Văn hóa - Giáo dục

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018)

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và đạo đức cách mạng

10:10, 21/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về người bạn chiến đấu thân thiết của mình rằng: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Bác Hồ thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn (Ảnh tư liệu)

Ngày này cách đây 130 năm, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cất tiếng khóc chào đời (20/8/1888 - 20/8/2018) tại làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thời thơ ấu, Tôn Đức Thắng được gia đình cho học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Truyền thống quê hương và những tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực… đã in sâu trong tâm hồn Tôn Đức Thắng, thắp lên trong lòng cậu học trò những dự định lớn lao.

Vốn thông minh, có tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, đồng chí Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Nhận ra sức mạnh và những bất công mà giai cấp công nhân phải chịu đựng càng giúp đồng chí thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng, khát vọng làm những việc hữu ích cho đất nước, dân tộc và giai cấp công nhân.

Khi chưa có ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin soi đường, đứng trên lập trường của một người yêu nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm tham gia các cuộc bãi công, bãi khóa của công nhân xưởng Ba Son và học sinh Trường Bá Nghệ. Ở vào tuổi thanh niên, với tấm lòng yêu nước thương dân, căm thù bọn đế quốc xâm lược, đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm bộc lộ lòng yêu thương những con người bất hạnh, cùng khổ. 20 năm khổ sai tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, thương những đồng chí anh em cùng cảnh ngộ. Ở những cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tôn Đức Thắng hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không màng danh lợi cho bản thân. Ngày 2/9/1969, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Sinh thời, Người lãnh đạo lỗi lạc được nhân dân yêu mến kính trọng gọi là Bác Tôn. Theo ông Lê Hữu Lập, thư ký riêng cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bác Tôn giống với Bác Hồ ở chỗ luôn sống giản dị, không xa mức sống của dân thường. Bác Tôn hơn Bác Hồ 2 tuổi nhưng vẫn gọi Bác Hồ là Bác. Còn Bác Hồ vẫn gọi người chiến hữu gần gũi với mình là Bác Tôn. Họ đã coi nhau như những người bạn khi cả hai còn chưa gặp nhau. Chẳng dễ để lý giải cho duyên cớ nào làm nên tình bạn hiếm có ấy: Một sự nghiệp cách mạng cùng chí hướng, những tình cảm đặc biệt tự thân và cả sự tâm đầu ý hợp đến tương đồng trong quan niệm sống.

Năm 1958, nhân dịp chúc mừng Chủ tịch Tôn Đức Thắng 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Hơn 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước; được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương đại đoàn kết cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội "Ba sẵn sàng" toàn miền Bắc - Ảnh tư liệu

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Người, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng chí - một chiến sỹ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây cũng là dịp để chúng ta học tập, làm theo đồng chí Tôn Đức Thắng - một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Phan Tuyết

Các tin khác