Văn hóa - Giáo dục
Giáo dục cần cách mạng triệt để
Mấy năm trước, chắc không ít người trong chúng ta từng bật cười rồi sau tràng cười ấy là sự hoang mang tột độ khi xem một video ngắn điều tra kiến thức cơ bản về lịch sử của các em học sinh tiểu học tại Hà Nội mà trong đó, câu hỏi là: “Các em có biết ông vua Quang Trung và ông Nguyễn Huệ có mối quan hệ như thế nào?”.
Một quốc gia mà không giữ gìn được giáo dục thì rất khó có cơ hội cho những hy vọng, cho tương lai. “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” điều mà ai cũng hiểu cả, cũng biết và cũng đồng tình cả. |
Tôi cũng đã bật cười như thế, rồi hoang mang như thế cho đến khi con trai lớn của mình vào lớp 4, rồi lên lớp 5. Cuốn sách giáo khoa lịch sử như tôi vẫn hình dung không còn nữa. Bây giờ là một cuốn tích hợp hai môn lịch sử và địa lý.
Trong cả năm học lớp 4, bậc tiểu học sẽ được học lịch sử từ nhà nước Văn Lang cho tới giai đoạn cuối của triều Nguyễn còn lịch sử cả năm lớp 5 các em sẽ học về các cuộc khởi nghĩa chống Pháp cho tới giai đoạn thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mỗi năm học, các em được học vẻn vẹn 29 bài lịch sử, tạm chia ra thành 29 tiết. Nếu mỗi năm học kéo dài khoảng 7 tháng, trừ các khoảng nghỉ, coi như mỗi tuần có một tiết lịch sử.
Như vậy, liệu có đủ hay không để các em có một sự đam mê cho môn học mà thực sự nhiều người không hứng thú khi còn ở dưới mái trường nhưng lại vô cùng say sưa với nó khi đã trưởng thành và đặt mình ở cương vị của những người tìm hiểu độc lập một cách thông thường?
Quay trở lại với chuyện Quang Trung - Nguyễn Huệ, trong giáo trình lịch sử lớp 4, triều đại này khá được ưu ái với 3 bài (từ bài 24 tới 26) nhưng thực tế lượng kiến thức cần xây dựng cho các em tiểu học thì không đủ.
Bài đầu nói về câu chuyện nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long; bài thứ hai nói chuyện đại phá quân Thanh và bài cuối cùng là một bài mà có lẽ bất kỳ người lớn nào cũng ngạc nhiên, bài về kinh tế và văn hoá thời Tây Sơn.
Minh họa: Lê Phương. |
Các cháu học lớp 4, mới 9 tuổi, có cần phải biết triều đại ấy làm kinh tế thế nào hay không khi mà ở tuổi đó, chúng vẫn say mê với những câu chuyện anh hùng nhuốm màu huyền thoại.
Và những người làm giáo dục có bao giờ đặt ra câu hỏi rằng nước Việt Nam cần các học sinh tốt nghiệp tiểu học nắm chắc, say sưa tìm hiểu, ghi nhớ được những câu chuyện lịch sử từ thời Văn Lang cho tới giai đoạn Ngô Quyền giành độc lập và chưa cần biết thêm đến lịch sử của giai đoạn sau đó hay chúng ta cần những thế hệ tốt nghiệp tiểu học có thể trả bài kiểu học vẹt nhưng hoàn toàn lớt phớt với các sự kiện lịch sử kéo dài suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc?
Tôi không phải người soạn sách giáo khoa, và càng không có trình độ để soạn sách giáo khoa nên không dám phê phán những ai đang làm công tác ấy (mà trong đó lại đang có thầy giáo cũ của tôi, một người tôi vô cùng kính trọng). Song, đọc sách lịch sử tích hợp với địa lý của con trai mình, tôi nhớ những bài học sử của chính thế hệ chúng tôi vô cùng.
Thời đó, tại sao chúng tôi có thể hiểu được từ “Sát Thát” là gì, giải thích cặn kẽ “thần đồng” nghĩa là gì, với ví dụ về cụ Lê Quý Đôn. Vậy mà ở thời này, khi tôi hỏi con trai mình, và các bạn học lớp 5 cùng cháu ở một ngôi trường điểm của quận 1, TP HCM, chúng hầu như chẳng biết ông Lê Quý Đôn là ai và thần đồng có ý nghĩa như thế nào chứ đừng nói đến hai từ “Sát Thát”.
Chúng ta có thể quy trách nhiệm vào ai đây khi đang có từng thế hệ học sinh được “sản xuất” ra đầy thiếu hụt về kiến thức căn bản đến thế. Và kinh khủng hơn nữa, từng thế hệ ấy lớn lên lại hụt hao thêm về giá trị đạo đức, để xã hội ngày càng trở nên hỗn loạn hơn với những vụ trò đánh trò, trò hành hung thầy và thầy thì nhục mạ, lạm dụng chính học trò của mình.
Vẫn biết giáo dục bao gồm cả học đường lẫn gia đình nhưng thời gian các cháu ở trường luôn nhiều hơn thời gian các cháu ở nhà. Và ở trường chúng nhận được gì từ nền giáo dục hôm nay? Câu trả lời sẽ cần phải được mổ xẻ cực kỳ cụ thể.
Theo định nghĩa cổ điển nhất, giáo dục là một quá trình hấp thụ kiến thức, kỹ năng, thói quen, giá trị và niềm tin. Vậy thì ở nền giáo dục Việt Nam hiện tại, học sinh được tiếp thụ những gì? Kiến thức ư?
Đó là một khối lượng lệch lạc bởi cái kiến thức cần và phù hợp lứa tuổi thì lại được chuyển giao cho các em không tương xứng, môn thì quá nặng nề, môn thì quá lớt phớt.
Kỹ năng? Phải thừa nhận, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm của học sinh hôm nay thua xa thế hệ cha anh đi trước mà chúng ta vẫn cứ đổ tại bởi sự tiện nghi trong khi chúng ta gần như đang bỏ trống các hoạt động ngoại khoá thực sự hữu ích trong công tác giáo dục.
Giá trị chuyển giao cho các em là gì? Ai định nghĩa xác định được giá trị ấy một cách công bằng và chính xác đây? Còn niềm tin? Hình như chúng đang phải tin vào thứ chúng ta muốn chúng tin hơn là thứ niềm tin khơi gợi chính đức tin của chúng.
Cuối cùng, chúng chỉ nhận được đúng 1 thứ: Thói quen, và rất buồn là không ít trong đó lại là những thói quen xấu do chính cách thức giáo dục của gia đình và nhà trường mang lại.
Năm 1982, vào lớp 1, vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải vào Đà Nẵng sống với ông bà ngoại 1 năm, và học lớp 1 ở đó. Tôi còn nhớ như in giáo viên chủ nhiệm của mình, cô giáo Quỳnh và cả mái trường Trần Hưng Đạo ấy, dù chỉ học đúng 1 năm. Đơn giản, lúc đó tôi gọi cô giáo là cô và xưng là trò.
Để rồi khi về lại Hà Nội, học tiếp lớp 2, tôi lạ lẫm ban đầu khi gọi là cô xưng em. Cách xưng hô này theo tôi không xác định được lễ nghĩa cần có của quan hệ thầy - trò. Gọi học sinh là em, cho học sinh xưng em với mình như một sự cưng nựng không cần thiết để tinh thần tôn sư nhạt nhòa dần.
Nếu bây giờ, tất cả các cấp học đều đơn giản hoá việc thi cử để xác định kiến thức đủ để lên lớp, đủ để tốt nghiệp và chế độ thi cử tự do được tạo điều kiện tối đa, có lẽ sẽ không ít phụ huynh hình thành với nhau thành từng nhóm, để con mình được học tại nhà, trong những lớp học tự tổ chức, với những giáo viên được chính phụ huynh chọn lựa và cả những kiến thức mà phụ huynh mong muốn con mình tiếp nhận được ở mỗi thời kỳ.
Khả năng ấy cho thấy niềm tin vào nền giáo dục đã cạn đi rất nhiều và trong hoàn cảnh không sáng sủa đó, ngành giáo dục chắc phải nhìn lại gấp, để tiến hành một cuộc cách mạng triệt để chứ không phải những lần cải cách theo kiểu vá lỗi mà càng vá, lại càng thấy lỗi hình thành.
Nguồn: ANTG/Báo CAND