Văn hóa - Giáo dục
Khoanh vùng bảo vệ các khu di tích lịch sử văn hóa
(Congannghean.vn)-Để quản lý đất đai của di tích theo Luật Di sản và tránh bị xâm hại di tích, vừa qua, Phòng Tu bổ tôn tạo di tích, thuộc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An đã tiến hành triển khai cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích, thực hiện cắm biển chỉ dẫn cho các di tích vừa mới xếp hạng.
Khu di tích Kênh nhà Lê |
Có thể thấy, khoanh vùng và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa là một trong những quy định tại Luật Di sản dành cho những di tích đã xếp hạng. Thực tế, tại Nghệ An còn có nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì một di tích được xếp hạng có hai khu vực cần phải được bảo vệ. Trong đó, khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích và được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng lẫn không gian. Khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ 1 như các công trình vệ sinh, nhà gửi xe, nhà để một số hiện vật…
Quy định là vậy, nhưng tại Nghệ An việc khoanh vùng và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa vẫn còn nhiều bật cập. Với các hồ sơ mà di tích được xếp hạng trước đó, chỉ khoanh vùng trên sơ đồ mà không xác định được ranh giới, có nhiều sự sai lệch. Ngoài ra, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, di tích bị xâm lấn vẫn đang xảy ra. Có nhiều di tích như nhà thờ họ với nhà tộc trưởng cùng nằm trong một khu đất. Từ đó, việc khoanh vùng bảo vệ các di tích rất khó khăn, có nhiều di tích hiện trạng cũng đã bị thay đổi so với trước kia. Bên cạnh đó, nhiều di tích đã tổ chức khoanh vùng nhưng chủ yếu lại khoanh vùng trên giấy và không có quy hoạch thực tế sử dụng.
Cụm di tích Làng Đỏ Hưng Dũng gắn với các điểm: Dăm mụ Nuôi, cây Sanh chùa Nia, nhà ông Nguyễn Hữu Diên, nhà thờ ông Nguyễn Sỹ Huyến, nhà ông Lê Mai… Năm 1991, nhà thờ ông Nguyễn Sỹ Huyến đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Khi di tích được công nhận, chính quyền chưa tiến hành di dời, tái định cư trong các hộ dân trong khu vực cắm mốc. Vừa qua, Phòng tu bổ tôn tạo di tích, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An đã tiến hành khoanh vùng các điểm di tích thành một điểm và thực hiện cắm mốc tại các điểm nói trên. Tại một số di tích như nhà thờ họ, bên cạnh các cá nhân đứng ra hiến đất thì cần phải điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ các di tích trên.
Cách đây không lâu, tại khu di tích lịch sử Kênh nhà Lê nằm trên địa bàn 2 huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, do vua Lê Đại Hành khơi đào từ năm 983 cũng bị xâm lấn bởi các đơn vị thi công cầu vượt gần đó đổ đất lấp khiến cho dòng chảy của kênh nhà Lê bị thu hẹp lại.
Ông Phạm Công Vinh, Trưởng phòng Tu bổ tôn tạo di tích, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An cho biết: Thực tế, các đơn vị thi công góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, cần phải có sự thống nhất giữa các ngành liên quan, làm thế nào vẫn bảo vệ được các khu di tích mà không cản trở đến việc xây dựng các công trình tại địa phương. Đối với các hộ dân nằm trong khu đất có nhà thờ xếp hạng, chúng tôi cũng yêu cầu tách ra. Nếu không tuân thủ, chúng tôi phải rút hồ sơ xếp hạng công nhận. Thời gian qua, với vai trò là nòng cốt, Phòng tu bổ tôn tạo di tích đã tiến hành rà soát tiến hành khoanh vùng bảo vệ di tích, chủ yếu là mở rộng các di tích như tại huyện Đô Lương có đền Phú Thọ, đền Long Thái… Ngoài việc khoanh vùng bảo vệ di tích thì triển khai cắm mốc khu vực 1, khu vực 2 và xây dựng hệ thống hàng rào, tường thành ngăn cách để bảo vệ di tích khỏi sự xâm lấn. Bên cạnh đó, tham mưu, yêu cầu các đơn vị quản lý công bố quy hoạch khoanh vùng tại di tích để người dân địa phương biết và tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ. Sau khi di tích được xếp hạng, phải kiện toàn ban quản lý, xây dựng quy chế hoạt động.
Phan Tuyết