Văn hóa - Giáo dục
Nhiều chuyển biến tích cực
(Congannghean.vn)-Để hạn chế tình trạng học sinh, những năm học cuối cấp vì thiếu định hướng mà chạy theo phong trào chọn không đúng ngành, nghề dẫn đến chán nản, bỏ học giữa chừng…, những năm qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An rất quan tâm, chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Từ đó, giúp các em có thêm kiến thức, xác định, lựa chọn ngành nghề phù hợp...
Giờ học của cô và trò Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 4 |
Những năm gần đây, công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường THPT tuy còn gặp nhiều khó khăn song đã đạt được một số kết quả, góp phần tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, nhiều trường học đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh; lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp với các hoạt động tư vấn tuyển sinh trong chương trình giáo dục phổ thông; tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm thực tế tại các công ty, doanh nghiệp…
Không chỉ trong các hoạt động giáo dục, thực tiễn những năm qua, việc lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội. Thay vì đăng ký tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học, tỉ lệ học sinh đăng ký học nghề có xu hướng tăng trong thời gian qua. Trên thực tế, trong những năm gần đây, tại tỉnh Nghệ An, số lượng học sinh quyết định chỉ thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển đại học đang có chiều hướng gia tăng. Năm học 2017 - 2018, tỉ lệ thí sinh không xét tuyển cao đẳng, đại học chiếm khoảng 40%, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước.
Trường THPT Nghi Lộc 4 (huyện Nghi Lộc) là một trong những điển hình nhà trường làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp THPT. Từ năm học 2015 - 2016, ngay từ lớp 10, nhà trường đã hướng nghiệp cho học sinh. Thông qua phỏng vấn trực tiếp và phát phiếu thăm dò ý kiến, nhà trường sẽ phân luồng các em theo các lớp: Những em học lực khá, giỏi sẽ được bồi dưỡng để thi cao đẳng, đại học (40%); các em xác định học nghề thì được đào tạo nghề song song với học văn hóa (30%). Khi tốt nghiệp, các học sinh này sẽ có bằng tốt nghiệp và một bằng Trung cấp nghề; còn các em định hướng du học, xuất khẩu lao động (30%) cũng được nhà trường chú trọng bồi dưỡng ngoại ngữ, liên kết với các cơ sở, trung tâm có uy tín để có những tư vấn thiết thực hơn cho các em.
Bên cạnh đó, nhà trường còn xây dựng và phát triển phần mềm hướng nghiệp trên trang web của trường. Qua đó, xây dựng hệ thống thông tin về giáo dục hướng nghiệp để cung cấp dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề trong hiện tại và tương lai, giúp học sinh và phụ huynh có cơ sở lựa chọn nghề nghiệp. Thông qua phần mềm hướng nghiệp, nhà trường kết nối với học sinh khóa trước tốt nghiệp các trường nghề, cao đẳng, đại học và đã đi làm, tích cực tư vấn và cập nhật các thông tin thực tế tại các công ty, doanh nghiệp, các đơn vị Nhà nước… để các em học sinh đang theo học tại trường có những góc nhìn, định hướng về nghề nghiệp cho mình rõ hơn.
Đối với học sinh lớp 12, việc chọn ngành nghề rất quan trọng bởi phụ thuộc nhiều yếu tố: Năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu thị trường lao động sau khi tốt nghiệp trường nghề, cao đẳng, đại học... Hàng năm, Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên) đều thành lập Ban Tư vấn tuyển sinh.
Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ khóa tuyển sinh lớp 10, nhà trường đã tổ chức khảo sát nguyện vọng của các em học sinh để từ đó có những tư vấn, định hướng phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện gia đình của các em. Riêng các em học sinh lớp 12, thông qua các cuộc họp phụ huynh, nhà trường thường xuyên thông báo về khả năng học tập của từng em, giúp phụ huynh xác định năng lực thực sự của con em mình, đồng thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Mỗi quý, nhà trường tổ chức các đợt tư vấn, hướng nghiệp bằng việc mời các diễn giả, tổ chức Ngày hội việc làm…
Mùa thi đã cận kề, tin tưởng rằng, với việc đa dạng hóa các hình thức giáo dục hướng nghiệp tại các trường THPT, các em học sinh sẽ có những lựa chọn đúng đắn trong việc lựa chọn tổ hợp môn thi, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu của xã hội.
Thu Thủy