(Congannghean.vn)-Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng tại các huyện miền núi tỉnh Nghệ An phát triển mạnh mẽ, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Qua đó, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư.
Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển tạo điều kiện để xây dựng, hình thành các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian (Trong ảnh: Tiết mục tại buổi lễ ra mắt CLB Dân ca Thái, bản Kim Đa, huyện Con Cuông) |
Có mặt tại bản Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp vào đúng dịp bản kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, chúng tôi thấy rõ không khí rộn ràng, tươi vui hiện trên từng khuôn mặt của bà con dân bản. Tại nhà văn hóa cộng đồng, các cây văn nghệ trong 8 tổ liên gia của bản đã sẵn sàng các tiết mục văn nghệ để biểu diễn. Từ những cụ già cho đến những em bé thiếu nhi, họ tự nguyện tham gia đội văn nghệ để phục vụ người dân trong bản cũng như thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của chính mình.
Không chỉ riêng bản Choọng mà ở 16 bản khác của xã Châu Lý, hiện nay, phong trào văn hóa, văn nghệ cũng phát triển rộng khắp. “Đời sống kinh tế đi lên đã thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển. Nếu như trước đây, khi đời sống còn khó khăn, để tổ chức một cuộc thi văn nghệ quần chúng là không hề đơn giản thì nay, tại mỗi cuộc thi, người dân tham gia một cách tự nguyện. Hầu hết người dân tự đóng góp kinh phí thuê loa đài, hỗ trợ đạo cụ, trang phục biểu diễn… Mỗi cuộc thi đều diễn ra sôi nổi với nhiều tiết mục đặc sắc, mang âm hưởng dân ca, nét đặc trưng vùng miền, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng”, ông Cao Duy Thái, Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý cho biết.
Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các xã, thị thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian. Hiện, tại huyện Qùy Hợp đã có 10 CLB thành lập trên địa bàn. Ngoài việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đây cũng là một trong những kênh thông tin để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phong trào văn nghệ quần chúng ở vùng cao phát triển mạnh đã có sức lan tỏa rộng rãi trong các địa phương và các ban, ngành.
Tại huyện Quỳ Châu, phóng viên ghi nhận hoạt động văn nghệ tại các trường học trên địa bàn diễn ra rất sôi nổi. Đặc biệt là các em học sinh, thông qua các tiết mục biểu diễn tại các Hội thi hát dân ca trong trường học, hay các tiết học ngoại khóa và âm nhạc đã lưu giữ, bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca ở vùng dân tộc thiểu số. Từ trong phong trào văn nghệ quần chúng, xuất hiện ngày càng nhiều hạt nhân là những cây văn nghệ tiêu biểu.
Có thể thấy, với đồng bào dân tộc vùng cao, phong trào văn nghệ quần chúng đã góp phần rất lớn vào việc giáo dục chính trị tư tưởng, thay đổi, xóa bỏ những quan điểm lạc hậu, hủ tục đã ăn sâu vào lối sống, suy nghĩ từ bao đời nay của người dân, thay vào đó là nếp sống văn minh, hiện đại. Từ trong phong trào, người dân có cơ hội được sáng tác, biểu diễn những tiết mục văn nghệ mang đặc thù riêng của từng vùng miền, qua đó phát huy vai trò của bản thân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư ngày càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn nghệ quần chúng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các huyện miền núi chưa thực sự thu hút lớp trẻ. Nhiều địa phương chưa chủ động xây dựng tiết mục, dàn dựng chương trình mà thường sắp đến ngày hội diễn mới bắt đầu tập trung, vì thế vai trò của yếu tố tự biên, tự diễn theo kiểu “cây nhà lá vườn” của văn nghệ quần chúng chưa được phát huy.
Để phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng nhân rộng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi nhất từ việc gây dựng “sân chơi” phù hợp với giới trẻ, nghiên cứu, xây dựng nhiều loại hình nghệ thuật đến việc hỗ trợ đạo cụ, loa đài, trang phục biểu diễn để các đội văn nghệ hoạt động có chất lượng. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống.