Văn hóa - Giáo dục

Tâm sự của những giáo viên dạy học trò khuyết tật

10:04, 12/03/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Mang lại hạnh phúc cho trẻ khuyết tật và gia đình của các em là hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Giáo viên hỗ trợ trẻ khuyết tật cần sự kiên nhẫn, nhiệt tình và trên cả là tình thương, lòng yêu nghề.
 
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giáo dục, dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An vào đúng giờ ra chơi. Trên gương mặt các em học sinh ở đây thể hiện sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Thấy tôi, một nhóm trẻ vội chạy tới dùng ngôn ngữ chỉ trỏ, hò hét rồi lại tiếp tục đi tìm một không gian đùa nghịch. Tôi không hiểu các em nói gì, nhưng thái độ thể hiện rất tự tin, thân thiện với người xung quanh. 
Một giờ dạy của cô giáo Phan Thị Huyền tại lớp học khiếm thính
Một giờ dạy của cô giáo Phan Thị Huyền tại lớp học khiếm thính
Thầy giáo Phan Thanh Hải, Trưởng phòng Văn hóa của Trung tâm cho biết: Năm học 2018 - 2019, Trung tâm tiếp nhận 255 em, mỗi em đều có khiếm khuyết riêng như khiếm thính, tật vận động, thiểu năng trí tuệ… Chủ yếu các em ở trong tỉnh và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất 25 tuổi. Ngoài việc học văn hóa, các em đến đây để học nghề. Theo thầy Hải, chăm sóc, giáo dục học sinh bình thường đã khó, đối với học sinh khuyết tật lại càng khó hơn. Cuộc sống của những đứa trẻ kém may mắn sẽ ấm áp hơn khi được nuôi dạy trong môi trường có tổ chức; biết chia sẻ với nhau ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Ra ngoài xã hội, dù được gia đình chăm sóc, thương yêu nhưng các em không tránh khỏi mặc cảm, tự ti. Để các em hòa nhập với mọi người, đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và trên hết là tình yêu thương dành cho trẻ của các thầy, cô giáo nơi đây.
 
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp 17 năm nay, cô giáo Phan Thị Huyền, Phòng Ciáo dục chuyên biệt, bán hòa nhập đúc rút ra một thực tế, việc dạy trẻ khuyết tật rất khó khăn, gian khổ, đòi hỏi người giáo viên phải thể hiện được tình thương yêu và trách nhiệm với trẻ và với gia đình trẻ. Thấm thía nỗi đau của các bậc phụ huynh có con bị khuyết tật, bản thân cô luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục với nhiều sáng kiến đã được áp dụng và đạt kết quả.
 
Gắn bó với Trung tâm thời gian qua đã để lại trong cô nhiều kỷ niệm sâu sắc, cảm xúc khó tả. Cô Huyền chia sẻ, mới đây thôi, chỉ vì cô giáo cho điểm kém mà em Trần Châu Phúc (SN 2006), đến từ huyện Đô Lương khóc ròng cả ngày, nhất quyết không chịu lên lớp. Cô phải xuống tận nơi dùng ngôn ngữ ký hiệu, động viên, khích lệ để em lên lớp và trên hết giúp em nhận rõ được hành động đó là sai trái, cố gắng học tập để lần sau đạt điểm cao hơn.
 
Là quản lý khu nội trú của Trung tâm, cô giáo Phạm Thị Lan có điều kiện gần gũi với học trò nội trú. Nay, sắp đến tuổi nghỉ hưu, cô Lan vẫn dành trọn tình yêu thương cho những “đứa con đặc biệt” của mình - cô vẫn thường gọi vui như thế. Cô chia sẻ, gia đình đã gửi gắm các em cho chúng tôi. Chúng tôi có trách nhiệm phải chăm lo, vừa làm cô giáo, chúng tôi vừa được các em xem như người mẹ thứ hai của mình. Các em đến đây, từ chưa biết vệ sinh cá nhân hàng ngày, các cô phải “cầm tay chỉ việc”, giúp các em làm được những việc phù hợp với lứa tuổi.
 
Gần gũi, chia sẻ với học trò, nên cô Lan được các em yêu mến. “Hễ cứ có chuyện gì là các con lại chạy xuống tìm cô”, cô Lan cho biết. Chia sẻ về những kỷ niệm, cô nhớ mãi hình ảnh em Ngô Thị Trang (7 tuổi), đến từ huyện Diễn Châu. Ngày mới vào đây, em khóc cả tháng trời khiến cho các cô giáo “đứng ngồi không yên”. Vậy mà một thời gian với phương pháp dạy có hiệu quả, em đã tiến bộ rõ rệt, nghỉ học mấy ngày để theo gia đình về quê ăn Tết mà em nôn nóng chỉ mong thời gian trôi nhanh để đến lớp, gặp bạn bè, thầy cô…
 
Suốt hành trình dạy trẻ khuyết tật, điều trăn trở lớn nhất của nhiều thầy, cô giáo là tìm cách để xoa dịu những thiệt thòi của các em, giúp các em tiến bộ mỗi ngày và hòa nhập với cộng đồng.                

Phan Tuyết

Các tin khác