Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201808/nguyen-duy-trinh-nha-cach-mang-tien-boi-nguoi-con-uu-tu-cua-que-huong-dong-ho-809934/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201808/nguyen-duy-trinh-nha-cach-mang-tien-boi-nguoi-con-uu-tu-cua-que-huong-dong-ho-809934/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nguyễn Duy Trinh - Nhà cách mạng tiền bối, người con ưu tú của quê hương, dòng họ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 19/08/2018, 08:31 [GMT+7]

Nguyễn Duy Trinh - Nhà cách mạng tiền bối, người con ưu tú của quê hương, dòng họ

(Congannghean.vn)-Nguyễn Duy Trinh (tên thật là Nguyễn Đình Biền) sinh ngày 15/10/1910, trong 1 dòng họ có truyền thống trung quân ái quốc tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá xưa; nay là xóm 12, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, thuộc hậu duệ đời thứ 15 của Thủy tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Ông là con trưởng của Cụ cử nhân Nguyễn Đình Tiếp được triều đình bổ nhiệm làm quan tham biện tại tỉnh Hà Tĩnh.

Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại xóm 12, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc
Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại xóm 12, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc

Lúc nhỏ, Nguyễn Đình Biền được cha kèm cặp và theo học quốc ngữ ở Trường Đặng Xá, vốn thông minh sáng dạ, giỏi cả Hán văn và Pháp ngữ, 12 tuổi học tại Trường Quốc học Vinh, được tiếp xúc với nhiều bạn bè đồng môn có chí hướng cách mạng nên sớm tham gia phong trào học sinh chống áp bức của đế quốc phong kiến, đòi tự do hoạt động chính trị ở TP Vinh. Năm 1927, khi vừa tròn 17 tuổi, đồng chí gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng (1 trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), được phân công hoạt động tại Sài Gòn. Để tránh sự truy lùng của mật thám, đồng chí đổi tên thành Nguyễn Duy Trinh. Năm 1928, đồng chí bị Pháp bắt, kết án 18 tháng tù giam. Đầu năm 1930, đồng chí ra tù, trở về quê gây dựng cơ sở bí mật.

Tháng 8/1930, tại làng Cổ Đan (nay thuộc xóm 12, xã Phúc Thọ), đồng chí đứng ra thành lập Chi bộ Đảng Cổ Đan gồm 10 đảng viên, trong đó có 7 người thuộc con em dòng họ Nguyễn Đình. Đồng chí làm Bí thư Chi bộ và Nhà thờ dòng họ Nguyễn Đình tại xóm 12, xã Phúc Thọ là nơi Chi bộ tổ chức các cuộc họp bí mật trong những năm 30 của thế kỷ XX. Đầu năm 1931, đồng chí làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc. Trong thời gian phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh bị địch khủng bố trắng, do có chỉ điểm nên đầu năm 1932, đồng chí bị địch bắt và bị tòa án thực dân Pháp kết án 13 năm tù khổ sai, bị đày qua nhiều nhà tù khét tiếng của thực dân như: Nhà lao Vinh, Buôn Ma Thuật, ngục Kon Tum, khám Chí Hòa và “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Tháng 5/1945, đồng chí ra tù và được phân công tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền ở Nghệ An và Huế. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí là người lãnh đạo phong trào Liên khu V, là Bí thư Liên khu ủy V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vào tháng 3/1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; năm 1955 được bầu vào Ban Bí thư; năm 1956 được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; năm 1958 được bầu vào Thường trực Ban Bí thư Trung ương trực tiếp giúp việc cho Bác Hồ (sau cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh thôi giữ chức Bí thư). Năm 1960 được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Tháng 4/1965, trước yêu cầu mới của cách mạng mở mặt trận ngoại giao “Vừa đánh - vừa đàm”, đây là thời kỳ cam go nhất khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam đánh phá miền Bắc, là thời kỳ cuộc đấu tranh diễn ra trên cả 3 mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao. Với kiến thức uyên bác, điềm đạm, chín chắn, bản lĩnh, quyết đoán và giỏi nhiều ngoại ngữ, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị yêu cầu kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao gồm: Ngoại giao của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Sau gần 5 năm đấu trí và bản lĩnh, ngày 27/1/1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Hiệp định Pari, buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Đất nước thống nhất, đồng chí thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham dự lễ kéo cờ tại Trụ sở Liên hợp Quốc vào tháng 7/1977, tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu.

Đầu những năm 80, sức khỏe ngày càng giảm sút, bệnh tật hành hạ (do di chứng 15 năm bị giam cầm, tra tấn dã man của kẻ thù), đồng chí vẫn đảm nhận chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực đổi mới của Trung ương và đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cải cách mở cửa, đổi mới kinh tế của Đảng.

Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 20/4/1985 tại Hà Nội. Với 75 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, 35 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951 - 1985) và 26 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng (1956 - 1982), hơn 20 năm làm Phó Thủ tướng (1960 - 1982) và 17 năm kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Bộ Chính trị giao phó nhiều trọng trách; văn võ song toàn, giỏi cả trên 2 phương diện chính trị và kinh tế, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được Đảng và Nhà nước xây dựng khu tưởng niệm tại quê nhà để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí; đồng thời đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

.

Ngọc Cương

.