Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, sáng 2/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kiên định và theo xu thế thế giới
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục phải quán triệt hai điểm xuyên suốt hết sức quan trọng.
Thứ nhất, đổi mới là một quá trình, có lộ trình thực hiện và trong quá trình đấy không có giải pháp nào là hoàn hảo. Vì vậy, khi đã đề ra rồi, thì phải rất khoa học, cầu thị song kiên trì thực hiện.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: Đổi mới giáo dục không giống như xây một ngôi nhà, làm đường, xây nhà máy mà là cả một quá trình từ những việc rất nhỏ. Đơn cử, hôm nay, nhiều ý kiến nói về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia thì lộ trình cho việc này bắt đầu từ năm 2015, làm từng bước đến năm 2021 mới xong. Hay đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa dù chúng ta chuẩn bị xong cũng không thể làm đồng loạt ở tất cả các bậc học mà phải làm “cuốn chiếu”, từng bước.
Đồng thời cần lưu ý, giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội, nhà trường mà còn đặt chung trong bối cảnh của đất nước về tình hình kinh tế-xã hội, thói quen truyền thống nên khi đưa ra một giải pháp đổi mới cần phải cân đối lợi-hại.
Thứ hai, đổi mới giáo dục phải theo xu thế thế giới, không thể vì đặc thù, đặc điểm, hay trong quá trình này có tác dụng ngược mà đi ngược lại.
“Tự chủ đại học hay tới đây quản lý các trường phổ thông phải thay đổi, bớt hành chính hoá thì đấy là xu thế thế giới. Lộ trình đổi mới thi cử cũng vậy”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Trân trọng ý kiến, đóng góp tâm huyết
Từ những đặc điểm của đổi mới giáo dục cũng như sự quan tâm của toàn xã hội với rất nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là điều may mắn cho những người làm giáo dục.
Vì vậy, trong quá trình ban hành mọi chủ trương, chính sách giáo dục, dù là nhỏ nhất nhưng tác động đến người dân thì phải rất chú trọng mở ra diễn đàn để người dân đóng góp ý kiến đa chiều từ nhiều góc độ.
“Không có giải pháp nào là hoàn hảo nhưng qua tranh luận, góp ý mọi người sẽ thấy cái gì là phù hợp nhất cho lợi ích chung. Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đây là kinh nghiệm quý mà ngành giáo dục phải thực hiện. Giáo dục là vấn đề của từng gia đình, nhà trường, thầy cô và toàn xã hội, khi đồng thuận thì ngành giáo dục mới huy động được sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh đổi mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Chuẩn bị cho công tác sơ kết Nghị quyết 29
Theo Phó Thủ tướng hội nghị hôm nay cũng đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị đánh giá, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 29.
Sau 5 năm, Phó Thủ tướng cho rằng trong bức tranh đổi mới, phát triển chung của đất nước, lĩnh vực giáo dục đã đạt được nhiều kết quả khá rõ, có một số mặt có kết quả rất rõ. Qua đó cho thấy chúng ta đã chọn đúng hướng đi. Tuy nhiên, có những khâu, lĩnh vực bảo đảm được lộ trình, hướng đi. Có những khâu, lĩnh vực được đẩy nhanh. Có những khâu, những lĩnh vực còn chậm.
Phó Thủ tướng lưu ý: Nhìn lại thời điểm năm 2013, Nghị quyết 29 được xây dựng nhằm khắc phục toàn diện bất cập, hạn chế ở tất cả các khâu của giáo dục và đào tạo, đúng với vị thế là "quốc sách hàng đầu", đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi. Vì vậy, quá trình thực hiện nghị quyết hằng năm phải bám sát vào các mặt nghị quyết đã nêu ra để nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm.
“Chúng ta cần nhìn thẳng vào những điều chưa làm được theo lộ trình, hay kết quả chưa được như mong muốn để cố gắng hơn. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá đúng những kết quả đã đạt được. Đây là công sức của hơn 1 triệu giáo viên, của các cháu học sinh, hàng triệu gia đình và toàn xã hội. Với tinh thần cầu thị, đổi mới, ngành giáo dục cần tiếp tục giữ được “lửa đổi mới”, lan toả xuống từng trường, từng giáo viên và ra cả cộng đồng để nền giáo dục được đổi mới thực sự. Có như vậy đất nước mới phát triển được”, Phó Thủ tướng nói.