(Congannghean.vn)-Cùng với cả nước, một mùa lễ hội đang về trên đất Nghệ. Những ngày đầu xuân, người dân lại náo nức với những lễ hội. Để người dân yên tâm vui xuân, tham gia các hoạt động lễ hội, hành hương đi lễ chùa, ngoài việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động lễ hội, đảm bảo ANTT tại các địa điểm diễn ra lễ hội thì công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cũng được chú trọng.
Cảnh sát PCCC kiểm tra khả năng hoạt động của các phương tiện PCCC tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn |
Bài trừ mê tín dị đoan
Còn nhớ, năm 2018, hai con rắn nước mấy ngày liền nằm trên ngôi mộ vô danh thường được người dân gọi là mộ “bà ăn mày” ở TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, không chịu rời đi. Từ đây, xuất hiện thông tin “bà ăn mày” hiển linh “rắn thần”, khiến nhiều người kéo đến dựng rạp, kéo điện, thắp hương, khấn vái “rắn thần”. Màu sắc mê tín dị đoan tiếp tục nặng nề hơn khi sau đó, hàng trăm người chen lấn, mong chạm vào “rắn thần” để được phù hộ. Thậm chí, kể cả sau khi chính quyền địa phương cho giải tán đám đông, phóng thích rắn về môi trường sống tự nhiên thì hàng ngày vẫn có nhiều người đến khu vực này thắp hương khấn vái. Câu chuyện này là một trong những ví dụ điển hình cho tình trạng mất kiểm soát về niềm tin tín ngưỡng dẫn đến mê muội, mê tín dị đoan ở một bộ phận người dân.
Đầu năm mới, mê tín dị đoan càng có xu hướng gia tăng vì đây là thời điểm con người thường muốn bày tỏ mong ước một năm làm ăn phát đạt, hanh thông, tiền tài nhiều hơn… Cúng lễ là nhu cầu tâm linh chính đáng nếu được thực hiện đúng nghi thức, nhưng một bộ phận người dân lại cầu cúng vượt quá giới hạn tín ngưỡng bình thường. Hay như việc “dâng sao giải hạn” cũng là việc được nhiều người thực hiện trong những ngày đầu năm nhưng lại đang bị biến tướng. “Dâng sao giải hạn” bắt nguồn từ tập tục cầu bình an thường diễn ra vào đầu năm mới ở phạm vi gia đình, với mong muốn mọi người trong gia đình sẽ được khỏe mạnh, tốt lành trong năm. Thế nhưng, không ít cá nhân lại tổ chức “dâng sao giải hạn” phức tạp, gây lãng phí, thậm chí có người còn lợi dụng việc này để biến thành cúng lễ và hóa vàng mã với quy mô lớn nhằm “cầu xin tai qua nạn khỏi”.
Lợi dụng tâm lý của đa số người dân đã đến đền chùa, đến nơi tâm linh là không mặc cả, không thắc mắc về giá cả nên bị một số đối tượng lợi dụng. Một thành viên Ban quản lý chùa Ân Hậu (xã Nghi Đức, TP Vinh) cho biết: “Dâng sao giải hạn” được hiểu đơn giản là đi giải hạn, cầu để lòng mình được bình an, thoải mái chứ “giải hạn” không phải là “cầu xin tai qua nạn khỏi”, “cầu tài”, cầu lộc”. “Giải hạn” với các đồ lễ đơn giản, xuất phát từ tâm, từ đạo của người cúng chứ không phải “mâm cao cỗ đầy” là “giải được hạn”. Những sự việc trên cho thấy, cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp thiết thực để góp phần đẩy lùi những biểu hiện của mê tín, dị đoan ra khỏi đời sống, tại các lễ hội để tạo văn hóa lành mạnh của cộng đồng.
Tăng cường công tác quản lý
Mỗi năm nước ta có hơn 8.000 lễ hội lớn, nhỏ. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra 29 lễ hội (trong đó 20 lễ hội diễn ra vào mùa xuân (từ tháng 1 - 3 âm lịch), còn lại diễn ra vào các thời điểm khác trong năm (từ tháng 4 - 10 âm lịch). Một số lễ hội được tổ chức như Lễ hội Pẩn Pang - Nang Ny, Lễ hội đền Vua Mai, Lễ hội đền Cờn, Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Bạch Mã, Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Pu Nhạ Thầu, Lễ hội đền Chín Gian… thu hút hàng nghìn du khách thập phương.
Trò chơi vật cù tại Lễ hội đền Bạch Mã, huyện Thanh Chương |
Tại đền Cờn (phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai), mặc dù còn hơn 1 tuần nữa Lễ hội đền Cờn mới diễn ra nhưng ngay từ những ngày Tết Nguyên đán, du khách thập phương đã đổ về hành lễ rất đông. Bên cạnh việc tổ chức, quản lý các hoạt động tại đền để vừa đảm bảo sự tôn nghiêm, vừa phát huy giá trị văn hóa cũng như nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân thì công tác đảm bảo ANTT cũng được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng hết sức quan tâm. Theo Ban quản lý đền cho biết, trước, trong và sau Tết, Ban đã tích cực phối hợp với Công an thị xã và Công an phường luôn ứng trực, bám địa bàn, nắm tình hình, không để xảy ra tình trạng bán hàng rong chèo kéo du khách, nạn ăn xin, tắc đường, không để các quầy hàng dịch vụ văn hóa, ăn uống “chặt chém” giá cả.
Những ngày đầu năm, tại đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên), lượng du khách đến thắp hương rất đông. So với những năm trước, năm nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, tình hình ANTT tại đền được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, tình trạng mời chào viết sớ, xin quẻ vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, mặc dù đã được lực lượng chức năng nhắc nhở song nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động bói toán, xem chỉ tay lấy tiền. Ban quản lý đền cũng thường xuyên nhắc nhở người dân mua đồ lễ nên vừa phải, chứ không nên lãng phí, vừa tốn tiền, vừa ảnh hưởng đến môi trường.
Để các lễ hội được diễn ra an toàn, văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 318/UBND-VX gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn, Ban tổ chức lễ hội trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, xây dựng kế hoạch thực hiện, hướng dẫn về trình tự đăng ký, thông báo tổ chức các lễ hội theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của pháp luật tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, ngành Văn hóa tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo, hướng dẫn; chủ trì phối hợp với các ngành liên quan giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngay từ trước Tết, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách tham dự lễ hội; ngăn chặn tình trạng chèo kéo, tranh giành khách; chú trọng tới công tác PCCC; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan cũng như các hành vi trộm cắp, đánh bạc.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cháy nổ trong mùa lễ hội, từ trước Tết Nguyên đán 2019, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo cấp trên cùng các cấp chính quyền có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Đội Cảnh sát PCCC các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra, giám sát tại các đình, chùa, nơi diễn ra các lễ hội… để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực của cơ quan quản lý, chính quyền, lực lượng Công an và nhân dân địa phương, mỗi người dân tham gia lễ hội luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc lễ hội ý nghĩa nhất. Có như vậy, mỗi lễ hội mới thực sự trở thành điểm đến tâm linh ý nghĩa, hấp dẫn, mang lại may mắn và hướng con người đến điều thiện, điều lành.