mãi với thời gian. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Trịnh Công Sơn sống nhẹ nhàng và cách sáng tác của ông cũng thế. Bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ - kể ngày trước, có lần bà theo anh ra Nha Trang. Khi ngồi bên bờ biển cuộn sóng, bất chợt cảm hứng đến, không sẵn giấy bút, ông lấy mẩu gói thuốc lá nguệch ngoạc khuông nhạc. Mấy tháng sáu, nhạc phẩm Biển nghìn thu ở lại ra đời.

Nhạc sĩ Văn Cao đã nhận xét trong Trịnh Công Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự trào ra. Còn nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng ví: "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Bà Trịnh Vĩnh Trinh kể mãi nhớ dáng ông ngồi hiền lành trong phòng riêng nhìn ra cửa sổ khi sáng tác. Có khi ông cầm giấy bút phác ra ca từ, cũng có lúc gảy guitar vài giai điệu. Những lúc như thế, Trịnh Công Sơn ở trong một cõi riêng ông - nơi không còn những giới hạn về không gian, thời gian, chỉ có những rung cảm về thân phận, tình yêu con người, vạn vật. 

"Ca từ của Trịnh Công Sơn sâu sắc, siêu hình nhưng vẫn gần gũi với mọi người, phảng phất triết lý nhân văn của đạo Phật, có tính hướng thiện cao. Điều này xuất phát từ tính cách, lối sống nhân hậu của anh", Nguyễn Duy nhận xét.

Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng đúc kết: "Cho đến trước năm 1975, Trịnh Công Sơn đã xây dựng một thế giới với bốn yếu tố nguyên thủy của nhà Phật là Sinh, Lão, Bệnh, Tử đều có tính hư vô. Nhưng Trịnh Công Sơn đã tìm cách hóa giải chúng, bằng việc sử dụng một báu vật của tâm hồn, nửa ảo nửa thật rất lạ: 'Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?"' (trích bài Để gió cuốn đi).

Sinh ra ở Huế trong gia đình nề nếp, bản tính từ tốn, hiền lành trở thành cốt cách Trịnh Công Sơn.

Gia đình có truyền thống theo đạo Phật nên từ nhỏ, Trịnh Công Sơn thường đến chùa nghe giảng kinh. Ông chịu ảnh hưởng từ nếp sống chỉn chu của đấng sinh thành. Cha ông nghiêm khắc nhưng nhân hậu. Sinh thời, nhạc sĩ học theo cha, đi đâu trong túi quần cũng để một bên tiền cũ, một bên tiền mới. Tiền cũ để tiêu xài còn tiền mới ông dành cho người ăn xin hay các anh đạp xích lô. Ở nhà, ông học mẹ cách ăn vận luôn tề chỉnh. Buổi sáng, Trịnh Công Sơn thường tắm sớm, mặc áo sơ mi bỏ trong quần tây, đi giày. Nhiều bạn bè đến nhà tưởng ông sắp ra ngoài, hỏi: "Toa đi đâu?", ông hiền lành đáp: "Moa ở nhà thôi".

Bà Trịnh Vĩnh Trinh bên anh trai. 

Bà Trịnh Vĩnh Trinh bên anh trai. 

Năm Trịnh Công Sơn 16 tuổi thì cha mất. Ông giúp mẹ nuôi dạy, uốn nắn từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ của các em gái. "Các em rất sợ anh. Khi giận, anh không la lối mà viết thư tay, đặt dưới gối để nhắc nhở các em. Mỗi lần vào phòng ngủ, nếu thấy thư tay của anh Sơn là chúng tôi biết đã gây ra lỗi nghiêm trọng", bà Trịnh Vĩnh Trinh hồi tưởng.

Không chỉ gia đình, bạn bè cũng nể phục cốt cách hào phóng, nhân hậu của ông.

"Lòng nhân ái nhu mì và sự bao dung không mặc cả là cốt cách nghệ sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn, như là một giải pháp cứu vãn, để đối diện với chiến tranh, thù hận và nỗi gay gắt của thân phận con người", Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết về người bạn thân thiết. 

Nhà thơ Nguyễn Duy kể lúc nào nhạc sĩ cũng hết lòng vì bạn bè. Ông còn nhớ ngày 25/4/1946, ông đến Huế tụ tập với nhiều người bạn, trong đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Nhuận Vĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Nhóm văn nhân rủ nhau kéo đến nhà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm uống rượu rồi về nhà nhạc sĩ ở phố Nguyễn Trường Tộ. Vì giấy tờ tùy thân lưu lại ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà thơ bị lực lượng an ninh kiểm tra hộ khẩu đưa lên đồn công an. 

"Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lẽo đẽo với tôi lên đồn công an, cùng tôi chịu lạnh suốt một đêm dài. Hai chúng tôi ngồi co ro, không tâm sự, chỉ lặng lẽ nhìn nhau. 5h sáng hôm sau, họ cho anh Trịnh Công Sơn đi lấy giấy tờ hộ tôi. Sau khi được các chiến sĩ công an cho về, anh lại đèo tôi bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Trên đường đi, tôi với anh cười khùng khục khi đọc được câu khẩu hiệu: 'Dù cho bão táp mưa sa, khách lạ đến nhà phải báo công an"', nhà thơ Nguyễn Duy kể kỷ niệm. 

Sinh thời, căn nhà 47C Phạm Ngọc Thạch của Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn là chốn dừng chân của nhiều danh nhân, thi sĩ hai miền Nam, Bắc. Trong cuốn hồi ký Ngẫu hứng Trần Tiến, nhạc sĩ Tạm biệt chim én kể thời mới nhập cư Sài Gòn, ông từng ngủ nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vì đàn anh tiếp đãi chu đáo, ông ngại nên bỏ ra công viên Văn Lang ngủ bụi. Khi tìm thấy Trần Tiến, ông không trách cứ nhiều, chỉ nói: "Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời thì làm sao biết trả ơn người".

Cô Bống Hồng Nhung trân trọng gọi nhà ông là "đại học thứ hai của cuộc đời". "Ngày đó, bố tôi thường đi công tác ở Buôn Ma Thuột. Tôi hay qua nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ăn trưa rồi đi học. Ông đông bạn bè, được nhiều người quý mến. Họ thường tụ tập hàn huyên, tôi kiêm luôn chân rửa bát", Hồng Nhung nhớ lại. Mỗi buổi chiều, nhạc sĩ thường dạy cô tiếng Pháp. Ông phát âm hay, giọng nhẹ. Tiếng Pháp khó nên buổi chiều hôm sau, Hồng Nhung gần như quên hết. Ông kiên nhẫn dạy lại cô từ đầu. Đến nay, chỉ riêng ca khúc La Vi En Rose là cô thuộc làu làu. Hồng Nhung nhớ ông khiêm tốn, nhẫn nại, ảnh hưởng nhiều đến cách sống của cô sau này. 

Hồng Nhung hát
Hồng Nhung hát "Một cõi đi về" năm 2016

Ánh Tuyết nhớ hồi ở Sài Gòn, một tuần cô đến quán của ông hát mấy lần. Nhiều hôm, cô gặp ông ngồi một mình, gương mặt phảng phất buồn. Mỗi lần gặp Ánh Tuyết, ông thường bảo: "Tuyết kể chuyện tiếu lâm cho anh nghe đi". "Tôi kể một hồi, ông cười sảng khoái, ra tiếng. Nhiều khi hết chuyện, tôi lôi anh Sơn ra chất vấn: 'Sao anh để người này người kia lợi dụng anh vậy?', 'Sao anh hay chịu thiệt thòi?', 'Anh không giận họ à?'. Anh chỉ cười đáp: 'Mặc kệ, không có răng cả'. Anh Sơn là vậy, chẳng trách móc, thù hằn, ghét bỏ ai bao giờ"', Ánh Tuyết hồi tưởng.

18 năm nhạc sĩ rời 'cõi tạm', khán giả mộ điệu tin ông vẫn "đi về" với nhân gian, như cách ông từng nói về thế giới bên kia: "Có một sự tiếp nối ở một cõi, một thế giới khác thì chắc là vui! Và tôi nghĩ thật sự có một cõi nào đó khác với cõi đời này thì tất cả mọi người đều hy vọng được rong chơi mãi mãi".

Trịnh Công Sơn (28 tháng 2 năm 1939 – 1 tháng 4 năm 2001) là một nhạc sĩ người Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đại chúng, Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc)[2]. Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly và Hồng Nhung. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một ca sĩ và một diễn viên không chuyên.

 

Nguồn: VNE

Các tin khác