(Congannghean.vn)-Dân gian xưa có câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hay “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”… Và không biết từ bao giờ, hình ảnh người thầy, người cô được ví với hình ảnh người lái đò thầm lặng đưa từng chuyến đò sang sông, đến với bến bờ tri thức, nâng bước bao thế hệ học trò nên người.
Sở Giáo dục và Đào tạo thăm, động viên và tặng quà cho cán bộ, giáo viên đang điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh |
Năm nào cũng vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh và các bậc phụ huynh được bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc tới thầy, cô giáo - những “người lái đò” đang ngày đêm tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp trồng người. Từ xưa, cha ông ta đã dạy con cháu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), “Không thầy đố mày làm nên”… Người thầy, người cô luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo nói riêng và trong sự phát triển của xã hội nói chung. Vì lẽ đó, xã hội luôn đặt niềm tin vào những người thầy, người cô trong vai trò “dạy chữ, dạy người” và “tôn sư trọng đạo” luôn được khắc sâu trong suy nghĩ, hành động của mỗi người dân Việt Nam.
Nhiều tấm gương thầy, cô giáo khắp mọi miền đất nước không chỉ đảm nhận công việc truyền kiến thức trên bục giảng, mà còn là những người cha, người mẹ dìu dắt, động viên, trang bị kiến thức, rèn luyện nhân cách, đạo đức, định hướng cho các thế hệ học trò để mai sau là người có ích cho quê hương, đất nước.
Trong những ngày này, ở các trường học khắp các huyện, thành, thị trong tỉnh đang rộn ràng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tại các huyện miền Tây xứ Nghệ, ngày 20/11 ở các trường, điểm trường vùng cao thật xúc động và ý nghĩa. Món quà mà các thầy, cô “cắm bản” nhận được là bắp hoa chuối rừng, những bó cải ngồng, những lon gạo nếp hay đơn giản là những cành hoa dại hái dọc đường… Đó là tất cả tình cảm, sự trân trọng và tri ân mộc mạc, chân thành nhất mà phụ huynh, các em học sinh dân tộc thiểu số dành tặng thầy cô - những người mà dân bản xem như con. Còn tại các trường học ở miền xuôi đang sôi nổi với các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao cùng những bó hoa tươi thắm… dành tri ân các thầy, cô giáo và chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Không chỉ đón nhận tình cảm từ phụ huynh, học sinh mà các thầy, cô giáo còn nhận được sự quan tâm từ các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và từ ngành Giáo dục. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, mỗi địa phương đều tổ chức các hoạt động tri ân các thầy, cô giáo như tổ chức tọa đàm, thăm hỏi, động viên, trao quà cho các thầy, cô có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật... Đặc biệt, thông qua các buổi tọa đàm, các cựu giáo chức nay có dịp gặp lại nhau, cùng nhau ôn lại truyền thống; đồng thời, cũng trong dịp này, tri ân và khuyến khích những “người lái đò” tận tụy đã nghỉ hưu thêm động lực để tiếp tục cống hiến, vun đắp cho sự nghiệp trồng người bằng những việc làm thiết thực tại địa phương như: Tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, tổ chức dạy học miễn phí cho học sinh nghèo…
Cũng nhân dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa tri ân thầy, cô giáo, các cựu giáo chức như: Thăm, động viên và trao các suất quà cho 158 cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục đang điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viên Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viên Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Ung bướu…
Những lời ca, tiếng hát, những bó hoa tươi thắm, những điểm 10 của sự cố gắng vươn lên trong học tập… tặng thầy cô, tình cảm tri ân của các bậc phụ huynh, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp là niềm hạnh phúc, là động lực để những “người lái đò” tiếp tục tận tụy, vững tâm, nhiệt huyết với nghề, với trò và thắp sáng bao ước mơ cho các em học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước… Và, để đền đáp công lao của thầy cô, những nỗ lực của hiện tại, sự thành công trong tương lai và có một phẩm chất đạo đức, một nhân cách trong sáng, học vấn sâu rộng, là món quà tuyệt vời nhất mà mỗi người học trò dành tặng cho những “người lái đò” nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.