Văn hóa - Giáo dục

Đi lễ ngày Xuân

Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt

08:57, 20/02/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mỗi dịp Tết đến, xuân về, người người nô nức đi lễ chùa đầu năm. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của mỗi người dân Việt Nam. Nét đẹp truyền thống ấy được gìn giữ và phát huy, trở thành xu hướng du lịch ngày xuân…

Chùa Đại Tuệ thu hút du khách về vãn cảnh, dâng hương
Chùa Đại Tuệ thu hút du khách về vãn cảnh, dâng hương

Du lịch tâm linh là nét đẹp văn hóa của người Việt trong dịp Tết đến, xuân về. Những năm gần đây, khi nền kinh tế phát triển, người dân chọn đi du lịch để được nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời đáp ứng nhu cầu du ngoạn và tâm linh. Trong tiết trời đầu xuân, chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn mờ trong sương huyền ảo, tạo nên một không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Du khách thập phương đến với chùa Đại Tuệ không những được tham gia Lễ khai bút đầu xuân mà còn được hòa mình trong không khí sắc xuân bởi tràn ngập hoa đào rực rỡ khoe sắc ở Lễ hội hoa đào.

Bà Nguyễn Thị Thanh trú tại phường Trường Thi, TP Vinh chia sẻ: “Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày mồng 5 Tết, cả gia đình bà lên chùa Đại Tuệ để cầu cho mọi thành viên trong gia đình sức khỏe, bình an, đồng thời cũng là dịp để du xuân thưởng thức cảnh đẹp, nét thanh tịch chốn linh thiêng những ngày đầu năm mới”.

Những ngày đầu năm, hàng nghìn phật tử, du khách trong và ngoài tỉnh đã về chùa Cổ Am ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu vãn cảnh, dâng hương lễ Phật. Ngôi chùa cổ kính còn lưu giữ được những nét cổ xưa. Dịp Tết này, chùa được trang trí với nhiều công trình mang vẻ đẹp truyền thống, thu hút lượng lớn du khách về vãn cảnh.

Ngược miền đất Lường nổi tiếng với di tích lịch sử đền Quả Sơn vang danh trong dân gian “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”, du khách sẽ hòa mình trong không khí lễ hội được diễn ra từ ngày 19 - 20/1 (âm lịch).

Ông Tô Ngọc Tấn, Phó trưởng Ban quản lý đền Quả Sơn cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của du khách hành hương đầu năm, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất. Ban tổ chức đã hoàn chỉnh kế hoạch, kịch bản nội dung lễ hội; thành lập tiểu ban phục vụ lễ hội; phân công trách nhiệm cho các đội tham gia lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang trí cờ hồng, băng rôn, đèn lồng…, tạo không khí trang nghiêm, chào đón du khách thăm viếng, thưởng lãm. Bên cạnh đó, kiểm tra các thuyền rồng, đảm bảo cho hội đua thuyền trên sông diễn ra an toàn.

Ngoài ra, kiểm tra các bãi đỗ xe, định vị các ki-ốt giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương để thu hút khách du lịch; in ấn các tư liệu, tài liệu về đền Quả Sơn để quảng bá cho lễ hội, tạo nên sức lan tỏa. Là một thành viên của Ban tổ chức, Công an huyện Đô Lương phối hợp với Công an các xã Tràng Sơn, Bài Sơn đảm bảo ANTT, TTATGT cho du khách đến với lễ hội.

Bên cạnh đó, để thu hút du khách đến với Nghệ An vào đầu năm, Sở Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, đưa tin về du lịch Nghệ An, các lễ hội, các tuor du lịch nội tỉnh, ngoại tỉnh diễn ra trong dịp năm mới 2019; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng các chương trình du lịch lễ, Tết, đón xuân hấp dẫn với giá cả hợp lý, gắn với các lễ hội và văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ phương tiện và đội ngũ hướng dẫn viên đảm bảo chất lượng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch và nhân dân dịp lễ, Tết.

Theo thống kê của Sở Du lịch Nghệ An, năm nay, thời tiết thuận lợi cho các hoạt động thăm viếng, du lịch tâm linh, vui chơi, giải trí. Qua 9 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đón hơn 215.000 lượt khách tham quan du lịch; trong đó, khách có lưu trú đạt gần 60.000 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018; khách quốc tế đạt gần 2.100 lượt, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái về quê ăn Tết và khách du lịch đến từ các nước Pháp, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Đan Mạch, Úc, Maroc; doanh thu ước đạt 65 tỉ đồng.

Các điểm tham quan du lịch có lượng khách đông gồm: Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên đón 85.000 lượt khách, đền Ông Hoàng Mười đón 20.000 lượt khách, chùa Đại Tuệ đón 16.000 lượt khách, đền thờ Hoàng đế Quang Trung đón 11.700 lượt khách, Khu sinh thái Mường Thanh Safari đón 12.000 lượt khách. Đặc biệt, trong dịp Tết Kỷ Hợi, thời tiết nắng nóng nên tại TX Cửa Lò cũng thu hút 40.000 lượt khách. Nhìn chung, công tác ANTT được đảm bảo, các điểm du lịch, hoạt động đón tiếp khách đều an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Có thể nói, du lịch tâm linh là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Để phát huy nét đẹp văn hóa và để du khách đến với các lễ hội cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là người dân địa phương và khách du lịch.

Phan Tuyết

Các tin khác