Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201902/nguoi-cu-con-vuong-838868/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201902/nguoi-cu-con-vuong-838868/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người cũ còn vương - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 13/02/2019, 08:34 [GMT+7]

Người cũ còn vương

(Congannghean.vn)-Nhà thơ Thạch Quỳ được anh em làng văn nghệ sĩ gắn cho biệt danh “ông đồ gàn xứ Nghệ”, với những tố chất và tính cách “không giống ai”. Sau một thời gian ẩn dật, sống thu mình, những ngày cuối năm 2018, Thạch Quỳ bất ngờ tái xuất bằng việc cho ra đời “Tuyển tập thơ Thạch Quỳ”, công trình tâm huyết đi dọc suốt cả đời thơ của ông.
Nhà thơ Thạch Quỳ
Nhà thơ Thạch Quỳ
 
Thạch Quỳ chỉ là bút danh, mà theo sự giải thích của ông là đá ở trên núi Quỳ, bởi làng Đông Bích quê ông ngày đó rất nhiều núi đá các kiểu và núi Quỳ là 1 trong những địa danh gắn bó với sự tập tành thơ ca của ông, từ những ngày thơ ấu. Tên thật của ông là Vương Đình Huấn. Tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh), Thạch Quỳ từng có thời kỳ là giáo viên cấp 3 tại huyện Thanh Chương. Nhưng rồi duyên nợ với thi ca, ông đồ Nghệ bỏ ngang nghiệp gieo chữ, lóc cóc gia nhập Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Thạch Quỳ bắt đầu nổi tiếng từ bài thơ “Với con”, đăng trên Báo Văn nghệ năm 1980. Bên cạnh sự chào đón nồng nhiệt đứa con tinh thần này, ông cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người, thậm chí còn nghi ngờ thái độ chính trị của ông qua bài thơ này, giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ gọi là nghi án “chính trị hóa thi ca”. Gần 40 năm sau, nhìn lại sự kiện văn chương làm thay đổi cuộc đời mình, nhà thơ Thạch Quỳ chỉ trầm tư mà rằng, chuyện lình xình bài thơ ấy là chuyện ngoài văn học, chứ “Với con” cũng chẳng có tội tình gì, thực tế đã chứng minh được điều đó. Năm 1991, bài thơ được in lại trên Báo Nhân dân, xóa tan mọi hiềm khích. Nhiều người đồ rằng, suốt một thời gian dài nhà thơ từng được liệt vào danh sách “tốp-ten” thơ, cùng với những Anh Ngọc, Vương Trọng, Võ Văn Trực… lừng danh xứ Nghệ một thời, bỗng dưng vắng bóng trên thi đàn, liệu có phải do hiệu ứng từ “cú vấp” đầu đời này?
 
Hẳn là không phải vậy. Thạch Quỳ chỉ lặng lẽ lui về ở ẩn trong làng văn nghệ sĩ, chứ ông không thôi ngừng sáng tác. Bằng chứng là  những năm tháng ấy, từ trong căn nhà tập thể vẹo vọ được xây từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến căn nhà nho nhỏ nép mình trên đường Phong Đình Cảng, TP Vinh, nhà thơ Thạch Quỳ vẫn miệt mài sáng tác, với những tuyển tập như “Cuối cùng vẫn một mình em” (1986), “Đêm Giáng sinh” (1990), “Bức tường” (2009)… Ít ai biết rằng, để đến được với nghề, “ông đồ gàn xứ Nghệ” đã rất gian nan, thậm chí có lúc phải đánh đổi. Trong “Tự bạch”, ông kể: “Khoảng 15 năm, tôi phải sáng tác trong phòng ngủ tập thể. Lúc 11 giờ đêm họ tắt đèn đi ngủ, tôi dùng bút chì để ghi chừng, viết mò trong bóng tối. Tôi thức thâu đêm, từ đó thành thói quen. Viết văn, làm thơ trái với nghề chính nên phải vụng trộm, giấu lén và luôn bị khích bác. Nhưng lòng say mê đã thắng. Tôi luôn luôn hướng tới những cuộc cách mạng, những vụ bùng nổ trong tâm hồn con người để đến với cái đẹp”. 
Tuyển tập thơ Thạch Quỳ - Nhà xuất bản Nghệ An 2018
Tuyển tập thơ Thạch Quỳ - Nhà xuất bản Nghệ An 2018
Thạch Quỳ có một nguyên tắc viết không giống với bất cứ tao nhân mặc khách, cũng như với các thi sĩ hiện đại nào. Ấy là ông cấm mình viết chữ người khác đã viết, cấm viết ý nghĩ người khác đã nghĩ, cấm viết mông lung không dính líu đến sự thật, cấm viết sự thật trần trụi không cảm xúc, thiếu thẩm mỹ. Và cũng cấm mình in nhiều sách. Đến độ, nhà thơ Lê Huy Mậu, một đồng nghiệp người gốc Thanh Chương, khi nhận được tuyển tập thơ "Cuối cùng vẫn một mình em" của Thạch Quỳ in và gửi tặng, đã thảng thốt rằng: Đó là tập thơ mà hẳn không phải là tập thơ, vì nó mỏng dính, đã ít về số bài, ít về số câu ở mỗi bài, lại ít cả về số chữ trong mỗi câu. Nhưng, ai cũng thừa nhận, để làm ra được cái sự “ít” đó, tác giả đã phải lao động thơ đến xơ xác cả đời. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đánh giá về Thạch Quỳ, cũng chỉ ngắn gọn rằng: Con người Thạch Quỳ và tác phẩm Thạch Quỳ là một thể thống nhất: Lầm lũi, chân thành và sắc sảo!
 
Thơ Thạch Quỳ gồm nhiều mảng, nhiều đề tài và cũng nhiều cách thể hiện, rất đa dạng và rất phong phú. Chủ đề nào ông cũng gắng tìm tòi cho mình một lối đi riêng và tất cả những chủ thể trong thơ Thạch Quỳ đều rất thật, không trang sức, tô vẽ. Đặc biệt, ông được coi là “truyền nhân” của các bậc đàn anh như Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Trần Đăng Khoa… khi là nhà thơ thứ thiệt của làng quê. Hãy xem ông tả con cá tràu theo cách gọi của người Nghệ: “Nước trong veo, con cá quả no mồi/ Lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa/ Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ/ Nổi mắt tròn, ngơ ngác nhận ra tôi”. Hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà người nông dân xứ Nghệ nào cũng có thể bắt gặp trong công việc thường ngày, nhưng để nói ra được như vậy, hẳn chỉ có mỗi Thạch Quỳ.
 
Nhà thơ “đá trên núi Quỳ” cũng là văn nghệ sĩ được gán với những biệt danh là gàn, là dở, là “khác người”. Ông cũng là trường hợp hiếm hoi khi chỉ gắn bó gần như cả đời mình bên dòng Lam giang thơ mộng mà vẫn thành danh. Chứ không như nhiều văn nghệ sĩ xứ Nghệ khác, vốn nổi tiếng nhưng chủ yếu thành danh lập nghiệp nơi đất khách quê người. Chia sẻ về “công trình thế kỷ” kịp ra mắt trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay, nhà thơ Thạch Quỳ cho biết: Đó là tấm lòng, là tâm huyết của anh chị em văn nghệ sĩ xứ Nghệ nói riêng và anh em văn đàn thi nhân Việt Nam nói chung, đã động viên, khích lệ để ông mạnh dạn cho xuất bản công trình có tầm vóc lớn nhất trong cuộc đời sáng tác của ông từ trước đến nay. 
 
Với hơn 400 trang, “Tuyển tập thơ Thạch Quỳ” là công trình tập hợp tất thảy những gì tinh túy nhất trong cuộc đời và sự nghiệp thi ca của “ông đồ gàn xứ Nghệ”, một con người thơ luôn mẫn cảm nhưng vẫn luôn sống trọn vẹn với thơ, với sự tự tin và niềm tự trọng không dễ gì hoán đổi: “Ta bát ngát thôn quê, từ làng đến phố/ Và sống ở ngôi nhà không cửa sổ/ Bốn tường kia cửa bít kín mất rồi/ Lối đi về ta mở. Tự ta thôi!”.

 

.

Thiên Thảo

.