Văn hóa - Giáo dục
Nặng tình với ví, giặm quê hương
(Congannghean.vn)-“Cảm ơn mảnh đất xứ Nghệ nặng tình, nặng nghĩa - nơi đã cho tôi biết bao cảm xúc, được đắm mình trong cái nôi của ví, giặm, được vùng vẫy, sáng tạo và thể hiện bằng tài năng nghệ thuật của mình qua biểu diễn, sáng tác, nghiên cứu và quản lý. 40 năm chắc chắn chưa dừng lại ở đó…”. Đó là lời chia sẻ của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tiến Dũng tại đêm nhạc “Tìm về miền ví, giặm”, đánh dấu mốc 40 năm hoạt động nghệ thuật được tổ chức trong năm 2018.
Với Nghệ sĩ nhân dân Tiến Dũng, dân ca ví, giặm như là máu thịt, không thể thiếu trong đời sống tinh thần |
Tôi biết đến NSND Tiến Dũng từ khi còn nhỏ. Ngày ấy, mỗi lần có Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh về biểu diễn tại đơn vị của bố mẹ là tôi lại nài nỉ xin đi cùng. Bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, ông đã gieo vào người nghe tình yêu đối với dân ca ví, giặm sâu nặng nghĩa tình.
NSND Tiến Dũng sinh ra tại một miền quê được xem là “cái nôi” của những câu hò, điệu ví. Từ nhỏ, Tiến Dũng đã được đi nghe hát đối đáp của những “trai thanh, gái lịch” vùng xứ Dừa thuộc xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn. Vốn có năng khiếu ca hát cộng với niềm đam mê nên suốt những năm học phổ thông, Tiến Dũng là một lớp trưởng kiêm quản ca hoạt động sôi nổi, là hạt nhân chính trong các chương trình văn nghệ của trường.
Sau này, khi đang là cán bộ hoạt động trong ngành địa chất nhưng tình yêu âm nhạc luôn chảy trong huyết quản của Tiến Dũng để rồi bén duyên với nó như một lẽ thường tình. “Năm 1979, trong một lần Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh về tuyển diễn viên, tôi đã tham gia dự tuyển và trúng tuyển. Ước mơ trở thành diễn viên văn công chuyên nghiệp, được tiếp cận với sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh bấy lâu đã trở thành hiện thực”, NSND Tiến Dũng nhớ lại.
Những năm 80 - 90 thế kỷ trước, là ca sĩ của sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp, bên cạnh thể hiện nhuần nhuyễn các làn điệu dân ca ví, giặm cổ, Tiến Dũng còn được khán, thính giả xứ Nghệ yêu mến khi đắm mình trong những ca khúc như: “Đi trong hương tràm”, “Giữa mạc tư khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, “Người về thăm quê”, “Trăng khuyết”… Với việc thể hiện thành công những ca khúc này, Tiến Dũng đã xuất sắc giành 4 Huy chương Vàng tại những lần tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc.
Bên cạnh biểu diễn, Tiến Dũng còn đi sâu nghiên cứu soạn lời cho các làn điệu ví, giặm cổ để cho ra đời những bài hát quen thuộc được nhiều người yêu thích như: “Một lòng đợi bạn”, “Bần hát ghẹo”, “Hết giận rồi thương”... Với ông, cả một đời hoạt động nghệ thuật gắn bó với quê hương, dân ca ví, giặm như là máu thịt không thể thiếu trong cuộc sống. Quá trình biểu diễn, sưu tầm, nghiên cứu về ví, giặm khiến cho nghệ sĩ càng thấm thía và trân quý hơn giá trị của dân ca ví, giặm quê mình. Đó cũng là lý do mà NSND Tiến Dũng chọn con đường âm nhạc riêng, lấy âm hưởng ví, giặm làm yếu tố chủ đạo trong sáng tác ca khúc của mình.
Nghệ sĩ nhân dân Tiến Dũng hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình |
Là nghệ sĩ đã gắn bó gần 40 năm với dân ca ví, giặm bởi tình yêu và sự đam mê, với vai trò người quản lý văn hóa, NSND Tiến Dũng đã chủ động tham mưu, chỉ đạo tích cực, góp phần đưa ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2018 là năm đánh dấu trong hành trình 40 năm ca hát, sáng tác và nghiên cứu văn hóa dân gian của NSND Tiến Dũng. Đêm nhạc “Tìm về miền ví, giặm” đã để lại nhiều cảm xúc. Đêm nhạc không chỉ quy tụ các giọng ca tên tuổi của gia đình nghệ sĩ mà đó còn là nơi khán giả được thưởng thức những điệu ví ân tình và các ca khúc ca ngợi quê hương với giai điệu quen thuộc được làm mới.
Chia sẻ với phóng viên về đêm nhạc “Tìm về miền ví, giặm”, NSND Tiến Dũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến mọi người, đặc biệt là gia đình đã đồng hành với ông trong suốt chặng đường 40 năm hoạt động nghệ thuật. “Cảm ơn mảnh đất xứ Nghệ nặng tình, năng nghĩa - nơi đã cho tôi biết bao cảm xúc, được đắm mình trong cái nôi của ví, giặm… 40 năm chắc chắn chưa dừng lại ở đó và phía trước tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình cần phải làm gì”, NSND Tiến Dũng chia sẻ.
Trong vai trò là người quản lý văn hóa, NSND Tiến Dũng còn rất nhiều điều trăn trở khi hiện nay, số lượng nghệ nhân am hiểu bài bản, có khả năng truyền dạy cũng như nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số Nghệ An đang giảm mạnh do tuổi cao sức yếu. Nhiều thành tố của di sản dân ca tại địa phương đang bị mai một, khó có khả năng phục hồi; một số cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn, phát huy di sản văn hóa còn bất cập, lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn tham gia bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh còn thiếu kiến thức, kỹ năng và phương pháp theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003…
Chia sẻ về Đề án bảo tồn dân ca ví, giặm xứ Nghệ có tầm nhìn và định hướng chiến lược đến năm 2030, NSND Tiến Dũng cho biết, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO; đồng thời, phát huy các tiềm năng, nguồn lực tại địa phương để đảm bảo sức sống của di sản trong cuộc sống hôm nay và tương lai. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ tiếp tục khẳng định sự tồn tại trong việc góp phần xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Việc tổ chức trình diễn ví, giặm tại cộng đồng, nhà hát ở tỉnh hay các khu du lịch là một hình thức nâng cao dịch vụ văn hóa đối với sự quảng bá hình ảnh địa phương cũng như việc phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, nhiệm vụ phục hồi các phường hát ví, giặm là sự tái hiện những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống ở các làng quê xứ Nghệ. Song song với các hoạt động trình diễn này, ví, giặm vẫn luôn là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho những sáng tác mới trên sân khấu, góp phần quan trọng trong các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là sự kết tinh khả năng sáng tạo lời ca và giai điệu của các cộng đồng người Nghệ Tĩnh. Giá trị đó nằm ở sự tôn trọng đối với sự tự do, thể hiện tư tưởng, tình cảm bằng lời ca, tiếng hát, bằng phương ngữ Nghệ Tĩnh. Sự vinh danh của UNESCO nâng cao tầm nhìn ở quốc gia và quốc tế. Như vậy, việc bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ là nhiệm vụ của nhân dân xứ Nghệ, mà còn là nhiệm vụ của quốc gia, dân tộc nhằm bảo tồn một sáng tạo mang tầm nhân loại.
Mùa xuân lại về, mang theo luồng sinh khí tươi mới, tiếp thêm ý chí, khát vọng cho chặng đường phấn đấu mới. Chúc NSND Tiến Dũng có đủ sức khỏe để tiếp tục sáng tác và thực hiện công tác bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm để đưa nó đến những không gian diễn xướng gần gũi nhất, đời thường nhất…
Phan Tuyết