Văn hóa - Giáo dục

Giảm chỉ tiêu, siết chặt đầu vào các trường sư phạm

10:43, 08/05/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trước tình trạng cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều; chất lượng đào tạo giáo viên không đảm bảo khi một số cơ sở đào tạo lấy điểm sàn đầu vào quá thấp, bắt đầu từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa ra một loạt giải pháp như giảm chỉ tiêu, siết chặt đầu vào nhằm chấn chỉnh tình trạng trên.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bắt đầu từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên trên cơ sở khảo sát, thống nhất nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương trong toàn quốc;  nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng đào tạo và quy định nâng ngưỡng xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT cao hơn so với các năm trước.
Năm 2018, số lượng nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm giảm 29%.
Năm 2018, số lượng nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm giảm 29%.
Cụ thể, đối với trình độ đại học, chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi; riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.  Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
 
Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại  trung bình trở lên. Với các giải pháp đồng bộ như giảm chỉ tiêu, siết chặt đầu vào, tổng số chỉ tiêu của các trường sư phạm năm nay giảm 38%; nguyện vọng thí sinh đăng ký vào khối ngành sư phạm trong năm 2018 cũng đã giảm 29% và số nguyện vọng 1 giảm 27% so với 2017.
 
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, thực tế cho thấy, việc giảm mạnh số lượng sẽ khiến các trường sư phạm có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động, cần chi phí để đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại.
 
Tuy nhiên, mặt tích cực của các chính sách này là việc đào tạo sẽ sát với quy mô sử dụng giáo viên, có khả năng thu hút các sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, dẫn đến giảm thiểu tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
 
Đặc biệt, khi biết chủ trương nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào sư phạm thì các thí sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm năm nay có thể chất lượng hơn, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.

Nguồn: Huyền Thanh/CAND

Các tin khác