Văn hóa - Giáo dục

Lo ngại gia tăng áp lực cho học sinh trong việc ôn thi

10:26, 09/03/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Theo dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2019 sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp, cộng 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). 
 
Như vậy, so năm 2018, năm nay tỷ lệ điểm thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT tăng từ 50% lên 70%. Nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng, điều chỉnh này sẽ tăng thêm áp lực cho học sinh trong việc ôn thi.
Ảnh minh họa: Nhiều phụ huynh lo ngại  điều chỉnh điểm xét tốt nghiệp sẽ tạo ra nhiều rủi ro nhất định cho học sinh có học lực trung bình
Ảnh minh họa: Nhiều phụ huynh lo ngại điều chỉnh điểm xét tốt nghiệp sẽ tạo ra nhiều rủi ro nhất định cho học sinh có học lực trung bình
Chị Nguyễn Xuân Hà, phụ huynh có con đang học lớp 12 ở Phương Mai (Hà Nội) cho biết: Để học được 6 môn thi THPT quốc gia gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 3 bài thi tự chọn thuộc một trong hai tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội các con đã quá vất vả rồi. Việc Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh cách tính điểm xét tốt nghiệp năm 2019 theo hướng sử dụng 70% điểm bài thi THPTQG (thay vì 50% như năm 2018) sẽ khiến việc ôn thi của các con thêm vất vả và áp lực. Đó là chưa kể, năm nay, phạm vi kiến thức đề thi sẽ có thêm khoảng 10% tỷ lệ kiến thức lớp 10 nên việc ôn thi lại càng nặng nề hơn. 
 
“Với học sinh có học lực khá, giỏi thì điều chỉnh này có thể không ảnh hưởng nhiều nhưng với học sinh có học lực trung bình, điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí khiến nhiều em từ đỗ có thể chuyển sang trượt”-chị Hà bày tỏ lo lắng.
 
Thầy Trần Mạnh Tùng -giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh cũng không đồng tình với cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT mới này của Bộ GD&ĐT bởi sẽ tăng áp lực cho học sinh ôn thi. 
 
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, học sinh lớp 12 sẽ phải lo lắng nhiều hơn đối với cả những môn không dùng kết quả để xét tuyển đại học bởi nếu các em bị điểm thấp thì có thể không đỗ tốt nghiệp THPT. 
 
“Tôi đã lấy nhiều ví dụ về phép chia theo cách tính xét tốt nghiệp 50% - 50%, học sinh đạt được điểm thi thế này thì đỗ nhưng khi áp 70% - 30% lại trượt” - thầy Tùng phân tích. 
 
Cũng theo chia sẻ của thầy Tùng, khi Bộ GD&ĐT lấy tỷ trọng 70% điểm bài thi tốt nghiệp và 30% điểm trung bình lớp 12 sẽ mâu thuẫn với chủ trương tới đây xét tốt nghiệp theo hướng đánh giá cả quá trình. Hơn nữa, một bài thi được làm trong thời gian 60, 90 hay 120 phút sẽ không thể đánh giá khách quan được bằng cả quá trình học. 
 
Vì thế, điều chỉnh này là không phù hợp, không công bằng với thí sinh giữa các khóa học khác nhau. Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng mong muốn Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên cách tính 50% điểm thi và 50% điểm trung bình học tập lớp 12 như các năm trước để học sinh không bị xáo trộn . 
 
Theo phân tích của cô Hương, với cách tính điểm xét tốt nghiệp mới này, học sinh lớp 12 có học lực trung bình sẽ có nguy cơ dễ trượt tốt nghiệp hơn so với năm 2018.
 
Thống kê của Bộ GD&ĐT từ năm 2014, thời điểm bắt đầu áp dụng kỳ thi THPT quốc gia đến nay cho thấy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trung bình chung của cả nước đều luôn ở mức trên 90%. 
 
Cụ thể năm 2014 là 99,09%, năm 2015 là 91,58%, năm 2016 đạt 92,93%, năm 2017: 97,42, và cao nhất là năm 2018 tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt đến 97,57%. Việc Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh cách tính điểm xét tốt nghiệp được xem là một trong những giải pháp để “kéo” tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2019 về thực chất hơn. 
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, có 3 yếu tố để có thể dự đoán tỉ lệ tốt nghiệp 2019 có thể giảm nhưng chỉ giảm ít, thậm chí vẫn ở mức trên 90%. Một là như đã công bố, đề thi năm 2019 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và ở mức độ dễ hơn để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. 
 
Hai là điểm khuyến khích và điểm ưu tiên vẫn tiếp tục được áp dụng. Ba là theo xu thế "nước lên thuyền lên", nhiều trường THPT sẽ nâng điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh lên cao hơn nữa để bù vào tỷ lệ bị điểm bị hao hụt do điều chỉnh. 
 
Do vậy, việc điều chỉnh cách tính điểm xét tốt nghiệp năm 2019 cần được Bộ GD&ĐT tính toán kỹ lưỡng hơn nhằm giảm áp lực không cần thiết cho học sinh.

Hùng Quân

Các tin khác