Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh
Đến nay dù đã bước sang tuổi 90 nhưng phần lớn thời gian, cựu sỹ quan an ninh, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng Phan Văn Lai - Trưởng Ban liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam vẫn dành tâm huyết cho công việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và viết sách về những người con ưu tú công an nhân dân đã tình nguyện lên đường vào miền Nam chiến đấu. Năm 1962 theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông và đồng đội được Bộ Công an tuyển chọn đã xung phong chi viện cho an ninh miền Nam và chiến đấu tại chiến trường Huế - Đà Nẵng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Ngày đất nước trọn niềm vui, là ngày lời thề giành độc lập của ông và đồng đội đã trở thành hiện thực.
“Tất cả vì tiền tuyến lớn, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, tinh thần lớn đó đã trở thành hành trang để hơn 11.000 cán bộ công an chi viện cho an ninh miền Nam chiến đấu ngoan cường, anh dũng trong suốt những năm tháng từ 1959 - 1975. Và chính tinh thần ấy đã thôi thúc chàng sinh viên Nguyễn Đức Minh -Ban liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam xếp bút nghiêng tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu. Dù chỉ có hơn 4 năm chiến đấu tại chiến trường nhưng đó là những năm tháng ông trân trọng nhất. Những bức ảnh đen trắng, kích cỡ bé chỉ bằng hai ngón tay ấy là kỉ vật ông trân trọng nhất suốt hơn 40 năm qua, ghi lại khoảnh khắc khi ông cùng đồng đội của mình thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn sau ngày 30/4.
Thời gian ở chiến trường của mỗi người chiến sỹ công an dài ngắn khác nhau họ công tác, chiến đấu cũng khác nhau ở các chiến trường B,C,K trong kháng chiến chống Mỹ. Gặp lại nhau sau 43 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng trong tâm niệm của những người chiến sỹ công an chi viện đều cảm thấy rằng mình may mắn bởi họ được sống vì đã có những hy sinh anh dũng của những người đồng đội và sự giúp đỡ toàn tâm toàn ý của nhân dân miền Nam. Đây cũng chính là phần thưởng lớn nhất của người công an, đã được dân bao bọc chở che có được ngày trở về như hôm nay.
Những ngày ở chiến trường là 1 phần kí ức tự hào, vẻ vang nhất của hàng nghìn cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam ngày ấy. Giờ, dù sức khỏe có yếu đi, trí nhớ còn không lưu giữ được nhiều hồi ức nhưng trong tim của mỗi người chiến sỹ công an nhân dân ấy đều đã hằn in hình ảnh người đồng chí, đồng đội; hình ảnh của nhân dân miền Nam thân thương. Đất nước hoàn toàn giải phóng đã đi qua 43 năm, tinh thần và bản lĩnh người công an cách mạng sẽ tiếp tục thắp lên ngọn lửa hồng soi sáng cho các thế hệ công an hôm nay và mai sau.