(Congannghean.vn)-Được xem là lễ hội sớm nhất của Nghệ An, có giá trị lịch sử kết hợp hài hòa của nhiều loại hình văn hoá khác nhau bắt nguồn từ dân gian, mới đây, lễ hội đền Quả Sơn vinh dự được Bộ Văn hoá, Thông tin và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Hàng năm, lễ hội đền Quả Sơn thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về |
Trong dân gian xứ Nghệ vẫn thường truyền tụng câu ca: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”, hàm ý ca ngợi 4 ngôi đền có quy mô to lớn và nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ. Lễ hội gắn liền với ngôi đền Quả Sơn tọa lạc tại xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương. Di tích đền Quả Sơn không chỉ nổi tiếng bởi giá trị nghệ thuật, quy mô to lớn và linh thiêng mà còn bởi đây là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, người có nhiều công lao xây dựng quê hương xứ Nghệ, mở mang, bảo vệ bờ cõi cho Quốc gia quân chủ Đại Việt dưới triều đại nhà Lý. Trải qua thời gian, thiên tai, chiến tranh, đền Quả Sơn vẫn giữ được những nét cổ kính, trang nghiêm với nhiều hạng mục. Năm 1998, đền Quả Sơn được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Ngày nay, các hoạt động văn hóa trong lễ hội mặc dù có nhiều thay đổi cho phù hợp với xu thế thời đại, song hình thức diễn trình thì vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và tương đối đặc sắc. Lễ hội đền Quả Sơn vừa là nghi lễ tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đạo đức truyền thống của dân tộc, trên cơ sở đó, thể hiện tinh thần thượng võ và nếp sống đẹp, lành mạnh của nền văn hóa mang đậm tính dân gian truyền thống.
Lễ hội đền Quả Sơn được tổ chức vào 2 ngày 19 và 20 tháng Giêng âm lịch. Phần Lễ bao gồm: Lễ xin khai hội, lễ mộc dục, xuất thuyền, rước thần, tạ ơn…; phần Hội với các chương trình văn nghệ do các CLB Dân ca ví, giặm biểu diễn, đêm hoa đăng trên dòng sông Lam cùng với các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, đánh cờ…
Tại các nghi thức, nghi lễ diễn ra trong lễ hội thể hiện lòng biết ơn đối với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, đồng thời tái hiện lại lịch sử oai hùng của dân tộc, diễn biến của lễ hội xưa đầy tự hào của cha ông ngày trước. Bên cạnh giá trị lịch sử, lễ hội đền Quả Sơn còn kết hợp hài hòa nhiều loại hình văn hóa khác nhau, bắt nguồn từ dân gian. Các hoạt động mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh, các hình thức tưởng niệm cũng như những sinh hoạt văn hóa tinh thần diễn ra trong lễ hội hàng năm đã phần nào phản ánh phong tục tập quán, truyền thống trọng đạo nghĩa của người dân xứ Nghệ. Đây cũng là dịp để kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ được bộc lộ rõ nét tính đa dạng, phong phú về thể loại, với nội dung lành mạnh, chất phác, hồn hậu nhưng không giảm đi tinh thần thượng võ của 1 địa phương nằm bên bờ sông Lam.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ Văn hóa xã Bồi Sơn cho biết: Hàng năm, lễ hội đền Quả Sơn thu hút rất nhiều du khách thập phương tìm về, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên. Thông qua lễ hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần tự hào dân tộc, giáo dục ý thức bảo vệ những giá trị lịch sử to lớn của cha ông trước đây đã gìn giữ. Có thể thấy, lễ hội đền Quả Sơn góp phần không nhỏ trong việc cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, dân tộc…
Lễ hội đền Quả Sơn đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ. Để bảo tồn và phát huy những yếu tố bản sắc của lễ hội, để giá trị nhân văn của lễ hội lan tỏa, thấm đẫm trong cộng đồng, cần có những biện pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa cũng như nguyện vọng của người dân. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, giá trị của lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Chủ thể của lễ hội không ai khác chính là nhân dân. Bên cạnh trách nhiệm, vai trò quản lý của các cấp, ban, ngành là ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo trong lễ hội của mỗi người dân…