Phóng sự

Hồi ức của người lính An ninh từng tham gia chiến trường miền Nam

08:05, 29/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những ngày cuối tháng 4, trong khí thế hào hùng của cả dân tộc kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại tá Hồ Văn Hiến (SN 1937), nguyên Phó ban An ninh TX Pleiku, nguyên Phó ban Chỉ huy Cảnh sát Công an Nghệ Tĩnh. Ông đã có gần 10 năm lăn lộn trong chiến trường miền Nam, góp phần cùng đồng đội giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Đại tá Hồ Văn Hiến được Đảng, Nhà nước và ngành Công an tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương vì những cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Đại tá Hồ Văn Hiến được Đảng, Nhà nước và ngành Công an tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương vì những cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Diệt ác, trừ gian

Cuối năm 1967 là thời điểm Mỹ ném bom ác liệt nhất xuống miền Bắc nước ta hòng ngăn chặn sự chi viện người và của cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ Công an tiếp tục điều động lực lượng chi viện cho An ninh miền Nam. Ông Hồ Văn Hiến cùng 9 đồng chí thuộc các phòng ban Ty Công an Nghệ An khám tuyển để đi huấn luyện, chuẩn bị vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Sau khi huấn luyện, Đoàn nhanh chóng lên đường. Vào đến Ban An ninh khu V, Đoàn được phân công về Ban An ninh các tỉnh trong khu. Riêng ông Hiến được phân công về Ban An ninh tỉnh Gia Lai và sau đó về TX Pleiku. Ông kể: Để không bị địch và người dân địa phương nhận ra mình là cán bộ miền Bắc chi viện và hoạt động một cách thuận lợi nhất trong vùng địch, tôi phải tập bỏ dần những thói quen của người miền Bắc thời kỳ nằm vùng trong rừng như: Hút thuốc lá rê, ăn uống nấu bằng ăng-gô và ngủ võng; đồng thời, nhanh chóng học tiếng và thích nghi với phong tục, tập quán của địa phương.

Địa bàn ông được phân công đầu tiên là dọc con suối Iabut, nơi có phong trào cách mạng tương đối mạnh, nhất là trong giai đoạn chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Tuy nhiên, sau năm 1968, kẻ địch tập trung tấn công rất quyết liệt để chặn các ngả đường về TX Pleiku, vì thế phong trào cách mạng bị dập tắt khiến mọi hoạt động đi vào bí mật. Bọn mật thám, ác ôn ra sức chỉ điểm, bắt bớ, đàn áp khiến cơ sở của ta tan vỡ, một số bị bắt, tù đày, số còn lại trốn thoát được bố trí ở lại bí mật hoạt động chờ thời cơ.

Trước tình hình trên, yêu cầu của tổ chức mà trực tiếp là Ban An ninh TX Pleiku là phải gây dựng lại phong trào và khí thế cách mạng tại đây, trong đó mục tiêu hàng đầu là phải tiêu diệt tên Lê Chức vào đầu năm 1972 (tên này được đưa về làm Xã phó An ninh). Đây là tên chỉ điểm hết sức nguy hiểm.

Với quyết tâm cách mạng và yêu cầu của tình hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông cùng đồng đội bắt được tên Lê Chức, đưa ra vùng bí mật tại Iabut để khai thác và trị tội. Tuy đã tính toán khá kỹ lưỡng từ việc bố trí kế hoạch hành động đến kế hoạch rút ra, song do lựu đạn không nổ, Lê Chức thoát chết nên sau đó cơ sở của ta bị lộ và bị tra tấn hết sức dã man. “Việc cơ sở bị phá hết và phải rút lên thị xã khiến nơi đây trở thành vùng trắng, là bài học đắt giá đối với các cán bộ điệp báo như chúng tôi thời điểm đó. Rằng, hữu khuynh, chùn tay với địch là hết sức nguy hiểm và phải trả những cái giá thật đắt”, ông Hiến chia sẻ.

Sau vụ tiêu diệt Lê Chức bất thành, địch tăng cường o ép dân, đàn áp phong trào, bọn ác ôn bành trướng hoạt động. Đứng đầu là tên Lê Hoán, Trung đội trưởng dân vệ cùng với lực lượng cảnh sát đôn đốc kiểm soát gắt gao người ra vào. Nhiệm vụ đặt ra là phải tiêu diệt Lê Hoán để phá “kèm”, mở rộng vùng cơ sở của ta. Sau một thời gian bám địa bàn và nắm tình hình, ông cùng đồng đội nắm bắt được quy luật hoạt động của Lê Hoán và đám tay chân. Ngay sau đó, lợi dụng ban đêm khi chúng bất cẩn, không tổ chức canh gác, Tổ công tác của ông ập vào bắt tên Hoán và đưa ra khai thác.

Xây dựng cơ sở bí mật

Song song với hoạt động diệt ác để củng cố và duy trì phong trào, nhiệm vụ của Ban An ninh TX Pleiku là phải đánh vào cơ sở của các địa bàn địch đang chiếm đóng để nắm tình hình, phục vụ Bộ đội và các lực lượng khác tiến công cũng như thuận lợi cho lực lượng điệp báo của ta thâm nhập địa bàn. Ông chủ động củng cố lại hệ thống cơ sở hiện có và tìm chọn những đầu mối đủ tin cậy, có khả năng để xây dựng thành cơ sở vùng của ta và đã phát huy tác dụng trong việc đưa tin, báo cáo tình hình.

Ông kể, có 1 trường hợp đảm nhiệm cương vị Xã phó An ninh trong chính quyền Ngụy trước đây từng làm cơ sở bí mật của ta, song do sợ bị lộ, làm ảnh hưởng đến gia đình nên đã chủ động cắt đứt liên lạc với ta. Trước yêu cầu phải thiết lập lại liên lạc và giao nhiệm vụ nắm bắt tình hình trong tổ chức địch, phục vụ công tác của tổ chức, ông đã chủ động tiếp cận người con gái của Xã phó An ninh này. Thông qua đó, ông nhiều lần biên thư và đề nghị cô con gái đưa vào cho người bố.

Với sự kiên trì cùng việc tính toán thận trọng, kỹ lưỡng từng bước đi, cuối cùng cơ sở này đã đồng ý nối lại hoạt động và sau đó đã cung cấp cho ta những thông tin quan trọng như: Số lượng, quy luật đi lại của bọn lính, danh sách Tề, Ngụy, Phượng Hoàng và các đảng phái, cảnh sát và Bình Định nông thôn… Thành công trong việc lôi kéo, thu hút cơ sở nằm vùng quay trở lại hoạt động đã làm cho hoạt động của địa bàn có nhiều sự thay đổi, cơ sở được phát triển thêm, nhiều tổ chức bí mật tại vùng địch chiếm đóng được thành lập và hoạt động khá hiệu quả.

Cùng với những thành công từ các chiến dịch trên toàn chiến trường miền Nam nên tại Hội nghị Pari (Pháp) đã có nhiều diễn biến có lợi cho ta. Yêu cầu của ta lúc đó là phải nhanh chóng cắm được cờ giải phóng tại các vùng địch hậu, tạm chiếm và cả vùng địch đang tạm chiếm để “Ban liên lạc quân sự bốn bên” theo thỏa thuận tại Hội nghị Pari tổ chức kiểm soát. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng được địch đặt ra và chúng đã tăng cường cho thám báo, biệt kích và lực lượng mạnh tấn công đánh chiếm để cắm cờ Ngụy quyền tại các vùng ta đã làm chủ trước đó.

Cuộc chiến giành giật địa bàn vì thế làm cho trách nhiệm của Ban An ninh TX Pleiku hết sức nặng nề. Việc chủ động nắm được tình hình, âm mưu, ý đồ của địch trở thành một yêu cầu hàng đầu và cao nhất khi đó. Để thực hiện nhiệm vụ, ông cùng đồng đội đã chủ động chia thành nhiều tốp nhỏ tiếp cận địa bàn. Do hoạt động trong vùng địch nên không ít lần ông cùng đồng đội đã bị lộ, địch đã dùng súng để tấn công, tiêu diệt.

“1 ngày cuối năm 1972, tôi cùng đồng chí Hảo đang trên đường trở về tại khu vực rừng An Mỹ (ấp An Mỹ) thì bị địch phát hiện và nã súng. Đồng chí Hảo bị thương gục tại chỗ, còn tôi trúng đạn vào 2 bắp chân. Lợi dụng sơ hở của địch, tôi cố trườn, lê 2 đôi chân đẫm máu xuống dọc con suối và được đồng đội sơ cấp cứu. Sau này, tôi cố tìm nhưng vẫn mất liên lạc với đồng chí Hảo kể từ ngày đó”, người lính già kể lại kỷ niệm trong sự xúc động nghẹn ngào.

Sau giải phóng, với vai  trò là Phó ban An ninh TX Pleiku (được bổ nhiệm từ đầu năm 1972), ông đã trực tiếp chỉ huy lực lượng An ninh vùng giải phóng công khai bảo vệ chính quyền và đảm bảo ANTT với các nhiệm vụ như tiến hành đăng ký trình diện, thu hồi vũ khí, tổ chức tuần tra, canh gác và giải quyết các vụ việc, đồng thời tuyển mộ con em trên địa bàn nhập ngũ để bổ sung đội ngũ làm việc lâu dài. Lực lượng An ninh Pleiku đã bảo vệ thành công lễ mít tinh chào mừng ngày giải phóng Pleiku và ra mắt Ủy ban quân quản vào ngày 21/3/1975.

Cuối năm 1976, ông bị bệnh nặng phải ra miền Bắc điều trị trong mấy tháng liền. Do sức khỏe yếu, ông được tổ chức phân công công tác tại Ty Công an Nghệ An với các chức vụ khác nhau như: Phó Trưởng CATP Vinh, Trưởng phòng QLHC về TTXH và làm Trưởng phòng Cảnh sát điều tra cho đến khi nghỉ hưu (năm 1997)…

Thu Thủy

Các tin khác