Văn hóa - Giáo dục
Gặp 3 gương mặt đạt giải Nhất tại Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm 2019
10:18, 18/02/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tại Kỳ thi Học sinh giỏi (HSG) quốc gia năm 2019, Nghệ An có 90 em đạt giải, trong đó có 3 em giành giải Nhất. Với thành tích xuất sắc này, Đoàn học sinh Nghệ An vươn lên xếp thứ 2 toàn quốc, sau Hà Nội. Hiện, có 20 học sinh Nghệ An lọt vào vòng 2 chọn Đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế…
Tin tưởng rằng, với niềm đam mê và tài năng của mình, các em Trần Lê Hiệp, Nguyễn Xuân Quỳnh, Tôn Lương Bảo và các học sinh khác trong đội tuyển vòng 2 Đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt được thành tích cao trong học tập, góp phần tô thắm, làm rạng danh truyền thống hiếu học xứ Nghệ.
Nữ sinh chuyên Toán nhưng… đi thi môn Sinh học
Tiếp xúc với Nguyễn Xuân Quỳnh (lớp 12A1, Trường THPT chuyên ĐH Vinh), ấn tượng của chúng tôi là một cô bé giản dị, mộc mạc, hiền lành và khiêm tốn. Cho đến khi đi thi HSG quốc gia môn Sinh học thì Quỳnh vẫn là học sinh chuyên Toán.
Cô Hoàng Quỳnh Như, giáo viên dạy môn Sinh học cho biết, tuy học lớp chuyên Toán, song qua các bài kiểm tra và cách trình bày, cô Như thực sự bất ngờ về năng lực của cô học trò này về môn Sinh. Ở lớp, Quỳnh là học sinh ít nói, ít phát biểu nhưng có tư duy logic, nhanh nhạy và tiếp thu bài rất nhanh... Vì vậy, đến cuối học kỳ II lớp 10, Quỳnh được gợi ý sang đội tuyển Sinh học. Trước đề nghị này, em suy nghĩ rất nhiều bởi từ trước đến nay, Quỳnh chỉ theo học lớp chuyên Toán. Nay, chuyển sang Sinh học, Quỳnh phải nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần so với các bạn khác vì vừa phải tập trung ôn luyện môn Sinh học, vừa đảm bảo việc học ở lớp chuyên Toán. Khó khăn là vậy, song với ước mơ được làm bác sĩ từ nhỏ, cô học trò chuyên Toán đã quyết định chuyển sang đội tuyển Sinh. Tuy vào đội tuyển muộn hơn so với các bạn nhưng với ý chí, nỗ lực không mệt mỏi, Nguyễn Xuân Quỳnh vẫn đuổi kịp chương trình học các môn học khác trên lớp, vừa ôn tập tốt để dự thi HSG quốc gia. Năm lớp 11, Quỳnh tham gia Kỳ thi HSG quốc gia môn Sinh học, song em “trắng tay” do không tính toán cẩn thận ở phần thi lý thuyết nên đã dẫn đến sai sót, mất điểm. Điều này cũng gây áp lực cho Quỳnh ở phần thi thực hành sau đó. Rút kinh nghiệm ở thất bại này, Quỳnh tự xây dựng phương pháp học tập khoa học hơn, cẩn thận trong từng bước làm bài để không xảy ra sai sót nhỏ.
Với kết quả giải Nhất HSG quốc gia môn Sinh học và được vào vòng 2 Đội tuyển quốc gia, Quỳnh cho biết, em sẽ tiếp tục ôn luyện thật tốt để được chọn chính thức vào Đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Trường Đại học Y Hà Nội là ngôi trường mà Quỳnh sẽ đăng ký học để thỏa ước mơ trở thành bác sĩ.
Đam mê môn Địa lý vì tính ứng dụng vào thực tiễn
Đến bây giờ, Tôn Lương Bảo (lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) vẫn còn lâng lâng cảm xúc của niềm vui, niềm hạnh phúc khi biết tin mình đạt giải Nhất HSG quốc gia môn Địa lý. Những năm cấp 2, Bảo học khá tốt ở các môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, năm học lớp 9, Bảo được gọi vào đội tuyển thi HSG môn Địa lý của TP Vinh và xuất sắc đạt giải Nhì. Từ chỗ “thi để tăng thêm sự hiểu biết”, Bảo bị môn học này cuốn hút. Điều Bảo đặc biệt yêu thích ở môn học này là tính ứng dụng vào thực tiễn. Ví dụ như: Tại sao trời lại mưa, nắng? Tại sao các tỉnh ở các miền lại có khí hậu khác nhau? Hay như điều kiện tự nhiên, khí hậu đến đặc điểm kinh tế, xã hội trong nước, quốc tế như thế nào?… Kết thúc chương trình THCS, Bảo đăng ký thi và trúng tuyển vào lớp chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Em Tôn Lương Bảo (lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) |
Để trở thành 1 trong 10 bạn được chọn dự tuyển HSG quốc gia môn Địa lý, Bảo phải trải qua 2 vòng sơ tuyển và vượt qua 50 bạn khác. Khi chính thức được ở trong đội tuyển, Bảo chỉ còn gần 3 tháng để ôn tập kiến thức. Phương pháp học chủ yếu của Bảo đó là, trước hết phải học kỹ các kiến thức trong sách giáo khoa, sau đó mới học thêm kiến thức trong các sách tham khảo và lên mạng tìm các bộ đề để giải, vừa ôn lại kiến thức vừa luyện được cách làm đề. “Nhiều người cho rằng, môn Địa lý hay các môn khác thuộc Khoa học xã hội như Văn, Lịch sử sẽ chỉ cần học thuộc là được. Tuy nhiên, để ghi nhớ kiến thức được lâu thì cần phải có phương pháp học khoa học, logic như lập sơ đồ tư duy để học, đặc biệt là môn Địa lý. Đây là bộ môn thuộc cả tự nhiên lẫn xã hội. Trong đó, có một số kiến thức của Toán, Vật lý, phân tích, đánh giá số liệu một cách khoa học, chính xác”, Tôn Lương Bảo cho biết.
Chia sẻ về bí quyết làm bài thi thật tốt, Bảo cho biết: Trước tiên là phải thật sự bình tĩnh đọc kỹ đề và gạch nhanh ý ra giấy nháp. Bên cạnh đó, trong quá trình làm bài phải kiểm soát được thời gian để không bị quá sa đà vào câu này mà không kịp thời gian làm câu khác.
Thành công đến từ niềm đam mê, ý thức tự học
Trần Lê Hiệp (lớp 12A3, Trường THPT chuyên ĐH Vinh) sinh ra trong một gia đình có mẹ công tác trong ngành Giáo dục. Ngay từ lớp 2, Hiệp đã được tiếp xúc với máy tính, song em thường sử dụng phần lớn quỹ thời gian cho giải trí. Thế nhưng, những năm cuối cấp 1, với ước mong thi đỗ vào Trường THCS Lý Nhật Quang - ngôi trường mẹ đang giảng dạy nên Hiệp đã xốc lại tinh thần, tập trung vào học tập. Càng học, Hiệp càng bị cuốn vào các bài lập trình trên máy tính mà theo em “có nhiều thú vị”. Thi đỗ vào Trường THCS Lý Nhật Quang - ngôi trường có bề dày truyền thống ươm mầm các tài năng nhí, Hiệp lại có điều kiện để phát triển niềm đam mê của mình và đạt giải Khuyến khích cuộc thi Tin học trẻ vào lớp 8 và lớp 9.
Lên THPT, Hiệp quyết định chọn Trường THPT chuyên ĐH Vinh để theo học chuyên Tin. Thông minh, sáng tạo và chăm chỉ, ngay từ lớp 10, Hiệp đã được các thầy cô chọn vào Đội tuyển thi HSG quốc gia. Không phụ sự kỳ vọng của các thầy cô và gia đình, năm lớp 10 và lớp 11, Hiệp liên tiếp đạt giải Ba và giải Nhì môn Tin học tại Kỳ thi HSG quốc gia. Đặc biệt, năm nay, cậu học trò này đã có sự bứt phá vượt trội khi mang về cho nhà trường thành tích xuất sắc là giải Nhất môn Tin học tại cuộc thi này.
Em Trần Lê Hiệp cùng thầy Nguyễn Đức Toàn - người trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng em ở Đội tuyển |
Với Hiệp, Tin học là một bộ môn đặc thù, đòi hỏi sự chính xác cao vì chỉ cần “sai 1 ly đi một dặm”, không chỉ phải học giỏi Toán mà còn phải có sự đam mê, yêu thích lập trình trên máy tính thực sự và ý thức tự học rất cao. “Nếu nói máy tính là cầu nối để em đến với Tin học thì thầy giáo Nguyễn Đức Toàn - giáo viên giảng dạy bộ môn Toán - Tin chính là người thầy, người cha, người bạn đồng hành, tận tâm, tận tình tiếp “lửa” cho em về sự tự tin, trao truyền kiến thức, kỹ năng về bộ môn này”, Trần Lê Hiệp chia sẻ. Ngoài những giờ học căng thẳng với các con số, lập trình trên máy tính, Hiệp còn là một thành viên năng nổ của đội tuyển bóng đá do trường, lớp tổ chức.
Thầy Nguyễn Đức Toàn, người theo sát Trần Lê Hiệp trong suốt 3 năm và cũng là giáo viên bồi dưỡng chính của Đội tuyển Tin học không giấu niềm vui, sự tự hào khi nói về cậu học trò của mình: “Hiệp là một học sinh ngoan, chăm học, chịu khó, ý thức tự học rất cao và có niềm đam mê với môn Tin học. Ở em luôn có sự khát khao vươn lên và luôn tràn trề năng lượng”. Đối với thầy Toàn, kết quả trên hoàn toàn xứng đáng với sự vươn lên, học hỏi không ngừng của Hiệp.
Chia sẻ thêm về quá trình bồi dưỡng đội tuyển, thầy Toàn bộc bạch: Bản thân tôi và các thầy cô khác trong tổ bồi dưỡng đều gắn bó với các em từ khi mới chập chững bước vào trường. Chúng tôi chú trọng khơi dậy đam mê, nhiệt huyết, tạo sự hứng thú đối với môn học ở các em; từ đó, phát hiện được tố chất ở mỗi em và định hướng con đường phù hợp để các em tập trung ôn tập, chiếm lĩnh tri thức.
THU THỦY