Văn hóa - Giáo dục
Ký ức hào hùng của nhà giáo đi B
(Congannghean.vn)-Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tình cảm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, gác bỏ ước mơ tu nghiệp ở phương trời Tây, những nhà giáo xung phong lên đường chi viện cho giáo dục miền Nam. Và rồi, sau bao nhiêu năm, cuộc hội ngộ nào cũng đầy xúc động.
Thầy giáo Chu Cấp chia sẻ về những năm tháng trong chốn lao tù |
Trong ngôi nhà nhỏ của thầy giáo Hoàng Tư Hậu, Trưởng ban liên lạc nhà giáo đi B Nghệ An ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tôi may mắn được gặp thầy Chu Cấp đến từ huyện Yên Thành. Cuộc hội ngộ không hẹn trước nhưng ấm áp nghĩa tình. Viết về thầy, tôi dành tất cả sự ngưỡng mộ cho một người thầy - người chiến sỹ cách mạng kiên trung.
Thầy Chu Cấp sinh năm 1940 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Sau 2 năm học Trường Sư phạm Trung cấp Vinh (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh), năm 1960, thầy được điều động ra dạy tại tỉnh Ninh Bình. Năm học 1963 - 1964, thầy làm Hiệu trưởng Trường Ninh Giang, Ninh Bình. Cũng trong thời gian này, thầy được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài. Ước mơ ấp ủ bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, vừa nghe tin tỉnh có chủ trương điều động một số giáo viên chi viện cho chiến trường miền Nam, không chút do dự, thầy xung phong lên đường.
Sau 3 tháng huấn luyện, thầy Cấp được điều về Trung ương Cục tại Nam Bộ, sau đó tập kết tại khu Trung Nam Bộ (còn gọi T2). Tại đây, thầy cùng với nhiều đồng nghiệp xây dựng phong trào giáo dục vùng giải phóng và chuẩn bị cho tiếp quản các trường phổ thông, đại học, chuyên nghiệp ở đô thị, đồng thời đấu tranh cho văn hóa đồi trụy, phản động của Mỹ, ngụy. Năm 1969, sau khi thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thầy Cấp được điều về tỉnh Mỹ Tho, giữ chức Phó ty Giáo dục Mỹ Tho. Cũng trong năm này, thầy bị địch bắt.
Thầy nhớ lại: “Lúc đó khoảng 7 giờ tối, tôi cùng 2 người bạn được 1 nhà dân giấu dưới hầm. Lính địch chạy vào gọi nhưng chúng tôi nhất định không ra. Bọn chúng bắn pháo sáng, bắn lựu đạn cay, đưa tiểu liên nhằm vào. Đêm hôm ấy, chúng trói tay chân tôi lại, bắt đầu tra hỏi tại chỗ. Khi không khai thác được gì, chúng lôi tôi ra giữa ruộng nằm phơi trần một đêm. Sáng hôm sau, lại tiếp tục đánh đập, dùng máy điện quay tay…”.
Sau 1 đêm nằm vật vờ giữa ruộng để chúng tra khảo, thầy Cấp được đưa về giam tại huyện Cái Bè. Tại đây, địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn, đánh đập dã man. Chúng dùng nước vôi, xà phòng đổ vào miệng, dùng báng súng, giày đinh đánh gây thương tích ở ngực và xương sống. Chết đi sống lại nhiều lần, thầy vẫn kiên định, giữ khí tiết của người chiến sỹ cách mạng.
Một thời gian sau, thầy bị địch đưa xuống Ty Cảnh sát Mỹ Tho, rồi chuyển về Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Dùng đủ cực hình không được, bọn chúng chuyển sang dụ dỗ. “Một thằng người Mỹ vào lấy khẩu cung. Hắn nói tiếng Việt rất sõi. Hắn bảo nếu được phóng thích thì ông về quê hay ở đây. Nếu muốn ở lại cộng tác thì sẽ trả tự do. Lúc đấy, tôi nói “chắc không thành hiện thực”, thầy nhớ lại. Thế rồi, lẽ đương nhiên, thầy lại phải gánh chịu những trận đòn roi của bọn chúng.
Vào khoảng tháng 9/1970, thầy Cấp được đưa về giam giữ tại nhà giam Chí Hòa. Trong thời gian bị giam cầm tại đây, người chiến sỹ kiên trung Chu Cấp cùng những người bạn tù đã tham gia nhiều phong trào đấu tranh như: Đấu tranh chống chào cờ, bảo vệ khí tiết người chiến sỹ cách mạng; đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống đàn áp chị em nữ tù chính trị; đấu tranh chống xử án tại tòa. Đặc biệt, thầy đã hỗ trợ thanh, thiếu niên về văn hóa chính trị, cách thức, phương thức đấu tranh với bọn cai ngục và chỉ cho anh em khắc phục đàn áp của địch bằng lựu đạn cay.
Tháng 4/1972, thầy Chu Cấp bị địch đày ra Côn Đảo. Giữa cái nơi người ta vẫn gọi là chốn “địa ngục trần gian” này, những người chiến sỹ cách mạng phải đối diện với những cảnh tra tấn thừa sống, thiếu chết. Trong nhà giam, thầy Cấp được giao phụ trách đội xung kích chống đàn áp, đội phát loa đấu tranh, phụ trách thanh niên, văn nghệ, chống chào cờ, chống khổ sai, đi tòa và nội quy của địch. Vẫn một lập trường tư tưởng kiên định, thầy luôn tích cực trong các cuộc đấu tranh, không ngại hy sinh gian khổ để rồi ngẩng cao đầu trở về sau ngày Hiệp định Pari 1973 được ký kết. Thầy Cấp chia sẻ: 4 năm trời trong chốn ngục tù, tôi cũng như những người bạn vẫn vững niềm tin, hy vọng bởi ngày giải phóng miền Nam không còn xa nữa.
Sau khi được trao trả, thầy Cấp được tổ chức phân công về làm việc tại Ban đón tiếp dân chính miền Nam ở Trung ương Cục, với chức danh Bí thư Đoàn ủy đoàn đón tiếp, sau 1 năm trở về làm Trưởng phòng Giáo dục quận 1, TP Hồ Chí Minh; năm 1979, làm Phó đoàn Giáo dục cấp thành phố. Năm 1980, thầy quyết định trở về quê hương tiếp tục sự nghiệp dạy học cho đến ngày về hưu.
Nhắc đến những năm tháng đi xây dựng phong trào giáo dục vùng giải phóng, thầy giáo Hoàng Tư Hậu, Trưởng ban liên lạc nhà giáo đi B Nghệ An vẫn còn nhớ như in. Sau 8 năm dạy học ở Hòa Bình, năm 1973, thầy được điều động vào chiến trường Tây Ninh, phụ trách một xã mới được giải phóng, mà trước đó 1 tuần, thầy có quyết định làm đề tài nghiên cứu sinh để đi học ở nước ngoài. Về đây, thầy hướng dẫn bà con tăng gia, sản xuất, vận động làm lán học, tìm những người có trình độ lớp 3, lớp 4 để hướng dẫn họ dạy học. Sau ngày giải phóng, thầy giữ chức vụ Trưởng phòng Phổ thông Ty Giáo dục Tây Ninh, đến năm 1977 ra Bắc tiếp tục sự nghiệp giáo dục cho đến ngày trở về quê công tác…
Cả cuộc đời giành trọn cho sự nghiệp “trồng người”. Trong gian khổ, chiến tranh ác liệt, cùng với nhân dân cả nước, những người thầy vẫn tỏa sáng kiên trung. Những ngày này, khi tất cả người dân Việt Nam đang náo nức hướng về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bao nhiêu kỷ niệm thời kháng chiến chống Mỹ gian khổ và hào hùng lại ùa về trong ký ức của những người thầy đã gần tuổi 80.
Phan Tuyết