Văn hóa - Giáo dục

Nhiều trường đại học, cao đẳng ở Nghệ An thấp thỏm đón đợi sinh viên

15:15, 21/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ ngày 7 - 12/8, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên địa bàn Nghệ An đã kết thúc xét tuyển đợt 1. Mùa tuyển sinh năm nay có nhiều ngành, trong đó có ngành sư phạm, dù điểm chuẩn cao hay thấp cũng đều rơi vào tình cảnh “trắng” hồ sơ nộp vào.

Ngành sư phạm vẫn vắng sinh viên

Giống như những năm gần đây, năm 2018, tuyển sinh vào các trường sư phạm đang là “điểm nóng”. Còn nhớ, mùa tuyển sinh năm 2017, rất nhiều trường sư phạm hạ điểm chuẩn ở mức 10 điểm/3 môn, nhưng thí sinh vẫn không mặn mà, thậm chí có trường không tuyển được sinh viên nào cho một số ngành. Trường ĐH tuyển sinh “èo uột”, các trường CĐ sư phạm ở địa phương càng lâm vào thế khó hơn.

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Vinh
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Vinh

Năm 2018, để giữ vững chất lượng giáo dục, nhất là ngành sư phạm của các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT đã quy định mức điểm sàn riêng. Theo đó, thí sinh đăng ký vào các trường ĐH sư phạm phải đạt từ 17 điểm, CĐ sư phạm từ 15 điểm trở lên. Năm nay, Bộ cũng cắt giảm mạnh chỉ tiêu của khối ngành này. Tuy nhiên, nhiều trường sư phạm vẫn không tuyển được sinh viên. Trong những ngày vừa qua, thông tin Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai nâng điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn lên 23 điểm để “đánh” trượt 1 thí sinh duy nhất trúng tuyển vì không đủ giảng viên, cơ sở vật chất để mở ngành chỉ đào tạo 1 sinh viên, đang nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh và phụ huynh.

Tại Nghệ An, năm nay, Trường ĐH Vinh có 5.250 chỉ tiêu. Mặc dù Trường thực hiện đồng thời 2 phương thức xét tuyển là xét tuyển theo điểm của Kỳ thi THPT Quốc gia và xét học bạ (30% chỉ tiêu) nhưng cũng chỉ kỳ vọng tuyển được khoảng 70% - 80% chỉ tiêu.

Theo kết quả điểm chuẩn điểm trúng tuyển ĐH hệ chính quy đợt 1 vừa công bố thì trong số 51 ngành đào tạo của Trường, ngành Sư phạm có điểm chuẩn ở mức cao với 20 điểm (Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý và Sư phạm Sinh học), Sư phạm Toán lấy 19 điểm, các ngành sư phạm còn lại lấy bằng mức điểm sàn là 17 điểm. Mặc dù mỗi ngành sư phạm chỉ tuyển khoảng 20 chỉ tiêu, tuy nhiên để các ngành sư phạm tuyển đủ chỉ tiêu, Trường đang gặp khó khăn. Sơ kết xét tuyển đợt 1, một số ngành sư phạm đã tuyển đủ chỉ tiêu, song một số ngành như: Sư phạm Toán, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Địa lý vẫn còn “trắng” chỉ tiêu.

Trên trang web của nhà trường, về chỉ tiêu và ngưỡng điểm xét tuyển đợt 2 (từ ngày 13 - 27/8), vẫn giữ nguyên như đợt 1. Đơn cử như ngành Sư phạm Toán, mặc dù lấy điểm chuẩn khá cao (19 điểm) với mục đích chính là để nâng cao chất lượng đầu vào, song để tuyển đủ chỉ tiêu 20 sinh viên/ngành vẫn còn khó. Theo lãnh đạo Trường ĐH Vinh, nếu trong trường hợp các ngành sư phạm không đủ chỉ tiêu, có thể mỗi khoa chỉ có 10 sinh viên, Trường vẫn duy trì ngành.

Còn Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, năm nay Bộ GD&ĐT giao 200 chỉ tiêu cho các ngành Sư phạm Mầm non, Sư phạm Tiểu học, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Toán học, Sư phạm Văn học và Sư phạm Sinh học. Trong đó, có đến 160 chỉ tiêu dành cho Sư phạm Mầm non - ngành đã có uy tín của Trường. Trường xét tuyển theo 2 hình thức dựa vào điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ của thí sinh. Theo danh sách trúng tuyển đợt 1, Trường đã tuyển được 127/200 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Sư phạm Mầm non 90 sinh viên, Sư phạm Tiểu học 34 sinh viên và Sư phạm tiếng Anh chỉ có 3 sinh viên. Tuy nhiên, 3 ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Văn học và Sư phạm Sinh học có điểm trúng tuyển 20 điểm, hiện chưa tuyển được thí sinh nào. Được biết, trong mùa tuyển sinh năm 2017, Trường CĐ Sư phạm Nghệ An cũng không tuyển sinh được sinh viên nào cho 3 ngành này.

Ông Trần Anh Tư, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Nghệ An cho biết: “Theo dự thảo Luật Giáo dục Đại học đang chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội, giáo viên bậc THCS ra trường phải có trình độ đại học. Các em e ngại đến năm 2021 ra trường, luật mới đã được áp dụng, do đó bằng cấp không đáp ứng yêu cầu”.

Một số ngành gặp khó trong tuyển sinh

Trước tình trạng nói trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng: “Việc cải cách các ngành sư phạm đã được thực hiện từ mấy năm nay, với nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, năm nay, Bộ quyết định giao chỉ tiêu, quy định mức điểm sàn khá cao cho ngành này. Đây là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong quá trình đổi mới nhất định sẽ có những xáo trộn, nếu nhìn vào hiện tượng thì nói không bình thường, nhưng nó chỉ xảy ra ở số ít các trường… Trên thực tế, những trường sư phạm top trên vẫn đang tuyển sinh tốt, có lượng thí sinh đạt điểm cao vào trường. Còn những trường sư phạm nằm ở vị trí thấp hơn gặp khó khăn nên các trường sẽ phải thay đổi chức năng, cơ cấu để thích ứng tốt hơn so với nhu cầu của xã hội... Hiện, Bộ đang thống kê số lượng những trường, những ngành chưa tuyển được sinh viên hay gặp khó khăn trong việc tuyển sinh để có những giải pháp phù hợp đối với toàn hệ thống”.

Mặc dù năm nay, điểm chuẩn hạ từ 3 - 4 điểm nhưng các trường ĐH, CĐ khác cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu cho một số ngành. Tại Trường ĐH Y khoa Vinh, một số ngành như Cử nhân Y tế công cộng và Cao đẳng Hộ sinh, việc tuyển sinh khá chật vật vì hồ sơ nộp vào không nhiều. Còn Trường ĐH Kinh tế Nghệ An, 2 ngành Lâm nghiệp và Trồng trọt nhiều năm không tuyển sinh được vì không có thí sinh đăng ký. Một số ngành kinh tế như kế toán, quản trị kinh doanh mỗi năm thường chỉ tuyển được 1 lớp.

Do việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, năm nay, các trường ĐH đều có chính sách ưu tiên như: Trường ĐH Vinh ngoài miễn học phí 100% một số ngành cho thí sinh các huyện vùng núi cao: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu... thì Trường còn cấp học bổng học kỳ đầu tiên cho thí sinh đạt từ 21 điểm trở lên và cấp học bổng cả năm học cho những thí sinh đạt 24 điểm trở lên; Trường ĐH Kinh tế Nghệ An giảm từ 50 - 100% học phí cho những thí sinh từ 18 điểm trở lên (đã cộng điểm ưu tiên)... Hiện, nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh tiếp tục thông báo tuyển sinh bổ sung chỉ tiêu cho các ngành đang “trắng” và thiếu chỉ tiêu với hy vọng sẽ có thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ để trường có thể đảm bảo hoạt động dạy và học.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vấn đề ngành sư phạm lâm vào cảnh không tuyển được sinh viên là “bài toán” khó cho ngành giáo dục. Song, dù khó đến đâu cũng phải tìm được lời giải để tránh tình trạng nay thừa, mai thiếu giáo viên, môn này dôi dư, môn kia lại khan hiếm. Nếu nhiều năm trường không thể tuyển sinh được ngành nào thì Bộ GD&ĐT không nên giao chỉ tiêu năm sau của ngành đó. Trong trường hợp các ngành tuyển sinh quá ít, không đủ chỉ tiêu, cần tính đến việc liên kết, gửi đào tạo đến các trường khác. Nếu tình trạng này kéo dài thì Bộ nên đề xuất hợp nhất các trường lại, tránh hoạt động manh mún, thiếu hiệu quả như hiện nay.

Thu Thủy

Các tin khác