Văn hóa - Giáo dục
Tết Việt ở xứ sở Bạch Dương
(Congannghean.vn)-“Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”, câu nói làm cho bất kỳ 1 người xa quê hương nào khi nghe đều xúc động, bâng khuâng mỗi độ Tết đến, xuân về… “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đơn thuần “đi - về” mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Ở xứ sở Bạch Dương, nơi tuyết trắng phủ dày, dù cuộc sống có sung túc đến đâu cũng không thể làm cho những người Việt vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ sắc mai đào, nhớ “thịt mỡ dưa hành - câu đối đỏ” trong ngày Tết cổ truyền dân tộc…
Hướng dẫn các bạn sinh viên Nga cách gói bánh chưng |
Nga là một trong những nước có đông cộng đồng người Việt sinh sống, học tập, công tác với khoảng 900.000 người. Tại các thành phố như St.Petersburg, Moscow, Ulyanovsk, Vladivostok…, đa phần bà con đều cần cù, chịu khó, sống tuân thủ luật pháp, hội nhập tích cực vào hoạt động kinh tế, tạo dựng nhiều cơ sở sản xuất, được chính quyền địa phương sở tại đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh sống, làm việc. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, đùm bọc lẫn nhau luôn được những người con xa quê giữ gìn, phát huy. Qua đó, giúp cho cộng đồng người Việt không chỉ ngày càng hòa nhập vào nước sở tại mà còn trở thành cầu nối vững chắc giữa các địa phương nói riêng và góp phần củng cố tình hữu nghị Việt Nam - Nga nói chung.
Dịp Tết Nguyên đán Việt Nam rơi vào những đợt lạnh giá nhất của mùa đông nước Nga. Nhiệt độ ngoài trời xuống âm 7 - 15oC, những bông tuyết bay lả tả, phủ trắng trên những cành cây vốn đã khẳng khiu, trơ trụi lá; hằn trên cả những chuyến tàu điện ngầm cuối cùng lao vút trong đêm. Tuyết mang cái lạnh tê tái, xuyên qua lớp áo ấm, xuyên vào lòng những người con xa xứ. Nhắc đến Tết, ai cũng bồi hồi, da diết nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Mặc dù không được đón Tết cùng gia đình, nhưng đã thành thông lệ hàng năm, cộng đồng người Việt ở Nga luôn gắn kết, cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc với những hy vọng mới tươi sáng hơn, giúp những người con xa xứ phần nào cảm nhận được không khí Tết quê nhà ngay tại nước bạn.
Moscow là thủ đô - thành phố lớn nhất của nước Nga. Ngoài các du học sinh đang theo học, hiện nơi đây có khoảng 1.000 người Việt, chủ yếu làm nghề kinh doanh, buôn bán các mặt hàng như vải vóc, quần áo, giày dép, đồ da dụng... Liu và Chim là 2 khu chợ tập trung đông người Việt Nam sinh sống, làm ăn nhất. “Liu” là cách gọi ngắn Liubliuno, còn “Chim” theo 1 người làm ăn ở đây giải thích, chợ nằm trong khu trung tâm thương mại Sadovo, trước đây vốn bán nhiều chim, thú và hiện giờ vẫn còn một khu nhỏ.
Ngày cuối năm, lại đang dịp “đuội chợ”- nghĩa là vắng khách, hàng bán chậm (theo cách gọi của bà con ở đây). Vì vậy, mọi người đều dọn hàng về sớm để cùng quây quần bên nhau, tổ chức đón Tết cổ truyền dân tộc Kỷ Hợi 2019 một cách đầm ấm, với đầy đủ hương vị như ở quê nhà. Ai cũng háo hức, mong chờ, bởi quanh năm bận rộn làm ăn, chỉ dịp Tết mọi người mới được cùng nhau làm và thưởng thức những món ăn truyền thống, nói với nhau những lời chúc mừng, cùng mong ước may mắn và thành công trong năm mới. Nhiều gia đình cầu kỳ, trước Tết khoảng gần 1 tháng cất công đánh xe vào rừng chặt một cành bạch dương trụi lá về ngâm ủ trong phòng để khi Tết đến là vừa nẩy nụ. Sau đó, mua hoa đào giấy về gắn vào là đã có một cành đào chơi Tết như ở quê nhà vậy.
Du học sinh ở xứ sở Bạch Dương chụp ảnh lưu niệm trong khoảnh khắc giao thừa |
Bạn Phạm Minh Đức, quê ở tỉnh Nam Định, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Hàng không Moscow (Nga) cho biết: Trường có gần 100 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này, tất cả các bạn đều chung tay, góp sức tự tổ chức ăn Tết vào đêm giao thừa. Do năm nay lịch nghỉ đông trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên cộng đồng sinh viên Việt của trường có nhiều thời gian để chuẩn bị cho bữa tiệc cuối năm được tươm tất và chu đáo hơn.
“Thực ra ở Nga, tại các khu chợ Việt có đủ mặt hàng Việt Nam, nhưng bọn mình đều muốn đi chợ, nấu nướng cùng nhau, chuẩn bị chu đáo bữa cơm tất niên dù cho ngoài trời lạnh đến âm 10 - 15oC”, Minh Đức chia sẻ. Những chiếc lá dong đặt từ Việt Nam sang được lau đi lau lại, trau chuốt mượt mà. Đặc biệt, trong các khâu tổ chức ăn Tết của sinh viên Việt Nam luôn có sự tham gia hào hứng của các bạn ở xứ sở Bạch Dương. Những chiếc bánh chưng, nem rán, giò lụa… được sinh viên Việt Nam và Nga cùng gói, cùng làm, tuy còn vụng về, lóng ngóng nhưng là cả sự chăm chút, sự quan tâm, yêu thích tìm hiểu của các bạn. Tết cổ truyền của dân tộc cũng bởi thế ngày càng trở nên ấm cúng, gắn kết hơn.
Vào ngày Tết cổ truyền tại Nga, gia đình Việt nào cũng có bàn thờ gia tiên, với mâm cơm đầy đủ các món như: Bánh chưng, thịt gà, nem rán, giò, củ kiệu… cùng mâm ngũ quả dâng lên cúng ông bà, ông vải; thậm chí có gia đình còn treo cả câu đối hệt như đón Tết cổ truyền tại quê hương. Do lệch múi giờ nên đúng 20 giờ ở Nga là thời khắc Giao thừa ở Việt Nam. Vào thời khắc ấy, ai nấy quần áo chỉnh tề, đứng dưới bàn thờ, chắp tay cầu cho 1 năm mới nhiều may mắn, cho những dự định, mục tiêu sẽ trở thành hiện thực.
Sau khoảnh khắc giao thừa vài phút, mọi người đều gọi điện chúc Tết bố mẹ, anh chị em, người thân trong gia đình một năm tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc và may mắn. Sau đó, cùng nhau thưởng thức những món ăn mang hương vị Tết cổ truyền như bánh chưng, giò lụa, nem rán... Chương trình nghệ thuật với các tiết mục “cây nhà lá vườn”, mang đậm bản sắc quê hương, không khí xuân được các bạn trình diễn trong tà áo dài khiến ai cũng có cảm giác như được xích lại gần hơn với quê hương.
Vào khoảng 0 giờ 30 phút (giờ Nga), khi chương trình kết thúc, cộng đồng người Việt đều giữ những nét đặc trưng của Tết cổ truyền dân tộc như: Đi đến từng phòng “xông đất”, chúc Tết nhau, lì xì cho trẻ em, nâng chén rượu vang, ôn lại những kỷ niệm của năm cũ và cùng đặt mục tiêu phấn đấu cho 1 năm mới thắng lợi. Tiếng nói cười rộn ràng, ấm cúng, mặc cho ngoài kia, tuyết vẫn rơi trắng xóa và lạnh giá bao trùm…
Thu Thủy