Phóng sự
Tương lai về đâu cho những kẻ đi ngược lợi ích dân tộc?
(Congannghean.vn)-Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Oai, Dũng Phi Hổ… là những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật có tính hệ thống. Liên tiếp trong thời gian qua, thay vì chung tay góp sức xây dựng quê hương, các đối tượng trên liên tục gia tăng các hành vi gây rối, làm phức tạp ANTT. Việc xử lý nghiêm các đối tượng không chỉ góp phần đảm bảo kỷ cương phép nước mà còn là lời cảnh tỉnh đối với những kẻ còn có ý định đi ngược lại với lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân.
Hoàng Đức Bình (phải) 'lĩnh' 14 năm tù về tội “ Chống người thi hành công vụ” và Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích, hợp pháp của công dân” |
Cái kết đắng cho kẻ ảo tưởng
Phiên tòa xét xử Nguyễn Viết Dũng (hay còn gọi Dũng Phi Hổ) gây nhiều chú ý cho người tham dự tại khán phòng. Điều này xuất phát từ nhiều điều. Một mặt, quá trình vi phạm của Dũng trong suốt thời gian qua, nhất là trên không gian mạng, đã khiến người dân rất phẫn nộ, yêu cầu phải xử lý nghiêm. Mặt khác, mọi người muốn xem xét, Dũng Phi Hổ có thay đổi sau chừng ấy thời gian được tiếp xúc, làm việc với cơ quan điều tra. Liệu người thanh niên trẻ từng là niềm hy vọng của gia đình, dòng tộc đã biết quay đầu về hướng thiện, hay vẫn chìm sâu vào những ảo tưởng, ngộ nhận khi bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động. Bởi so với các đối tượng chống đối khác, Dũng Phi Hổ có học thức và trình độ hơn.
Từng tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đạt giải cao, rồi đỗ vào Đại học Bách khoa, Dũng được bố mẹ, dòng họ gửi gắm bao hy vọng, niềm tin. Ở quê lúa Yên Thành vốn có truyền thống hiếu học, gia đình sẵn sàng chấp nhận vất vả, chỉ những mong, cậu con trai trong gia đình sẽ biết tu chí học hành. Nếu không thành đạt rực rỡ, ít ra cũng có công việc ổn định, thoát ly khỏi cuộc sống nông nghiệp quanh năm vất vả. Những hy vọng đó được dồn gửi trong những bao gạo mà gia đình chắt bóp, đùm bọc gửi ra Thủ đô, được trao gửi từ những cuộc điện thoại nhắn nhủ Dũng tập trung học hành, tu dưỡng thành người có ích. Ấy nhưng, sự đời lại ngả theo một hướng hoàn toàn khác.
Chẳng biết từ bao giờ, Dũng Phi Hổ bị tác động xấu từ internet. Rồi dần dần, do xa gia đình, lại không chịu học tập, Dũng trượt dài trên con đường vi phạm pháp luật. Qua thời gian, Dũng bị tiêm nhiễm bởi những tư tưởng, lối suy nghĩ độc hại từ các đối tượng xấu.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, trong thời gian từ ngày 30/4 - 19/5/2017, Nguyễn Viết Dũng có hành vi đăng tải trên facebook cá nhân “Dũng Phi Hổ” 7 bài viết do Dũng tự soạn thảo, sao chép và chỉnh sửa ý kiến cá nhân có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
'Dũng phi hổ' hùng hổ trên mạng xã hội bao nhiêu thì lại lấm lét trước tòa bấy nhiêu |
Ngoài ra, Nguyễn Viết Dũng có hành vi làm ra, lưu trữ, lưu hành 4 lá “Cờ vàng ba sọc đỏ” tại nhà riêng ở xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành vào các ngày 5/4/2014, 29/4/2014 và 26/10/2016. Tiếp đó, Nguyễn Viết Dũng treo “Cờ vàng ba sọc đỏ” tại Khu di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng vào ngày 26/4/2017; tại Dinh Độc Lập, TP Hồ Chí Minh vào ngày 8/6/2017; tại Khu du lịch Cồn Thới Sơn thuộc xã Thái Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vào ngày 11/6/2017 rồi chụp ảnh, quay video, sau đó đăng tải trên facebook cá nhân “Dũng Phi Hổ” để chia sẻ, phát tán trên mạng internet nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Tại phiên tòa, trái với vẻ ngang ngạnh thể hiện trên mạng xã hội, Dũng lí nhí trả lời câu hỏi của HĐXX. Đối tượng thừa nhận và khai báo thành khẩn về những hành vi vi phạm. Dũng khai, vì mình không hiểu biết pháp luật, không biết treo cờ của chế độ cũ là vi phạm nên mới làm thế. Tất nhiên, đó chỉ là lời khai tại tòa. Toàn bộ tài liệu chứng cứ về hành vi vi phạm đã được tổng hợp, làm rõ suốt thời gian dài. Người ta không thấy một “anh hùng bàn phím” ngang ngược mà chỉ còn một cậu thanh niên nhút nhát trước mọi cặp mắt khi trả lời các câu hỏi của HĐXX.
Ngồi dự dưới khán tòa có 1 người đàn ông lặng lẽ cứ dõi theo Dũng từ phía sau. Chốc chốc, giữa những câu xét hỏi, ông nén thở gắt, giấu đi sự lo lắng trong hai bàn tay gầy guộc. Đó là bố Dũng - người đàn ông đã sinh thành, dưỡng dục, nuôi nấng Dũng nên người. Có ai ngờ đâu, cậu con trai mà ông trao gửi yêu thương lại có ngày này, phải đối chất về những hành vi vi phạm pháp luật “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Nghĩa là đang chống lại chính truyền thống quê hương, gia tộc, chống lại thành quả mà thế hệ cha ông, cố can của Dũng đã đổ máu để dựng xây… Tất nhiên, lỗi chính không phải là do sự lôi kéo của các đối tượng xấu để đẩy Dũng vào con đường sai trái! Càng không phải gia đình, quê hương, bà con chòm xóm khiến Dũng chán nản, thất vọng! Tất cả đều do bản thân Dũng, vì những lợi ích tầm thường, vì thói “anh hùng rơm” mà sa ngã trong nhận thức và hành động.
7 năm tù, 5 năm quản chế là thời gian không ngắn, nhưng sẽ là cần thiết, để Dũng tự ngẫm lại mình, tự tìm ra đâu là con đường đúng đắn nhất để mình quay lại. Là sự lôi kéo của các đối tượng xấu từ trước đến nay để đẩy Dũng vào con đường sai trái? Hay là gia đình, là quê hương, bà con chòm xóm? Câu trả lời, đến lúc này, chắc Dũng là người hiểu rõ nhất và cần “thấm” nhất. So với tội danh mà Dũng gây ra, mức án trên được đánh giá là rất khoan hồng, tạo cơ hội để người thanh niên trẻ sửa chữa lỗi lầm.
Pháp luật rất khoan hồng nhưng cực kỳ nghiêm minh
Tất nhiên, với những kẻ có “bề dày” chống đối, không phải đối tượng nào cũng thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối hận khi được xét xử. Ngay cả khi chứng cứ rõ ràng, hành vi phạm tội rất cụ thể. Điển hình như Hoàng Đức Bình và Nguyễn Văn Oai. Xét về hành vi phạm tội, cả Hoàng Đức Bình và Nguyễn Văn Oai đều có “bề dày” chống đối trong khoảng thời gian dài. Bị cáo Hoàng Đức Bình bị xét xử về các tội “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp”. Còn Nguyễn Văn Oai là hành vi “Chống người thi hành công vụ” và “Không chấp hành án”.
Bản án dành cho Nguyễn Văn Oai là lời cảnh tỉnh cho các đối tượng chống phá, phản động |
Cả Hoàng Đức Bình và Nguyễn Văn Oai đều có “quá khứ” không mấy tốt đẹp. Trong đó, có nhiều hành vi liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia. Với Hoàng Đức Bình, sau thời gian hoạt động ở TP Hồ Chí Minh, trở về Nghệ An, đối tượng thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng. Lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó chủ tịch “Phong trào Lao động Việt”, Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập “Hiệp hội ngư dân miền Trung” với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miền Trung tham gia vào tổ chức; tìm chọn “hạt nhân” kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự.
Còn Nguyễn Văn Oai cũng chẳng kém cạnh. Từng bị kết án về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", nhận thức rõ việc không chấp hành án phạt quản chế và chống người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật nhưng với bản chất coi thường pháp luật, thiếu trách nhiệm công dân nên Nguyễn Văn Oai vẫn cố tình lao vào con đường tội lỗi dù các cơ quan có trách nhiệm đã thuyết phục, giáo dục, động viên.
Dựa trên mức độ hành vi phạm tội, HĐXX đã tuyên phạt mức án thích đáng, hoàn toàn phù hợp, đúng người, đúng tội cho Hoàng Đức Bình và Nguyễn Văn Oai. Trong các phiên xét xử, mọi hành vi đều có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Trong đó, việc khai báo thành khẩn, thái độ hối cải được xem là yếu tố để giảm mức hình phạt cho các bị cáo. Tuy nhiên, với nhiều đối tượng, con đường hoàn lương dường như vẫn còn xa vời.
Khởi tố bị can Lê Đình Lượng về tội 'Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'
Bởi trên thực tế, do sự tiêm nhiễm tư tưởng xấu, lại bị lợi ích vật chất từ các thế lực bên ngoài hậu thuẫn, nên một số người vẫn trượt dài trên con đường vi phạm pháp luật. Chúng lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, xem đây là chiêu bài để tuyên truyền, kích động hòng đạt vụ lợi cá nhân. Vì thế, ngay cả khi đứng sau vành móng ngựa, nhận thức của nhiều đối tượng vẫn chưa thực sự sáng tỏ và thấu rõ.
Gieo nhân nào, nhận quả đó. Những việc làm sai trái, đi ngược với luân thường đạo lý, với truyền thống từ bao đời của dân tộc, của nhân dân, không sớm thì muộn đều phải nhận quả đắng. Mỗi quốc gia đều có hệ thống pháp luật nghiêm minh. Bất cứ công dân nào, không phân biệt tôn giáo, đều phải chịu sự điều chỉnh của các quy định đó… Về những đối tượng chống đối trên, ngoài mức án của HĐXX, sẽ có một hình phạt dai dẳng hơn, đó là sự nhìn nhận, là thái độ của người dân trước hành vi vi phạm. Không ai, không lúc nào, mọi người lại chấp nhận những đối tượng chống đối, những kẻ phá hoại cuộc sống bình yên, những đối tượng đi nhận những vật chất cá nhân, vì tư lợi hẹp hòi mà đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân.
Trần Lâm