Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201805/nho-ngay-19-thang-5-795135/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201805/nho-ngay-19-thang-5-795135/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhớ ngày 19 tháng 5 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 19/05/2018, 08:38 [GMT+7]

Nhớ ngày 19 tháng 5

Cứ mỗi dịp Tháng Năm về, lòng mỗi người chúng ta lại bâng khuâng nhớ về Bác. Ngày 19-5-1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Cha già dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 
 
Từ đó trở đi, hàng năm, cứ đến dịp ngày 19-5, toàn dân ta lại được sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui lâng lâng, với lòng tự hào chính đáng của dân một nước độc lập, tự do, và với lòng kính yêu lãnh tụ vô hạn, đồng thời toàn dân lại dấy lên phong trào thi đua lập thành tích mừng Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu.
 
Là lãnh tụ tối cao, nhưng Bác Hồ không tỏ ra quan dân lễ cách, không có sự phân biệt giữa lãnh tụ với dân thường. Hàng năm, cứ đến dịp Ngày sinh của Bác, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn nghèo khó, gian khổ. 
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
Điều đó như Người đã nói: “Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên”. Và, “Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”…
 
Ở Hà Nội, đúng ngày 19-5, Bác thường tìm cách đi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. 
 
Có năm, vào dịp ngày sinh của Bác, Bác Hồ sang công tác bên Trung Quốc, hôm ở nhà nghỉ Bắc Kinh, các đồng chí ở đây biết ngày sinh của Bác nên có chuẩn bị chúc thọ, Người nói với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây”. 
 
Cũng dịp này một năm khác, Bác sang Trung Quốc với ý nghĩa như Người đã viết trong thư gửi bà Đặng Dĩnh Siêu - cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh “chúc thọ”, “tránh tặng quà”.
 
Ngày 19-5 Bác vắng nhà, ngày đó Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ tổ chức đánh bắt cá tại ao cá mà Người vẫn hàng ngày chăm sóc, để biếu các cụ già, các cháu bé, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cho anh chị em trong cơ quan phục vụ Bác cải thiện bữa ăn. Việc này được thực hiện hàng năm đó vừa là sự quan tâm chăm lo của Bác đối với mọi người, vừa là để cảm ơn mọi người đã chăm lo đến cuộc sống hàng ngày cho Người.
 
Hàng năm, cứ vào những dịp đó, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết đối với ngày sinh của mình. Và có những lần Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ. 
 
Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ của Bác Hồ tuy nói về ngày sinh của Bác, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Bác Hồ đối với non sông đất nước và đồng bào, là nguyên tắc sống của Bác: “Trung với nước, hiếu với dân”, và là đường lối lãnh đạo của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc ở trong từng thời điểm lịch sử.
 
Vào dịp ngày sinh Bác 50 năm trước (5-1968). 9 giờ ngày 10-5-1968, Bác viết câu mở đầu vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây…”. 
 
Bởi vậy, sinh nhật năm nay, Bác không vắng nhà. Và như những năm trước, Bác tập trung cho công việc suy nghĩ, sửa chữa vào bản Tài liệu dặn lại cho đời sau. 
 
Năm nay, Bác viết thêm vào bản Di chúc, dặn việc phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn lại Đảng; chăm lo đời sống của nhân dân sau chiến tranh mà Đảng, Nhà nước phải làm.
 
Tuy Bác không đi công tác xa như những năm trước, nhưng để khỏi làm phiền hà mọi người đến chúc thọ, tối 18-5-1968, Bác lên nhà nghỉ ở Hồ Tây. Trưa 19-5, một bữa cơm thân mật được tổ chức ở Hồ Tây, gồm một số anh em phục vụ, lái xe, bảo vệ nhân kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 78 của Bác Hồ.
 
6 giờ 15 phút ngày 20-5-1968, Bác Hồ dự khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá III. Họp sớm để tránh hoạt động của máy bay Mỹ. Hội trường sôi động hẳn lên nhất là khi nghe Bác Hồ kết thúc buổi họp vào lúc 8 giờ bằng những lời chân tình và 4 câu thơ:
 
“Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thế thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ này:
 
Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta”;
 
Cũng như mọi năm, vào dịp sinh nhật Bác, Bác cho anh em bảo vệ xuống ao bắt cá để cải thiện bữa ăn. Năm nay anh em bảo vệ bắt được con cá trắm cỏ rất to, khi đưa con cá để Bác xem, Bác bảo cân xem con cá nặng bao nhiêu? 
 
Anh em mượn chiếc cân bàn của nhà bếp, khi đặt con cá lên vì cá to đầu, đuôi chạm đất, đang loay hoay tìm cách cân cá, thì Bác bảo: Chú Đỉnh (lúc đó là Tổ trưởng tổ bảo vệ nhà sàn) bế cá lên, và bước lên cân, trừ cân chú đi thì còn lại là cân của con cá. Làm theo chỉ dẫn của Bác, đồng chí Đỉnh báo cáo Bác, con cá nặng 24kg. Lúc đó Bác nói vui: Bắt nó lên để cá lớn không nuốt cá bé.
 
Nhiều vị nguyên thủ quốc gia, cán bộ cao cấp quốc tế khi vào thăm nơi ở và làm việc của Người, đã đứng lặng đi ở cầu ao nơi Bác hàng ngày cho cá ăn mà ngẫm suy về lời nói đó của Người.
 
Sự từ chối lễ nghi phiền phức của Bác Hồ - Vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Đảng - về ngày sinh của mình có nghĩa là khước từ những của cải tiền bạc. Tránh việc chúc thọ ở mức độ không cần thiết, đó là tầm cao của sự khiêm tốn, đó là bản chất của người đầy tớ của nhân dân. 
 
Bác Hồ trung thực với dân tộc, trung thực với chính bản thân mình: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào… chỉ vì một nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn là người thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là việc lớn, không ai có thể một mình làm nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau, đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cường thịnh hơn”.
 
Và, cái vui của Người, trách nhiệm của Người cứ mỗi năm ngày sinh đến:
 
“…Vẫn vững hai vai việc nước nhà…
Tiến bước! Ta cùng con em ta”.
 
Chính nhân cách ấy, chính sự cao thượng ấy mãi mãi làm cho Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực của những đức tính và đạo lý làm người cao đẹp nhất.
 
Bởi thế, Bác Hồ đã đi xa mãi mãi nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm: Bác Hồ không mất, Bác Hồ vẫn đời đời sống cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp nơi.
 
Vì vậy, vẫn như có Bác Hồ, hàng năm tới dịp Tháng Năm là toàn thể nhân dân ở khắp các miền quê Việt Nam, và cả bạn bè năm châu vẫn nô nức tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ.
 
Kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay, vào dịp Đảng ta đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về chỉnh đốn Đảng, ôn lại những việc làm trong sáng của Bác biểu thị về lối sống khiêm tốn mỗi dịp đến ngày sinh của Người, sẽ thật sự là tấm gương để mỗi chúng ta soi chung và mong sao mỗi người, nhất là người có chức có quyền, học và làm theo tấm gương sáng của Bác để bớt đi những tệ hại quan liêu, quyền thế, sách nhiễu dân đang làm băng hoại nền tảng đạo đức của xã hội. 
 
Cán bộ đảng viên hãy làm theo điều Bác dạy: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Vì lợi nước, quên lợi nhà” để ở thế giới bên kia Bác vui lòng và đó là thiết thực nhớ ngày 19 tháng 5.
 
TS. Trần Viết Hoàn- Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch
.

Nguồn: CAND

.