Văn hóa - Giáo dục
Bạo lực học đường và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp
08:42, 16/02/2019 (GMT+7)
Tình trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục tuy có chiều hướng giảm nhưng còn diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự, buôn bán, sử dụng chất kích thích và tệ nạn xã hội có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma tuý, mại dâm, tệ nạn xã hội trong ngành Giáo dục.
Tình trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục tuy có chiều hướng giảm nhưng còn diễn biến phức tạp. Qua điều tra, khảo sát từ các địa phương, năm học 2018-2018, có trên 2.000 vụ học sinh tham gia đánh nhau và vi phạm pháp luật liên quan tới trên 5.000 đối tượng, chiếm khoảng 0,024% học sinh phổ thông. Đơn cử như vụ việc học sinh dùng hung khí đánh nhau dẫn đến tử vong tại Khánh Hoà; học sinh vô lễ với giáo viên, cá biệt có học sinh bóp cổ cô giáo tại Bến Tre, dùng dao đâm thầy giáo trọng thương tại Quảng Bình...
Ảnh minh họa |
Các vụ việc bạo lực học đường xảy ra thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của học sinh, nhà giáo, tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục trong nhà trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội và phương hại đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Các vụ việc bạo lực học đường xảy ra cho thấy trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiết kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc. Việc theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng của học sinh, sinh viên, đặc biệt là trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn; chưa thiết lập được mạng lưới kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng học sinh sinh viên.
Bên cạnh đó, theo đánh giá mới nhất của Bộ LĐTB&XH, hiện tượng các em học sinh, sinh viên tham gia mại dâm không nhiều (chỉ chiếm 2% trong số những vụ việc vi phạm tệ nạn mại dâm), nhưng vẫn là mối lo ngại cần quan tâm để có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Hiện nay, tệ nạn mại dâm đã có sự chuyển đổi hình thức và biến tướng vô cùng tinh vi, phức tạp, đa dạng và khó giám sát quản lý. Thời gian gần đây nhất, có một số nhóm đối tượng được coi là “có học và sang trọng”, đều có danh hiệu người mẫu, hoa hậu, trong đó có đối tượng là sinh viên tham gia đường dây bán dâm.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình hình tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp, nhiều loại ma tuý mới liên tục xuất hiện với những tên gọi mỹ miều như: Bùa lưỡi, trà sữa, nước vui, muối tắm, bánh lười..., đặc biệt nhiều loại ma tuý dưới dạng nấm, cây cỏ tự nhiên như: Lá khát, cỏ mỹ, nấm ma thuật... Theo các chuyên gia, nhiều loại ma tuý tổng hợp được sản xuất từ các loại thuốc dành cho động vật dẫn đến tác động nguy hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Theo khảo sát độ tuổi người sử dụng ma tuý có dấu hiệu ngày càng trẻ hoá, đặc biệt trong độ tuổi học sinh phổ thông có xu hướng tăng. Trong khi đó, vẫn có một bộ phận học sinh, sinh viên còn thờ ơ với những thông tin, kiến thức giúp phòng chống ma tuý.
Ngoài ra, tình trạng mua bán người có chiều hướng giảm, tuy nhiên diễn biến vẫn còn phức tạp, trong các vụ mua bán người có một số vụ là mua bán trẻ em, đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp; trong số các nạn nhân có đối tượng là học sinh, sinh viên.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với giáo dục đạo đức, lối sống
Ngành Giáo dục với số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước, vì thế làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật sẽ tác động tích cực đến không những đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên mà còn có tính lan toả đến gia đình, bạn bè và người thân. Do vậy, trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết liệt triển khai các giải pháp trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma tuý, mại dâm, tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo nguy cơ về HIV/ADIS đối với ma tuý, mại dâm và các biện pháp, kỹ năng phòng chống HIV/ADIS, ma tuý, mại dâm bằng nhiều hình thức, phương tiện phong phú, đa dạng, phù hợp, hiệu quả, chú trọng các biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục bằng công nghệ thông tin...
Đặc biệt là tăng cường lồng ghép, phối hợp có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn với những công tác khác. Tăng cường phối hợp với công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống văn hoá, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự tôn, thay đổi ý thức, hành vi phù hợp vị thế và môi trường cho người học.
Nguồn: Hoàng Anh/Chinhphu.vn