Văn hóa - Giáo dục
Làng vàng mã hốt bạc trong 'tháng cô hồn'
Trước kia chủ yếu người dân mua ngựa, tiền vàng về đốt thì nay được thay thế bằng nhà biệt thự, xe hơi, sổ đỏ, thậm chí cả “chân dài”. Chính vì thế, tại các làng nghề làm vàng mã, tháng 7 là thời điểm hốt bạc của họ. Nhiều người ở làng nghề vàng mã nói với nhau rằng: "Cả năm chỉ cần làm 1 tháng cô hồn cũng đủ ăn tiêu cả năm".
Làm 1 tháng đủ ăn tiêu cả năm
Với nhiều ngành nghề, nhiều người thì tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) hằng năm mang lại nhiều điều không may mắn, làm ăn không thuận lợi. Thế nhưng, với người dân ở làng làm vàng mã lại là thời điểm làm ăn thuận lợi nhất, thậm chí chỉ cần làm một tháng cũng đủ tiêu cho cả năm.
Mặt hàng vàng mã ngày càng đa dạng về mẫu mã. |
Chúng tôi đến xã Văn Hội và Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) được mệnh danh "siêu thị của người đường âm" đúng vào tháng 7 âm lịch. Sở dĩ người ta gọi như vậy là vì ở đây cả làng đều sản xuất hàng mã, đồ dùng cho "người đường âm".
Vào những ngày này, ở đây đông như mở hội, xe lớn xe nhỏ ra vào tấp nập, người lớn trẻ nhỏ căng mình cho những đơn hàng đã đặt. Từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng chất đầy nguyên liệu, các hình nộm như: hình nhân, ngựa, voi, ôtô, nhà cửa… bằng tre để sản xuất vàng mã. Bận rộn là thế nhưng ai nấy cũng mang một vẻ hứng khởi, bởi đây chính là mùa làm ăn lớn nhất năm của họ.
Ông Thăng, chủ một cơ sở chuyên kinh doanh các mặt hàng liên quan đến vàng mã tại xã Văn Bình chia sẻ: "Tôi cũng biết là mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có khuyên hạn chế đốt vàng mã. Điều này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến việc sản xuất của bà con ở đây.
Có lẽ vì thói tục đốt vàng mã đã có từ rất lâu đời, ăn sâu vào tâm trí người Việt Nam rồi. Rõ ràng từ khi có nghề làm vàng mã, người dân chúng tôi đã khấm khá lên trông thấy, không chỉ nhiều hộ thoát nghèo mà nhiều gia đình giàu có lên.
Còn về nhu cầu trong tháng cô hồn thì rất lớn, các mặt hàng vàng mã chúng tôi đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất cách đây 2 tháng rồi. Hàng này được xuất đi khắp nơi, bắt đầu từ tháng 6 âm lịch người ta đã để về để nhập hàng.
Có những khách nhập cả mấy trăm triệu tiền hàng, có người nhập cả chục xe tải để đem đi đổ buôn. Khách hàng chủ yếu là các tỉnh phía bắc, họ nhập sớm để đón đầu thị trường, bán vào đúng tháng cô hồn".
Sổ đỏ cũng là mặt hàng “hot” cho dịp Rằm tháng 7. |
Theo chia sẻ có những người làm nghề vàng mã thì sản phẩm, mẫu mã đang dạng hơn nhiều so với các dịp lễ tết trong năm. Mặt hàng được đặt nhiều là ôtô, biệt thự, điện thoại, máy vi tính… nói chung những đồ tiêu dùng "xịn" của dương thế.
Ông Thăng cho hay: "Năm nay ở làng chủ yếu sản xuất các mặt hàng như quần áo, mũ mão, hoàn sơn trang và hình nộm các vị quan trong dân gian. Có những mặt hàng được yêu cầu làm cẩn thận, cầu kỳ thì giá thành lại cao, như hòn sơn trang làm phải mất cả ngày mới xong, giá mỗi hòn là 1 triệu. Có nhiều khách đặt xe hơi, nhà lầu. Với những gia đình nhiều việc thì chỉ đầu tháng 6 thôi là đã chốt số lượng, như nhà tôi đây không dám nhận thêm hàng nữa vì sợ làm không kịp".
"Thị trường năm nay khá hơn năm ngoái, lượng khách đặt hàng tăng lên khá nhiều, mặc dù làng nghề quanh năm làm nhưng cũng chỉ làm túc tắc cầm chừng thôi đến những dịp như tháng cô hồn mới là mùa vụ chính của cả năm.
Thường thì dịp này nhà tôi làm không hết việc, riêng đợt này thôi nhà tôi đã xuất hơn một vạn bộ quần áo các loại rồi. Từ giờ đến Rằm tháng 7 còn gần nửa tháng nữa mà nhà tôi mới kịp trả hơn một nửa số đơn hàng khách đặt. Hiện tại nhà tôi có 8 người làm mà vẫn không kịp. Năm nay hàng cũng cao hơn năm trước một chút nên mọi người cũng phấn khởi.
Sản phẩm ngày càng cầu kỳ hơn. |
Thường thì chúng tôi chỉ có hai đợt cao điểm trong một năm là dịp này và giáp tết còn lại là vừa làm vừa chơi, các tháng khác nhu cầu tiêu thụ của người dân thấp. Thu nhập cả năm phụ thuộc vào dịp Rằm tháng 7 là chính" - bà Lê Thị Minh (một người làm vàng mã lâu năm trong làng) cho hay.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nghề vàng mã lâu nay trở thành nghề chính của người dân trong xã. Dù vài năm trở lại đây nghề dần mai một do nhiều nơi khác cũng sản xuất vàng mã khiến thị trường bấp bênh. Tuy nhiên nếu gia đình nào bám trụ, cải thiện mẫu mã thì trong tháng cô hồn này cũng kiếm được vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu.
Ông Nguyễn Đăng Minh (người dân xã Văn Bình) chia sẻ: "Tháng 7 âm lịch chúng tôi bán được nhiều hàng là vì dịp này mẫu mã đa dạng hơn, nhiều mặt hàng cầu kỳ hơn. Ví dụ như ôtô, điện thoại, nhà lầu, xe máy… chính vì thế người dân có thu nhập khá hơn nhiều. Chúng tôi nói đùa với nhau, cả năm chỉ cần làm tháng 7 là đủ ăn cho cả năm".
Chị Phùng Thị Lý, một tiểu thương vàng mã vui vẻ cho biết: "Chúng tôi về các làng nghề ở đây để nhập hàng, sau đó đổ buôn lên phố hàng Mã hay một số thành phố lớn khác. Tôi cũng không hiểu gì về tháng cô hồn hay tập tục đốt vàng mã gì, tôi chỉ quan tâm ai có nhu cầu là tôi mua.
Để đáp ứng được nhu cầu tôi đã phải đến các chủ lớn ở đây đặt trước cách đây cả tháng rồi, như thế mới kịp bán vào Rằm tháng 7. Nói chung mẫu mã thì đa dạng vô cùng, mỗi năm mỗi khác, năm ngoái thì chủ yếu khách hàng làm hình nhân, ngựa, voi, tiền vàng thì nay họ lại làm cả nhà cửa, xe cộ, điện thoại, thậm chí cả sổ đỏ, còn cả “chân dài” nữa. Những mặt hàng đó ngày nay trở thành mặt hàng Vip rồi".
Trở thành vấn nạn xã hội
Từ một phong tục mang tính tâm linh của người đang sống dành cho người đã khuất của mình nhưng bây giờ nó lại biến thành vấn nạn của xã hội. Nó làm cho con người mụ mị, mê tín đi nhiều hơn. Với quan nệm "Dương sao âm vậy" nên nhiều người đã cố gắng càng đốt nhiều vàng mã cho người thân đã khuất càng an tâm.
Một chủ xưởng sản xuất vàng mã làng Văn Bình chia sẻ: "Có những gia đình người ta đặt một suất trọn gói cho người thân đã mất của mình dưới âm phủ gồm đầy đủ các vật dụng như: nồi niêu, xoong chảo, tivi, tủ lạnh, điện thoại, xe hơi, biệt thự…
Với người dân làng nghề làm vàng mã thì Rằm tháng 7 là tháng làm ăn hiệu quả nhất. |
Mỗi suất như thế thường sẽ phải chi ra vài chục triệu đồng". Cũng theo người này cho biết thì nhiều gia đình có con đang độ tuổi thanh niên chẳng may qua đời nên họ rất muốn bù đắp cho con ở thế giới bên kia. Bằng chứng là họ sẵn sàng bỏ ra cả một đống tiền để đặt những bộ đồ thời trang mốt nhất, lộng lẫy nhất cho con của họ.
Ngoài ra những món hàng thời thượng được thanh niên ưa chuộng cũng được họ liệt kê ra đặt làm cho con mình. Có nghe những chủ sản xuất vàng mã mới thấy được nhiều người "chịu chơi" cho người thân đã khuất của mình thế nào.
Ông Thăng kể: "Gần đây có một phụ nữ đi ôtô sang trọng lắm đến nhà tôi muốn đặt hàng. Tôi có hỏi thiếu gì cửa hàng vàng mã trên phố mà về tận đây, cô này nói muốn đặt theo ý của mình. Cô ấy đưa cho tôi 1 tờ giấy có ghi hàng loạt thứ muốn làm cho người chồng quá cố, ví dụ: Vé máy bay đi châu âu, quần áo, xe cộ… đặc biệt hơn cô ấy còn đặt cả một loạt hình nhân như: ô sin để lau dọn nhà cửa, một người lái xe riêng cho chồng, một cô thư ký, rồi cả một người tình chân dài miên man.
Đặc biệt hơn, cô này đòi tôi làm với loại giấy xịn nhất, làm giống nhất, đẹp nhất, vấn đề tiền nong không quan trọng. Sau khoảng nửa tháng cả nhà tôi mới làm xong cho cô ấy đó. Tất cả tính thành tiền cũng không nhỏ đâu, gần 200 triệu đó. Thực sự tôi là người làm, cũng chỉ mong có người đặt hàng như vậy. Nhưng nghĩ kỹ thì đúng là quá vô bổ, tốn kém".
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Kinh điển của Phật giáo không có cái gọi là "tháng cô hồn". Tháng 7, Phật giáo nặng về ơn cha mẹ sinh thành. Chính vì vậy khi cúng rằm tháng 7 để tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ người ta thường cúng cả cho những cô hồn mồ mả không có con cháu hương hỏa. Bởi tinh thần của Phật giáo là yêu thương tất cả muôn loài. Theo quan điểm Phật giáo thì tập tục kiêng mua bán, kiêng hội hè, kiêng đi lại, kiêng đủ mọi thứ trong "tháng cô hồn" là không đúng. Tháng 7 trong Phật giáo được coi là tháng tốt, mọi việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, không phải kiêng kị gì cả". |
Nguồn: CSTC/Báo CAND