Văn hóa - Giáo dục
Nét đẹp văn hóa của người Việt
(Congannghean.vn)-Theo sử sách ghi lại, tục khai bút và xin chữ đầu xuân xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII và gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An - một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học.
Người dân xếp hàng xin chữ đầu năm tại chùa Đại Tuệ |
Ngày xưa, lễ khai bút được thực hiện sau Giao thừa. Ở vào thời khắc đầu tiên đón chào năm mới, những thầy đồ, học sĩ đốt lư trầm bên bàn viết, cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên. Ngày nay, tục khai bút đầu xuân đã có nhiều thay đổi. Từ những học sinh, văn sĩ, người làm nghề viết lách đến những người nông dân… phong tục này vẫn được coi trọng, bởi người Việt quan niệm rằng, cây bút là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Khai bút để gửi gắm một sự may mắn, thành công trong năm mới.
Đã tròn 10 năm, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu vẫn duy trì được Lễ khai bút đầu xuân. Đây là địa phương đầu tiên của Nghệ An tổ chức tục khai bút này. Cứ vào mồng 2 Tết, con em trong xã lại tề tựu đông đủ về đình làng để được nghe các bậc cao niên kể về truyền thống khoa bảng, cùng nhau chia sẻ cảm xúc của mình về quê hương, con người xứ Nghệ. Khi tiếng trống vào hội cất lên, tại đây, sẽ chọn ra những học sinh “văn hay chữ tốt” tham gia khai bút bằng một đoạn văn, một bài thơ hay có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước. Những bài dự thi xuất sắc sẽ được trao thưởng và lưu giữ tại thư viện truyền thống của trường, xã và đọc trên loa phát thanh địa phương để con em làng Quỳnh luôn tự hào.
Năm học 2017 - 2018, xã Quỳnh Đôi có 8 học sinh giỏi tỉnh, 49 học sinh giỏi huyện và 40 em đỗ đại học. Đây là một thành tích thể hiện bề dày truyền thống hiếu học của xã, là địa phương có thành tích giáo dục xếp hàng đầu của huyện. Tham dự Lễ khai bút đầu xuân năm nay, có gần 100 học sinh tiêu biểu. Thông qua hoạt động này đã khơi dậy được truyền thống hiếu học của quê hương làng Quỳnh, đồng thời cũng thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của địa phương.
“Lấy trí tuệ làm sự nghiệp”, nhằm tôn vinh nét truyền thống tốt đẹp của người dân xứ Nghệ, cứ vào mồng 5 Tết, tại chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn lại diễn ra Lễ hội Khai bút đầu xuân. Lễ hội này thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương. Bất kỳ ai khi đến đây cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới, tự nhắc nhở bản thân để hướng đến những điều tốt đẹp nhất.
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Chủ trì chùa Đại Tuệ, thì “Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp, cũng là để nhắc nhở mình, nhắc nhở người, mong muốn và hy vọng… Tất cả đều hướng đến chân, thiện, mỹ, sức khỏe, bình an, ích nước lợi nhà, hướng thiện hạnh phúc và thành đạt”. Sau phần nghi lễ, các vị tăng ni cao tuổi và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tổ chức khai bút, khai ấn, phát lộc bút, phát ấn cho phật tử và du khách thập phương. Ngay tại khuôn viên của chùa, ban tổ chức cũng bố trí nhiều điểm viết chữ cho du khách.
Phát biểu tại buổi lễ khai bút đầu xuân 2019 tại chùa Đại Tuệ, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là hoạt động tôn vinh người tài, khuyến khích sự học, phát huy truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ. “Thông qua hoạt động này, người Việt Nam nói chung và người Nghệ An nói riêng sẽ không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để học tập và rèn luyện thành tài, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.
Phan Tuyết