Phóng sự
Nỗi đau hỏa hoạn
1. Chúng ta hẳn đã nghe nói quá nhiều về chuyện đạo đức kinh doanh, nhất là những ngành kinh doanh liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Song, nói đến đạo đức thì thật vô cùng trong khi lợi ích của người kinh doanh thì rõ ràng hiện hữu.
Ca dao xưa, “Con kiến mà leo cành đa – Leo phải cành cụt leo ra leo vào – Con kiến mà leo cành đào – Leo phải cành cụt leo vào leo ra”. Lấy câu này nghiệm quanh thấy nhiều chuyện tương đồng quá, từ chuyện lớn cho đến chuyện nhỏ, từ chuyện tang thương cho đến những nỗi buồn. |
Bởi thế cho nên, dù đã bao nhiêu lần xã hội lên tiếng về chuyện vô cảm trong kinh doanh thì rau củ vẫn chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gà lợn chứa thuốc tăng trọng, trái cây được ép chín bằng hóa chất,… vẫn thường xuyên bị phát hiện.
Người tiêu dùng tin vào trách nhiệm của ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Song có thể do quá tải, có thể do thủ đoạn của gian thương ngày càng tinh vi, nhưng cũng có phần vì lơ là trách nhiệm, buông lỏng quản lý... mà bao lâu nay vấn đề an toàn thực phẩm vẫn như chuyện con kiến, cành đa loay hoay chưa lối thoát. Người tiêu dùng vẫn đối diện với mâm cơm có độc hằng ngày.
Rồi họ kháo nhau rằng, phải làm nhà tiêu dùng thông thái. Song có một thực tế là để kiểm tra chính xác miếng thịt, mớ rau mua ngoài chợ hay siêu thị có an toàn hay không, đó vẫn là chuyện bất khả với họ.
Chuyện cư dân chung cư cũng vậy. Trước đây, có mấy ai khi bước chân vào căn hộ mà nghĩ rằng phải kiểm tra thiết bị an toàn, phòng cháy chữa cháy của chung cư.
Họ tin vào những quảng cáo có cánh về sự hiện đại, về mức độ an toàn của chủ đầu tư dự án; và quan trọng hơn hết là họ tin vào cơ quan chức năng đã kiểm tra, nghiệm thu tất cả trước khi chủ đầu tư giao nhà cho họ sử dụng.
Nhưng rồi vì niềm tin đó, mới đây nhất, 13 người ở chung cư Carina đã bị chết oan bởi một đám cháy từ tầng hầm để xe mà hệ thống báo, chữa cháy tự động hoàn toàn tê liệt.
Minh họa: Lê Phương. |
Vụ việc khiến người ta giật mình nhìn lại, hóa ra mình vô tư với niềm tin. Họ tin vào lương tâm và sự tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư, tin vào trách nhiệm của các cơ quan đã thẩm định, nghiệm thu công trình. Và kết quả, mọi người đã thấy!
Ở đây, tôi không có ý bi kịch hóa về niềm tin, bởi sống thiếu niềm tin tốt đẹp vào mọi thứ xung quanh mình thì đó mới thật sự là bi kịch. Nhưng cuộc đời có những oái oăm riêng, niềm tin đôi khi là vô vọng.
Và câu hỏi đặt ra, nếu như không thể tin vào những điều trên, chẳng lẽ chúng ta chỉ có thể ở trong những chung cư cao tầng khi bản thân là một chuyên gia an toàn?
Vụ cháy ở chung cư Carina để lại hậu quả quá thương tâm. Thật sự khó để có thể tưởng tượng ra rằng một chung cư được xếp vào hàng cao cấp tồn tại ở thế kỷ 21 này mà toàn bộ hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động không hề hoạt động khi xảy ra cháy.
Ban quản lý chung cư, cơ quan chức năng kiểm tra phòng cháy chữa cháy định kỳ đã quản lý, kiểm tra như thế nào vào trước đó?
Chung cư Carina không phải là trường hợp đầu tiên mà hệ thống báo cháy không hoạt động; năm trước, khi chung cư ở Hà Nội cháy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã cho biết, có tới hơn 100 tòa nhà chung cư cao tầng ở thành phố này không đảm bảo an toàn PCCC nhưng vẫn được đưa vào hoạt động. Có nghĩa là tính mạng hàng ngàn con người ở đó phụ thuộc vào sự may rủi của hệ thống an toàn của chung cư.
Bi kịch ở chỗ đa số không biết về điều này, cũng như họ không hề quan tâm chung cư mình đang ở có được nghiệm thu an toàn, có đảm bảo quy chuẩn về PCCC hay chưa.
Rõ ràng là nếu chỉ trông chờ vào lương tâm của những nhà đầu tư, chúng ta không cần đến hệ thống các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra và nghiệm thu nữa, bởi khi đó hẳn mọi thứ đã tự nhiên tốt đẹp rồi. Ở đây, người ta có thể không hoàn toàn tin vào nhà đầu tư nhưng họ tin vào các nhà thẩm định, cơ quan chức năng với trách nhiệm được giao phó.
2. Những con đường rộng mở, những tòa cao ốc chọc trời, những nhà máy xí nghiệp quy mô,... là biểu tượng của cuộc sống văn minh, hiện đại đang hiện diện khắp nơi. Tất cả đều phải được thẩm định, nghiệm thu an toàn mới được đưa vào hoạt động.
Về lý thuyết là như vậy, song những công trình khiến ta tự hào đôi khi thiếu đi những quy chuẩn an toàn mà ta không hề hay biết.
Như tòa nhà cao tầng mà hệ thống báo cháy không hoạt động, hay nhà máy với hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhưng con sông xanh xanh phía sau vẫn bị đầu độc hằng ngày; và cả những con đường mới mở ra, chưa kịp đi đã hỏng!
Không ai nói những công trình đó không qua công tác thẩm định, nghiệm thu hay kiểm tra định kỳ cả. Nhưng không phải vì thế mà nó hoạt động tử tế bởi sự giám sát, kiểm tra đó lắm khi chỉ là lý thuyết, là hình thức mà thôi.
Để vận hành một hệ thống xử lý nước thải, xí nghiệp phải bỏ ra một số tiền lớn hằng ngày. Số tiền đó gấp hàng trăm lần so với chi phí phải bỏ ra cho những cái bắt tay trong phòng kín hàng tháng. Cho nên, thiết bị công nghệ thì có nhưng chỉ hoạt động lúc “cần thiết nhất” mà thôi.
Ở những chung cư cao tầng, tiêu chuẩn về PCCC được quy định khá ngặt nghèo. Có một yêu cầu bắt buộc là phải có “phòng trực điều khiển chống cháy”, là một phòng kỹ thuật có nhân viên có chuyên môn về PCCC trực thường xuyên, có lắp đặt thiết bị thông tin…
Nhưng thực tế thì cái phòng trực điều khiển chống cháy này đã ở đâu trong nhiều chung cư cao tầng hay là chỉ có trên giấy? Cũng như hệ thống báo, chữa cháy tự động là bắt buộc cơ bản nhất đối với mỗi cao ốc, song nó có hoạt động được hay không thì đôi khi lại là trò may rủi. Như ở Carina là một ví dụ.
Sự gian manh của con người trong kinh doanh là có thật khi lợi nhuận được đặt lên trên tất cả. Nhưng sự gian manh ở đây không hẳn chỉ là câu chuyện của đạo đức, của lương tâm mà nó còn là một căn bệnh, một thứ ký sinh.
Căn bệnh ấy, loài ký sinh ấy sẽ tự do phát triển và hoành hành khi mà sức đề kháng của xã hội kém đi, khi cơ quan thực thi pháp luật, hệ thống giám sát hoạt động không hiệu quả.
Cháy ở Carina không chỉ là một vụ cháy chung cư bình thường bởi ngay cả ở những nước hiện đại, chuyện những tòa nhà bị cháy vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Cháy ở Carina nghiêm trọng hơn, đó là hình ảnh mà niềm tin của bao người bị thiêu rụi trong đó!
Nguồn: ANTG/Báo CAND