Văn hóa - Giáo dục

Thổi bùng sức sống mãnh liệt của dân ca ví, giặm

16:45, 14/02/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đang được gìn giữ, trao truyền bằng niềm đam mê, tâm huyết và được nuôi dưỡng trong bản sắc văn hóa đặc sắc của vùng miền. Cứ như thế, theo dòng chảy thời gian, dân ca ví, giặm tồn tại với cộng đồng và không ngừng phát triển trong đời sống của người dân lao động.

Trao truyền câu ví, giặm

“Em có về xứ Nghệ với anh không/ Có dòng sông tuổi thơ anh lặn lội/ Câu dân ca bắt nguồn từ lao động/ Để ai xa luôn vẫn nhớ về quê/ Nặng nghĩa ân tình câu ví, giặm người ơi…”. Hơn 3 năm nay, bất kể sáng hay chiều, khi đi đến gần Rú Nguộc cạnh Quốc lộ 46 thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, mọi người đều được nghe những làn điệu ngọt ngào, quen thuộc của lớp dạy dân ca ví, giặm miễn phí của Nghệ nhân ưu tú Võ Thị Vân (SN 1965).

Trung bình mỗi buổi học có 10 - 15 em trong độ tuổi từ 5 - 15 tham gia. Bà Vân dạy cho các em những làn điệu dân ca lời cổ (ví phường vải, ví đò đưa, giặm xẩm, giặm vè…), làn điệu cách tân và các bài dân ca ví giặm quen thuộc… Ngoài ra, bà còn tận tình chỉ bảo các em cách luyến láy đúng nhịp phách, kỹ thuật lấy hơi nhả chữ, phong cách biểu diễn tự tin, cách thổi hồn vào lời hát, nhập tâm vào từng nhân vật, cách xử lý các tình huống trên sân khấu...

Lớp học dân ca miễn phí của Nghệ nhân ưu tú Võ Thị Vân
Lớp học dân ca miễn phí của Nghệ nhân ưu tú Võ Thị Vân

Những ngày cuối năm, Nghệ nhân ưu tú Võ Thị Vân đang cho các “giọng ca nhí” tập luyện để tham gia chương trình mừng Đảng, mừng xuân Kỷ Hợi năm 2019 do xã Ngọc Sơn và UBND huyện Thanh Chương tổ chức. Trong số những học sinh của bà, có 4 em xuất sắc được Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh tuyển thẳng để đào tạo.

Còn với nghệ nhân dân gian, soạn giả Phan Thế Phiệt trú tại xóm 4, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn rong ruổi khắp nơi để sưu tầm, sáng tác và truyền dạy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng chính là động lực để ông trọn đời thủy chung với di sản văn hóa phi vật thể này. Các thế hệ học trò ông từng dìu dắt có rất nhiều người được công chúng yêu mến như: Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hà, Thanh Lam, Hồng Lĩnh...

Tương tự, tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, ông Phùng Ngọc Thanh đã tự thành lập Câu lạc bộ dân ca ví, giặm để duy trì, nuôi dưỡng tình yêu của người dân với những làn điệu quê hương. Hiện, Câu lạc bộ có 22 thành viên từ 25 - 84 tuổi, tham gia sinh hoạt đều đặn mỗi tuần 1 buổi.

Ươm mầm những “chồi xanh”

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, trong đó có công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông đại chúng, không những ảnh hưởng dân ca các vùng, miền khác nhau mà còn ảnh hưởng các trào lưu âm nhạc mới trong nước và quốc tế. Những ca khúc nhạc trẻ với vũ điệu sôi động, nóng bỏng sẽ dễ dàng lôi cuốn thế hệ trẻ hơn. Vì thế, việc trao truyền, “thắp lửa” tình yêu dân ca cho thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Từ khi Nghệ An có chủ trương đưa dân ca vào trường học (1996), học sinh càng có cơ hội được tiếp cận với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Hàng năm, ngành Giáo dục đều tổ chức các chương trình “Hát dân ca trong trường học” nhằm tạo sân chơi cho các em thể hiện năng khiếu âm nhạc của mình; qua đó, phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu hát dân ca ví, giặm.

Điển hình như tại Hội thi Hát dân ca trong trường học tỉnh Nghệ An năm 2018, em Nguyễn Hữu Đạt (học sinh lớp 7B, Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn) đã xuất sắc trở thành 1 trong 2 thí sinh giành giải “Giọng hát triển vọng”. Hay tại Hội thi Liên hoan dân ca Nghệ Tĩnh liên tỉnh lần thứ 4, em Phạm Nguyễn Mai Uyên (10 tuổi, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Bến Thủy, TP Vinh) đã vinh dự đạt giải “Diễn viên nhỏ tuổi trình diễn xuất sắc nhất”…

Em Nguyễn Hữu Đạt hướng dẫn các bạn cách luyến láy, lấy hơi nhả chữ…
Em Nguyễn Hữu Đạt hướng dẫn các bạn cách luyến láy, lấy hơi nhả chữ…

Đặc biệt, em Hà Thị Như (SN 2004, “nghệ danh” là Quỳnh Như, học sinh lớp 9A, Trường THCS Phúc Thành, huyện Yên Thành) - gương mặt quen thuộc với sở trường hát dân ca trong các chương trình của tỉnh, huyện và địa phương đã xuất sắc trở thành Quán quân Giọng hát Việt nhí năm 2018.

Trong suốt các vòng thi, Quỳnh Như đã xuất sắc chinh phục Ban giám khảo không chỉ bằng khả năng hát biến hóa với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau mà còn chinh phục khán giả bằng làn điệu dân ca ví, giặm mượt mà, sâu lắng. Với chất giọng đầy nội lực, cảm xúc và phong cách biểu diễn tự tin, em đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến của khán giả.

Hà Quỳnh Như - Quán quân Giọng hát Việt nhí năm 2018
Hà Quỳnh Như - Quán quân Giọng hát Việt nhí năm 2018

Tại địa phương, Quỳnh Như tích cực hoạt động trong CLB dân ca xã và tham gia rất nhiều hội thi, hội nghị, chương trình từ thiện do huyện tổ chức… Không chỉ hát hay, ở trường, em còn là 1 học sinh chăm chỉ và học giỏi toàn diện các môn.

“Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ/ Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu/ Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thửa vui sầu/ Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng…”. Những làn điệu dân ca ví, giặm giản dị, mộc mạc mà sâu lắng, thiết tha, toát lên tâm hồn, cốt cách con người Nghệ Tĩnh đã trở thành nét đặc trưng của vùng đất này.

Và, những gương mặt trẻ tài năng như Quỳnh Như, Nguyễn Hữu Đạt... cho chúng ta niềm hy vọng về một thế hệ trẻ với tình yêu dân ca ví, giặm cháy bỏng.  Tin tưởng rằng, sự trao truyền giữa các thế hệ sẽ thổi bùng sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại để nó trường tồn mãi với thời gian...

 

Phạm Thủy

Các tin khác