Văn hóa - Giáo dục
Cốt cách người Nghệ Trương Đình Tuyển
(Congannghean.vn)-Là người con của quê hương xứ Nghệ, mặc dù thời gian gắn bó không nhiều nhưng với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy (thời kỳ 2000 - 2002), ông Trương Đình Tuyển đã để lại rất nhiều dấu ấn, giai thoại cả trong công việc lẫn trong cuộc sống đời thường. Ông còn được biết đến như là người “đưa đường” để Việt Nam gia nhập WTO…
Phác họa chân dung Bí thư Tỉnh ủy Trương Đình Tuyển |
Tháng 6/2018, sau hơn 10 năm rút lui khỏi nghị trường và “ẩn dật” ở thủ đô, ông Trương Đình Tuyển đã về lại xứ Nghệ, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Điều này khiến không ít người ngạc nhiên. Nhưng với số đông người dân xứ Nghệ, việc trở lại của Bí thư Tỉnh ủy là điều đương nhiên, lẽ thường, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Bởi, ông dù chỉ giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy chưa đầy 3 năm, song thời gian đó có những câu chuyện về ông đã trở thành giai thoại, ăn sâu vào tiềm thức của không ít cựu cán bộ, quan chức lẫn người dân. Ngoài ra, trong thời gian hơn 10 năm qua, dù đã rời ghế “quan trường”, nhưng ít ai biết rằng, ông vẫn được Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Quốc hội mời làm việc với vai trò chuyên gia cao cấp.
Bí thư Tỉnh ủy và những giai thoại Nghệ
Là người Nghệ, thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng chỉ kéo dài chưa đầy 3 năm, nhưng dấu ấn mà ông Trương Đình Tuyển để lại cho người dân nơi đây là không hề ít. Với những người đã từng may mắn được tháp tùng ông trong những chuyến công tác về cơ sở, hẳn không thể quên những chuyện rất chân chất, mộc mạc nhưng đầy trăn trở của 1 con người luôn vì dân, vì nước. Đó là chuyện ông về thăm xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, khi thấy bà con đang cấy lúa, ông xuống xe ôtô, cởi áo khoác, xắn quần lội ruộng cấy với mọi người. Cũng chuyến đi này, thay vì đến thăm 1 hộ gia đình làm kinh tế giỏi đã được chuẩn bị trước, ông quyết định rẽ vào 1 hộ dân nghèo cạnh đó.
Với những việc làm “khác người” này, Bí thư Tỉnh ủy kịp nhận ra, vì sao Nghi Đồng nghèo đến thế. Không chỉ “cầm tay, chỉ việc” để cả hệ thống chính trị phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, dù rất bận chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ, đêm đêm ông vẫn lặn lội về với cán bộ và nhân dân Nghi Đồng để giúp bà con. Nhờ vậy, xã nghèo này đã chuyển mình. Hay như trong những chuyến công tác về huyện miền núi Kỳ Sơn, khi nghe vị Chủ tịch UBND xã báo cáo về chống diễn biến hòa bình, ông cắt lời, yêu cầu vị này giải thích thế nào là chống diễn biến hòa bình và địa phương cần làm gì để chống, thì vị cán bộ này không trả lời được. Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trương lập các tổ công tác về cắm tại cơ sở miền núi, giúp bộ máy chính quyền cấp xã. Nhờ vậy, phong trào của các địa phương, đặc biệt là vùng sâu biên giới chuyển biến hẳn.
Những việc làm tạo nên “thương hiệu”, “cốt cách” của ông Trương Đình Tuyển trong thời gian này còn rất nhiều, đó là việc chỉ trong gần 3 năm nhưng ông “trảm” đến 6 bí thư, phó bí thư các huyện; hay như thường xuyên “vi hành” nhưng không hề báo trước; dự đại hội Đảng bộ huyện nọ xong không ở lại liên hoan mà đón xe về, trên đường ghé ăn cơm tranh phần trả tiền vì “lương tôi cao hơn lương các cậu”, vân vân và vân vân… Ông nổi tiếng là 1 Bí thư sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình rất nhanh và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công tác cán bộ. Kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém, vi phạm kỷ luật, nhưng ông cũng là người rộng lượng, vị tha.
Còn nhớ vụ giám đốc 1 công ty thương mại ở Vinh “bể nợ” 47 tỉ đồng, dù người này có rất nhiều mối quan hệ, ông vẫn kiên quyết đình chỉ công tác để thu hồi công nợ, với lời hứa giải quyết xong công việc sẽ phục chức. Xong việc, ông đã giữ đúng lời hứa của mình. “Giai thoại” về Bí thư Tỉnh ủy Trương Đình Tuyển vẫn được lưu truyền nhiều hơn cả là trong thời gian ở Nghệ An, ông sống giản dị trong căn nhà tập thể tầng 2. Mỗi lần xong việc cơ quan, lại đạp chiếc xe cà tàng qua chợ quán Lau và về tự nấu ăn, thức ăn chủ yếu là rau muống luộc và đậu phụ, mắm tôm. Có những lần mua bán mặc cả, đến độ mấy bà bán hàng còn lắc đầu, chép miệng mà rằng: “Ông nớ (ấy) nhìn khắc khổ hè (nhỉ)! Có lẽ vợ nỏ (không) nấu cơm cho ăn!”.
Đóng góp của ông Trương Đình Tuyển cho Nghệ An trong thời gian giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy là đã tập trung phát huy được thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xây dựng đội ngũ cán bộ, bộ máy chính quyền hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Một số quyết sách lớn do ông khởi xướng, đến nay vẫn giàu tính thực tiễn và phát huy hiệu quả cao. Như việc ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng giao thông nông thôn; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; phát triển các làng nghề; ban hành Chỉ thị phòng, chống ma túy; cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư tố cáo…
Ông Trương Đình Tuyển (thứ 4 từ phải qua) tại lễ ra mắt Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An |
Ông đồ gàn WTO
Dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời quan trường của ông Trương Đình Tuyển, không chỉ riêng cho quê hương xứ Nghệ mà với nhân dân cả nước, ấy là việc ông đã góp công lớn trong việc đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tháng 7/1997, ông Trương Đình Tuyển từ Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Petrolimex, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Tháng 2/2000, Bộ Chính trị điều ông về làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An; đến tháng 8/2002, ông tiếp tục trở lại “ghế nóng” của Bộ Thương mại. Và chính trong quãng thời gian này, ông đã có vai trò quan trọng, với nhiều đóng góp trong quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006, đánh dấu mốc kết thúc 11 năm với trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác đàm phán song phương của Việt Nam. Trước đó, ít ai biết rằng, ông cũng đã có nhiều nỗ lực, đóng góp to lớn trong việc đàm phán về Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA).
Nhắc đến Bí thư Tỉnh ủy Trương Đình Tuyển, sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến… thơ! Ngoài việc chính trường, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại còn được biết đến như 1 nhà thơ, bởi ông là người có tâm hồn thi sĩ. Với ông, làm thơ không phải để vinh danh, mong được nổi tiếng hay đơn giản là mưu sinh, mà ông làm thơ “là để làm mềm bớt cái khô của công việc và làm cuộc sống thêm thăng hoa”. Trong công việc và trong đàm phán, ông sắc sảo, quyết liệt và hoạt ngôn bao nhiêu thì với thơ, ông lại rất tinh tế, nhẹ nhàng, sâu lắng, da diết và trí tuệ.
Ông có những câu thơ đặc sắc có thể xếp ngang hàng với các thi sĩ tài danh, kiểu như: “Vụng về và chậm muộn/ Sao cứ nhiều đam mê/ Thu có còn đủ nắng/ Cho xôn xao mùa về…”; hoặc: “Mắt mồ côi anh gặp mắt em rồi”! Trong chuyến đi thăm lăng mộ Taj Mahal, Di sản thế giới ở Ấn Độ, ông có bài thơ “Viết ở lâu đài Batmahan”. Đây là tuyệt phẩm thơ ca, mà không phải nhà thơ chuyên nghiệp nào cũng có thể làm được chứ đừng nói đến 1 tâm hồn thi sĩ ngẫu hứng “nửa mùa” như ông. Bài thơ có đoạn: “Tôi đến thăm lâu đài Batmahan/ Đọc những trang văn trên nền đá trắng/ Tôi bồi hồi nghe bao chuyện buồn vui/ Đã truyền đi tiếng vọng kiếp người/ Batmahan sừng sững giữa trời/ Pho sử đá ghi cảnh đời nghịch lý/ Vua khóc vợ xây đền đài kỳ vỹ/ Tôi khóc người thợ đá, đá ơi/ Và sông Hằng nước mắt cứ đầy vơi”.
Nói về ông Trương Đình Tuyển hẳn còn là 1 câu chuyện dài, từ BTA đến WTO, từ Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đến Bộ trưởng Bộ Thương mại và bây giờ là câu chuyện chưa có hồi kết về 1 Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội cho UBND tỉnh Nghệ An. Nên đành mượn tạm 1 câu thơ của chính ông đã đúc kết đời mình, để tạm khép lại trang viết này. Rằng, “Tôi khảo cổ chính tôi và thấy/ Một xấp dày ngu ngơ”.
Thiện Thành